Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã công bố công khai quy trình thực hiện khai thác cát biển như sau: Đầu tiên đơn vị khai thác thực hiện đăng ký phương tiện khai thác, phương tiện vận chuyển trình UBND tỉnh Sóc Trăng, Tổ công tác liên ngành, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải.
Sau khi hoàn tất các thủ tục nêu trên, đơn vị khai thác sử dụng tàu hút đưa đến vị trí mỏ, tiến hành hút cát và vận chuyển vào vị trí sang mạn tại khu neo đậu chuyển tải. Đồng thời, trong quá trình khai thác cát biển, sang mạn, vận chuyển, theo dõi độ mặn và vận chuyển về công trình sẽ được giám sát.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, dự kiến, tháng 8/2024 sẽ đưa về công trường cao tốc khoảng 1 triệu m3 cát biển từ khu B1.
Nêu ra khó khăn trong quá trình khai thác cát biển, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, khó khăn trong quá trình khai thác là các thiết bị đủ điều kiện khai thác trong biển hạn chế.
Đồng thời, vị trí khai thác cách xa bờ, cần đảm bảo an toàn và kỹ thuật cao. Đơn vị khai thác còn gặp khó về thiết bị theo dõi, giám sát định vị trong quá trình khai thác, cũng như giám sát theo dõi độ mặn tại mỏ và tại công trường.
Một trong những khó khăn khác được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nêu ra là lo ngại về ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên mưa, bão.
Quá trình vận chuyển cát biển, từ mỏ khai thác tới cửa biển Trần Đề, đơn vị khai thác sẽ chuyển cát từ sà lan khai thác sang sà lan sông, khi đó, cát biển sẽ được dùng nước sông để thau rửa độ mặn của cát một lần nữa. Khi thau rửa xong, tiếp tục dùng thiết bị chuyên dùng để đo độ mặn của cát, nắm các chỉ số.
Tiếp đó, sà lan sông chở cát về công trường. Nếu chỗ thuận lợi thì sà lan tiếp cận công trường, nếu ở các vị trí cách xa, phải chuyển cát qua một sà lan khác.
Ngày 29/6 vừa qua, nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đã chính thức được khai thác mỏ cát biển ở Sóc Trăng có diện tích gần 100ha phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C là đơn vị được tỉnh Sóc Trăng cấp bản xác nhận (về khu vực, công suất, khối lượng, thiết bị, kế hoạch, phương pháp) và được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao quyền sử dụng khu vực biển để thác cát biển, phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Trong quá trình khai thác, công ty phải sử dụng ranh giới, không để xảy ra thất thoát và sai mục đích. Đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản, có các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động đến nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái biển, bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, chỉ khai thác cát biển từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày, không khai thác vào ban đêm.
Đối với công tác quản lý thi công và vận chuyển cát biển, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, đã chỉ đạo đơn vị thực hiện tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.
Để việc thi công cát biển được thuận lợi, không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng quan tâm và hướng dẫn kịp thời.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan và UBND các địa phương có dự án đi qua phối hợp với chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát, theo dõi quá trình tổ chức triển khai thực hiện.