Bí thư Thành ủy Cần Thơ: Rất cần thiết thí điểm tro xỉ và cát biển tại Dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 24/07/2024 06:30 AM (GMT+7)
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Công ty Cổ phần VSIP Cần Thơ xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để được thực hiện thí điểm tro xỉ và cát biển làm vật liệu san lấp tại Dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh.
Bình luận 0

Chiều 23/7, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu có buổi làm việc với các đơn vị có liên quan về tiến độ Dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ: Cần thí điểm tro xỉ và cát biển tại Dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Công ty Cổ phần VSIP Cần Thơ xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để được thực hiện thí điểm tro xỉ và cát biển làm vật liệu san lấp tại Dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh. Ảnh: Huỳnh Xây

Tại đây, ông Nguyễn Thế Vũ - Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VSIP Cần Thơ (nhà đầu tư dự án) cho biết, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do thiếu cát san lấp và giá cát cũng tăng đáng kể.

Để khắc phục tình trạng này, từ cuối năm 2023, công ty đã chủ động tìm kiếm rất nhiều nguồn vật liệu thay thế.

Theo tính toán của công ty, với giá cát hiện nay, để san lấp hoàn thành toàn bộ diện tích hơn 293 ha của dự án thì nhà đầu tư phải bỏ ra thêm khoảng 800 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ: Cần thí điểm tro xỉ và cát biển tại Dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thế Vũ - Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VSIP Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Huỳnh Xây

Cũng theo ông Vũ, hiện đã có gần 20 doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất trong Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh với diện tích hơn 100 ha, vốn đầu tư các dự án khoảng 200 triệu USD. Do đó, công ty mong muốn lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, để nhanh tiến độ dự án.

Từ đó, công ty đề xuất với UBND thành phố cho phép sử dụng thí điểm tro xỉ trong 5 hoặc 10 ha trong dự án. Sau đó sẽ theo dõi trong thời gian nhất định, báo cáo kết quả lên thành phố, bộ ngành, từ đó mới có cơ sở mở rộng.

Về thí điểm cát biển, ông Vũ cho biết, công ty không ngại sử dụng cát biển, nhưng khách hàng sẽ quan tâm đến môi trường, bảo hiểm... do đó, mong muốn có quy định, hướng dẫn cụ thể.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ: Cần thí điểm tro xỉ và cát biển tại Dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh- Ảnh 3.

Phối cảnh dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Công ty Cổ phần VSIP Cần Thơ xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để cùng thực hiện thí điểm tro xỉ và cát biển làm vật liệu san lấp cho Dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng cát biển ở ĐBSCL bản chất là cát sông, bởi cát được đẩy ra từ trong đất liền xuống biển. Do đó, có thể thí điểm san lấp dự án khu công nghiệp.

"Chúng ta không nên băn khoăn nữa, chưa có tiêu chí thì mình xây dựng, vì mình đi đầu. Cao tốc còn sử dụng cát biển được thì huống gì là những nơi như khu công nghiệp" - ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, khi thí điểm cát biển phải làm chặt chẽ về kỹ thuật và có thể tham khảo, tìm hiểu ở Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) vì đơn vị này đang sử dụng cát biển để san lấp nền cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Ông Hiếu cũng cho biết, về vấn đề thí điểm tro xỉ và cát biển, ông đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc tuần trước và đã được Thủ tướng đồng ý cho TP.Cần Thơ thí điểm.

Trước đó, ngày 9/9/2023, dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ đã được khởi động. Dự án VSIP Cần Thơ tọa lạc tại giao điểm chiến lược giữa các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang của ĐBSCL, giáp ranh ba tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, dễ dàng kết nối với hệ thống cảng, sân bay và các dịch vụ tiện ích của trung tâm TP.Cần Thơ.

Dự án có tổng diện tích 900ha, dự kiến khi hoàn chỉnh sẽ tạo việc làm cho 100.000 lao động, thu hút 3,5 tỷ USD. Trong giai đoạn 1, dự án triển khai trên diện tích 293,7 ha, tạo việc làm cho 20.000 – 30.000 lao động.

VSIP Cần Thơ được định hướng xây dựng theo mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững. Đồng thời, đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam, thiết lập mạng lưới logistics "từ trung tâm đến cảng" và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem