Nhờ nguồn vốn của Chương trình xây dựng NTM, mạng lưới hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng nông thôn trên toàn tỉnh Bắc Kạn đã được hoàn thiện, nhiều dự án sản xuất nông nghiệp được hình thành, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo làng quê.
Điển hình phải kể đến huyện Chợ Đồn, để từng bước hoàn thành các tiêu chí trong NTM, toàn huyện đã và đang triển khai 08 dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Dự án chuỗi liên kết nuôi vịt siêu thịt thương phẩm; Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nấm sò, nấm mộc nhĩ; Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ củ kiệu; Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây hồng không hạt; Dự án liên kết sản xuất, sơ chế gắn với tiêu thụ sản phẩm dâu tây; Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu Cát Sâm; Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà Lạc Thủy thương phẩm; Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm khoai tây Marabel.
Mô hình liên kết trồng củ kiệu tại xã Ngọc Phái của HTX An Bình (Chợ Đồn, Bắc Kạn).
Bà Triệu Thị Thủy, Giám đốc HTX An Bình (Chợ Đồn) chia sẻ: Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã xác định phương châm hoạt động là sản xuất phải gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Vì vậy HTX đã liên hệ với chính quyền địa phương để đăng ký thực hiện Dự án phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm củ kiệu thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM với quy mô 2ha/năm; chủ động tìm kiếm các công ty, doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản và liên kết với các hộ dân để tạo ra các sản phẩm như: gà thương phẩm, vịt thương phẩm, lợn thương phẩm, củ kiệu, dưa chuột, củ cải…
Đến nay, sau 3 năm thành lập, HTX An Bình đang liên kết sản xuất với các hộ dân xã Ngọc Phái trồng và tiêu thụ 1ha dưa chuột, 3ha củ kiệu. Liên kết sản xuất với các hộ dân xã Lương Bằng, Bằng Lãng chăn nuôi gà thương phẩm quy mô từ 800 - 1.000 con gà/chu kỳ, chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô 30 con…
Thu nhập bình quân của các thành viên từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/tháng; đối với các hộ dân liên kết được HTX hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cho ứng trước vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất, hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm theo giá hợp đồng liên kết.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái (Chợ Đồn), ông Trần Quốc Hiệu cho biết: Công tác phát triển sản xuất liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông sản của HTX đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân trên địa bàn, giúp xã Ngọc Phái hoàn thành tiêu chí nông thôn mới số 13 về tổ chức sản xuất...
Bà Triệu Thị Thủy Giám đốc HTX An Bình giới thiệu sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của huyện Chợ Đồn tới người tiêu dùng.
Từ hiệu quả của các dự án, có thể thấy với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng NTM, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã có những chuyển biến tích cực cả về phương thức hoạt động và hiệu quả kinh tế.
Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn chia sẻ: Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển về quy mô, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng, tăng thu nhập và cải thiện đời sống các thành viên HTX. Ưu tiên tham gia các chương trình MTQG, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng NTM năm 2024, ngày 29/3/2024 UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2024 cần thực hiện.
Mục tiêu năm 2024 toàn tỉnh Bắc Kạn có thêm 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 152 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Hạ tầng cơ sở thiết yếu được hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Bắc Kạn.
Các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn tiếp tục phấn đấu hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới và thành phố Bắc Kạn duy trì hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để hoàn thành mục tiêu trên giải pháp trọng tâm mà tỉnh Bắc Kạn đề ra đó là sử dụng nguồn vốn huy động và thực hiện tốt cơ chế đầu tư đặc thù trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Tập trung hỗ trợ cho phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục chú trọng công tác xã hội hóa để huy động thêm các nguồn lực khác đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn đầu tư hợp lý ở các địa phương, trong đó ưu tiên cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM tại cơ sở.
Ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng NTM tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 được giao là 149.991 triệu đồng (nguồn vốn năm 2022, 2023 chuyển sang là 18.483 triệu đồng và nguồn vốn phân bổ năm 2024 là 131.508 triệu đồng). 5 tháng đầu năm toàn tỉnh đã giải ngân được 27.160 triệu đồng, đạt 18% kế hoạch.
Bộ mặt nông thôn Bắc Kạn ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, giám sát, cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, đó là quá trình giải ngân trong các mô hình liên kết trong chuỗi giá trị rất vướng mắc; nguồn vốn cho các công trình xây dựng cơ bản thường thực hiện trong 6 tháng cuối năm do vậy việc dải ngân nguồn vốn trung hạn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là cán bộ còn rất lúng túng trong lĩnh vực này.
Trước tình hình đó, giải pháp 6 tháng cuối năm, Văn phòng điều phối NTM tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung phối hợp với các sở ban ngành, đặc biệt là sở tài chính, sở kế hoạch đầu tư kiểm tra nguồn vốn sự nghiệp, trên cơ sở đó có hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương triển khai. Tập trung tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc đến đâu tháo gỡ đến đó.
"Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đang chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành và chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hoàn thiện hồ sơ thủ tục giải ngân nguồn vốn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện", ông Hoàn cho biết thêm.