Nông dân vùng cao Bắc Kạn hiến đất, hiến công làm "con đường đi trước, mở lối thoát nghèo"

An Nhiên Thứ bảy, ngày 22/06/2024 14:13 PM (GMT+7)
Nhờ thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống người dân.
Bình luận 0

Xã Bành Trạch (huyện Ba Bể) là xã miền núi có địa hình phức tạp, tổng số chiều dài đường xã, liên xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện là 13,6km, chiều dài đường liên thôn, trục thôn là 30 km. Một số tuyến đường đã được bê tông hóa nhưng một số tuyến đường ngõ xóm vẫn là đường đất nên mùa mưa đường bị lầy lội đi lại khó khăn. Hệ thống đường vào khu sản xuất, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống dân sinh.

Đặc biệt dù còn nhiều khó khăn, nhưng các hộ dân trong xã đã đoàn kết, tự nguyện hiến đất, ngày công tham gia xây dựng các công trình phúc lợi xã hội của địa phương góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, nhất là tiêu chí cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn.

Nông dân vùng cao Bắc Kạn hiến đất, hiến công làm "con đường đi trước, mở lối thoát nghèo" - Ảnh 1.

Người dân huyện Ba Bể tích cực tham gia làm đường xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hoàng Chúc

Theo ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Bành Trạch, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã mới đạt 5 tiêu chí về nông thôn mới. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chủ trương, chính sách đến nay chương trình xây dựng NTM tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong hàng chục hộ dân tham gia hiến đất làm đường, phải kể đến hộ ông Dương Văn Thể (thôn Bản Hon, Bành Trạch, Ba Bể), đảng viên gương mẫu đi đầu tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ruộng, đất đồi cho thôn làm đường. Ông Thể cho biết, gia đình ông cũng đã hiến hơn 500m đất ruộng và hơn 400m đất đồi để thôn mở rộng đường giao thông giúp bà con vận chuyển nông sản được thuận tiện hơn.

Trao đổi với chúng tôi về phong trào hiến đất làm đường NTM, ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng thôn Bản Hon cho biết: Thôn có hơn 90 hộ dân, nhưng các hộ đã gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng NTM. Điều đáng trân trọng ở đây là sự đoàn kết, thống nhất, nhiều hộ dù hoàn cảnh gia đình trong diện nghèo và cận nghèo nhưng vẫn tích cực tham gia vì chung mục đích "con đường đi trước, mở lối thoát nghèo".

Cùng chung nhận thức góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, anh Dương Văn Quý (thôn Khuổi Shẳng, Bành Trạch, Ba Bể) cũng đã tự nguyện hiến hàng trăm mét đất từ quốc lộ 279 vào trong thôn. Ngoài việc hiến đất, anh Quý còn hỗ trợ thêm kinh phí thuê xe, máy múc vận chuyển đất giải phóng mặt bằng hỗ trợ cho việc mở đường giao thông trong thôn.

Nông dân vùng cao Bắc Kạn hiến đất, hiến công làm "con đường đi trước, mở lối thoát nghèo" - Ảnh 2.

Chi hội Phụ nữ Bắc Kạn chung sức xây dựng mô hình điểm “con đường hoa” phấn đấu hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới.

Anh Quý chia sẻ, không có con đường đi lại rất vất vả. Khi nắng ráo thì được chứ mưa đường dốc trơn trẻ con đi học khó khăn, bà con đi làm có phương tiện xe cũng không thể đi. Để giải phóng tạo mặt bằng gia đình cũng chia làm nhiều đợt, ban đầu mở đường đủ để 2 xe máy đi lại dễ dàng rồi đến xe ô tô đi được. Tổng chi phí để mở hết hơn trăm triệu đồng. Ở thôn cũng nhiều hộ còn khó khăn, nên mình làm được cứ làm thôi, tích góp để mở đường. Đầu tiên là phục vụ gia đình mình đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng rồi bà con trong thôn được hưởng lợi mình cũng vui.

Theo lãnh đạo UBND huyện Ba Bể, trong thời gian tới, huyện Ba Bể sẽ tiếp tục tập trung đầu tư mở đường liên thôn, đường lâm tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất, nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng và các mô hình kinh tế trang trại. Tạo được công việc làm ổn định và thu nhập cho nông dân, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Rời huyện Ba Bể, chúng tôi đến huyện Pác Nặm, tại đây công phong trào hiến đất làm đường, thi đua chung sức xây dựng NTM đang được lan tỏa rộng khắp, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM trên địa bàn.

Nông dân vùng cao Bắc Kạn hiến đất, hiến công làm "con đường đi trước, mở lối thoát nghèo" - Ảnh 3.

Ông Ma Văn Trinh, Bí thư chi bộ thôn Cốc Lải (Cao Tân,huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) bên tuyến đường liên thôn Cốc Lải - Ta Đào vừa đổ bê tông.

Tại xã Cao Tân (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất nông thôn mới, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng. Những con đường từ trung tâm xã đến các bản được mở rộng tạo nên một diện mạo mới cho nơi đây.

Ông Hoàng Văn Mình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cao Tân cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chương trình xây dựng NTM của xã đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Nhân dân trong xã đã tích cực xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, mô hình tự quản ở khu dân cư, tham gia đóng góp ngày công lao động, tiền mặt, tự nguyện hiến đất làm nhà văn hoá, làm đường giao thông nông thôn...

Điển hình như mới đây, thực hiện tuyến đường liên thôn Cốc Lải - Ta Đào dài 1,2km phải thu hồi diện tích khá lớn, hơn 49.000 mét vuông đất của các hộ dân thôn Cốc Lải. Nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cùng với nhận thức đúng về Chương trình xây dựng NTM nên bà con đã đồng tình ủng hộ. Đến nay, công trình đã đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế.

Theo ông Ma Văn Trinh, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Lải (Cao Tân), trước kia tuyến đường từ thôn Cốc Lải đến thôn Ta Đào chỉ là đường mòn để bà con đi lại. Tuy nhiên, sau khi có nguồn vốn của chương trình MTQG xây dựng NTM, cùng với sự đóng góp, hiến đất của hơn 10 hộ dân tuyến đường đã mở rộng được 3m. Ngoài tuyến đường này, trong xã thôn cũng đang mở thêm tuyến đường nữa dài 5-6km và cũng có hơn 30 hộ hiến đất để làm.

Nông dân vùng cao Bắc Kạn hiến đất, hiến công làm "con đường đi trước, mở lối thoát nghèo" - Ảnh 4.

Đổ bê tông tuyến đường liên thôn Cốc Lải - Ta Đào, xã Cao Tân.

Là một trong những hộ dân sẵn sàng hiến đất, chặt cây để làm đường, bà Ma Thị Chuyên chia sẻ: "Mặc dù tấc đất là tấc vàng nhưng tôi nghĩ có đường rộng, bê tông đi lại dễ dàng phát triển kinh tế còn lãi hơn nhiều lần chỗ đất, cây hiến cho thôn. Thế nên bên cạnh hiến đất, gia đình tôi còn tự nguyện chặt bỏ 04 cây gỗ lát đã trồng hơn 10 năm góp phần giải phóng mặt bằng cho thôn làm đường".

Có được sự thành công như ngày hôm nay phải kể đến một số hộ đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường như gia đình bà Ma Thị Chuyên, ông Ma Chu Chinh (Thôn Cốc Lải). Đặc biệt gia đình ông Chinh không chỉ hiến một diện tích đất thổ cư cho thôn mà ông còn tặng thêm 2 tấn xi măng hỗ trợ thôn hoàn thành tuyến đường. 

"Việc triển khai xây dựng NTM đã đem đến cho người dân chúng tôi rất nhiều lợi ích thiết thực. Giao thông nông thôn, nội đồng không ngừng cải tạo, xây mới, thuận tiện cho bà con phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao", ông Ma Văn Trinh khẳng định.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem