Dân Việt

Nhiều tổ chức đề nghị Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa bán một thứ được hấp thụ từ những khu rừng

Khánh Nguyên 05/08/2024 09:20 GMT+7
Việc thành lập và vận hành thị trường các-bon nhằm góp phần thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, nếu không tạo được các khung khổ pháp lý đồng bộ để quản lý phù hợp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó đạt các mục tiêu đã đề ra.

Tiềm năng lớn bán tín chỉ các-bon

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), trong thời gian qua, một số địa phương như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng (dịch vụ các-bon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ các-bon rừng.

Nhiều tổ chức đề nghị Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa bán một thứ được hấp thụ từ những khu rừng- Ảnh 1.

Các bộ ngành đang cho ý kiến về việc xây dựng Đề án phát triển thị trường các bon tại Việt Nam. (Trong ảnh: Cán bộ bảo vệ Vườn quốc gia Cúc Phương trong một lần tuần tra). Ảnh: C.P

Thị trường các-bon là tiền đề, động lực và phương tiện để các ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải, tham gia hiệu quả vào các thị trường thế giới, tránh được các hàng rào kỹ thuật, thương mại mà quốc tế đang triển khai áp dụng liên quan đến cắt giảm khí thải và thuế các-bon áp vào một số mặt hàng xuất khẩu như Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM).

Tuy nhiên, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, đây là một lĩnh vực mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chi tiết và cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới.

Chính sách và quy định pháp lý đã hình thành nhưng thiếu quy định, hướng dẫn chi tiết để có thể triển khai dịch vụ các-bon rừng, bao gồm: quyền sở hữu các-bon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng các-bon rừng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ các-bon rừng. Hạn ngạch giảm phát thải đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và tiềm năng tín chỉ các-bon rừng có thể thương mại của từng địa phương chưa được xác định, phân bổ.

Thông tin, nhận thức của nhiều bên liên quan đến dịch vụ các-bon rừng còn nhiều hạn chế như: thế nào là tín chỉ các-bon rừng, phương thức tạo tín chỉ, phương pháp tính toán tín chỉ cũng như hướng dẫn về thẩm định, xác minh, cấp tín chỉ… Tiêu chuẩn các-bon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường các-bon trong nước chưa được xây dựng.

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đang triển khai duy nhất một chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải/tín chỉ các-bon rừng, đó là thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NNPTNT và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới. Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng cho WB 10,3 triệu tấn CO2 (có thể tăng thêm tối đa 5 triệu tấn CO2), đơn giá là 5 USD/tấn CO2, tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu USD, trong đó 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào NDC của Việt Nam.

Để thực hiện ERPA này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 quy định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký ngày 31/10/2021. Theo đó, dự kiến Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2021-2025. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent sẽ được tính vào cam kết NDC của Việt Nam.

Cần quản lý, giám sát chặt chẽ

Để từng bước tháo gỡ những vướng mắc này, theo ông Trần Quang Bảo, thời gian tới Bộ NNPTNT sẽ đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các-bon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050. Phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương hằng năm giai đoạn 2021 đến năm 2030 để thực hiện mục tiêu NDC. Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các-bon rừng và quy định chi tiết về hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ các-bon rừng. Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống đăng ký, quản lý tín chỉ các-bon rừng.

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tăng cường năng lực cho các bên liên quan về phương thức tạo và trao đổi, thương mại tín chỉ các-bon rừng. Tham mưu tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (ERPA) với Tổ chức tăng cường tài chính trong lâm nghiệp (Emergent) và các đối tác khác. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật để triển khai, thực hiện dịch vụ các-bon rừng.

Việc thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon rừng với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phải tuân thủ quy định pháp luật và chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phảt thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp NDC theo hạn ngạch được phân bổ.

Tại cuộc họp về việc hoàn thiện đề án phát triển thị trường các bon tại Việt Nam với sự tham dự của đại diện các bộ ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, nếu không tạo được các khung khổ pháp lý đồng bộ để quản lý phù hợp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó đạt các mục tiêu đã đề ra.

Theo Phó Thủ tướng, cần khẳng định thị trường các-bon tại Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc thị trường nhưng phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của nhà nước, đảm bảo lợi ích quốc gia. Về quản lý, vận hành thị trường cần phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, không để phát triển tự do, tự phát, gây thất thoát tài nguyên, tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

Việc thành lập và vận hành thị trường các-bon nhằm góp phần thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua thị trường các-bon, tạo thêm dòng tài chính mới cho các hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.