Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tổng sản lượng vải tiêu thụ gần 86.000 tấn (vải sớm khoảng 48.000 tấn; vải chính vụ 38.000 tấn).
Vải thiều được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó thị trường trong nước tiêu thụ trên 60.000 tấn qua các kênh: Chợ đầu mối, các chợ dân sinh, siêu thị, các sàn thương mại điện tử, vải tươi chế biến sấy khô và hệ thống bán buôn, bán lẻ khác.
Số còn lại được xuất khẩu sang các thị trường, chủ yếu là Trung Quốc (hơn 24.500 tấn) và một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: EU 53 tấn, Nhật Bản 45 tấn, Úc 42 tấn, Mỹ 20 tấn, Dubai 21 tấn, Canada 16 tấn, các nước khu vực Đông Nam Á 18 tấn…
Giá vải thiều ngay từ những ngày đầu vụ đã tăng cao, gấp 2-3 lần so với năm 2023, bình quân dao động từ 55.000 - 85.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Doanh thu từ tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tương đương với giá bình quân gần 56.200 đồng/kg, cao gấp 2,4 lần so với giá bình quân năm 2023. Sản lượng quả giảm nên dịch vụ phụ trợ mùa vải thiều chỉ đạt khoảng 960 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2023.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, giá bán sản phẩm tăng là do vải chính vụ mất mùa, sản lượng thấp, dẫn đến cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương nhiều năm nay quan tâm công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu đã thúc đẩy thói quen tiêu dùng đối với vải thiều tại thị trường trong nước và quốc tế, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế đối với sản phẩm.
Nhờ đó, dù sản lượng giảm nhưng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ vẫn đạt hơn 5.760 tỷ đồng (năm 2023 đạt hơn 6.876 tỷ đồng).
Riêng vùng vải sớm Phúc Hoà (huyện Tân Yên) lại được mùa. Với diện tích khoảng 700ha, sản lượng vải sớm của xã đạt hơn 10.000 tấn, giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ từ vải của toàn xã đạt hơn 300 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với năm ngoái.
Anh Lường Văn Phúc (ở thôn Hóa, xã Tân Sơn, Lục Ngạn) cho biết, chưa bao giờ có cảnh mới đến nửa vụ vải thiều mà các vườn vải đã hết sạch quả, có người chưa kịp mua về ăn thì đã hết mùa.
"Nhà tôi trồng 200 cây vải thiều chính vụ, 40 cây vải thiều không hạt và 200 cây vải thiều Thanh Hà. Tổng sản lượng quả vải năm nay ước tính chỉ được 5 tấn, trong khi mọi năm đạt từ 12 - 15 tấn, bỏ túi từ 150 - 200 triệu đồng. Ước tính năm nay cả thôn Hóa chỉ thu được 30 tấn vải, bằng 1 nhà của năm ngoái" - anh Phúc buồn rầu nói.
Cũng theo anh Phúc, các loại vải năm nay đều được giá cao, trong đó vải thiều Thanh Hà được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng, có bao nhiêu họ mua hết. "Riêng vải không hạt, năm nay giá cao ngất ngưởng, lên tới 250.000 đồng/kg song cũng không có nhiều để bán" - anh Phúc thông tin.
Tại điểm cân vải Tùng Mơ ở phố Kép, xã Hồng Giang (Lục Ngạn), chủ điểm cân cho biết, giá vải Thanh Hà có ngày đạt 85.000 - 90.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay.
Trong khi đó, giá vải chính vụ mua tại vườn cũng ở mức rất cao, dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/kg nên nhà nào có vải bán đều vô cùng phấn khởi.
Theo ông Vũ Văn Mến - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất vải hữu cơ của thôn Đồng Giao (huyện Lục Ngạn), trong tổ hợp tác chỉ có gia đình ông là thu hoạch được gần 2 tấn vải bán cho doanh nghiệp xuất khẩu đi Úc, Nhật Bản với giá 70.000 đồng/kg.
Mức giá này cao gấp gần 3 lần so với năm 2023, mặc dù vậy vẫn khó bù lại được việc mất mùa. Đơn cử, vườn nhà ông Mến năm ngoái đạt năng suất 20 tấn, bán với giá trung bình 25.000 đồng/kg, thu về 500 triệu đồng; năm nay chỉ được gần 2 tấn, thu về 140 triệu đồng. Trong khi đó, các thành viên của tổ hợp tác mất mùa gần hết.
Kịp thời hỗ trợ nông dân
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, năm nay cây vải thiều mất mùa, song trên địa bàn huyện còn có bộ cây trồng cũng đang cho hiệu quả kinh tế cao như: Cam, bưởi (diện tích hơn 4.000ha), 300ha ổi, 150ha chuối, 85ha na và hơn 1.500ha các loại cây ăn quả khác (bơ, nho, thanh long, mít, trám, hồng, xoài... với sản lượng khoảng 10.000 tấn/năm). Chưa kể, lĩnh vực chăn nuôi của huyện cũng phát triển tốt với hơn 4.000 con trâu, khoảng 3.700 con bò, gần 15.000 con ngựa, dê, đàn lợn hơn 41.000 con và khoảng 1,4 triệu con gia cầm.
Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tập trung hỗ trợ phát triển đa dạng các hình thức sản xuất nông nghiệp để giúp người dân nâng cao thu nhập và tiếp tục ổn định đời sống.
Nhận định ngành nông nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn, UBND huyện Lục Ngạn đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa dạng và nâng chất lượng sản phẩm để bù đắp vào sản lượng vải thiều thất thu.
Theo đó, với những diện tích vải thiều mới thu hoạch, cơ quan chuyên môn hướng dẫn, khuyến cáo người dân tập trung các biện pháp chăm sóc, tưới nước đủ ẩm, vệ sinh vườn đồi, tỉa bỏ cành bị sâu bệnh nhằm hạn chế lưu trú của sâu bệnh hại; áp dụng các biện pháp bón phân cân đối...
Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, do vải mất mùa cho nên nhiệm vụ xây dựng mô hình sản xuất vải theo hướng hữu cơ tại một số xã trên địa bàn không khả thi, huyện đã linh hoạt chuyển nguồn kinh phí đó sang thực hiện các mô hình hỗ trợ nông dân trồng ngô lai và nuôi gà trống thiến.
Đặc biệt, trung tâm đang thực hiện mô hình hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột an toàn quy mô 27ha/vụ đối với 354 hộ thuộc địa bàn các xã: Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Vân, Hộ Đáp, tổng kinh phí thực hiện hơn 3,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là hơn 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ giống, vật tư, còn lại là vốn đối ứng của bên tham gia liên kết. Sản phẩm được một đơn vị ký hợp đồng tiêu thụ ổn định và dự kiến người nông dân sẽ thu lãi hơn 6,4 triệu đồng/sào.