Quảng Trị trồng rừng bán tín chỉ carbon, nông dân Thừa Thiên Huế lại giàu lên nhờ sản xuất hữu cơ
Quảng Trị trồng rừng bán tín chỉ carbon, nông dân Thừa Thiên Huế lại giàu lên nhờ sản xuất hữu cơ
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 03/05/2024 14:04 PM (GMT+7)
Miền Trung được biết đến với khí hậu khắc nhiệt, mưa bão, gió Lào. Bởi vậy, sản xuất nông nghiệp của khu vực này thường kém hiệu quả. Tuy nhiên, những năm gần đây, tân dụng lợi thế sẵn có, cũng như chính sách phù hợp, nông nghiệp khu vực này đã có nhiều bứt phá.
Năm 2017, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được thành lập. Các thành viên ở ban quản lý này, là các hộ dân người đồng bào thiểu số, được giao quản lý, bảo vệ 600ha rừng tự nhiên ở gần khu dân cư.
Thành lập ban quản lý hoành tráng và lãnh trọng trách lớn là bảo vệ hàng trăm ha rừng tự nhiên, nhưng các thành viên tham gia đều trên tinh thần tự nguyện, không được hưởng bất cứ khoản kinh phí nào của nhà nước.
Nghĩ rừng còn là cuộc sống còn sinh sôi, nên các hộ dân nhiệt tình tham gia bảo vệ rừng, có lúc gần 50 hộ tham gia chia làm 7 tổ bảo vệ rừng.
Cứ mỗi tuần một lần, thôn Chênh Vênh lại cắt cử người luân phiên nhau đi tuần rừng. Mỗi chuyến kéo dài 1-2 ngày, với 4-5 người tham gia. Khi phát hiện người lạ hoặc rừng có dấu hiệu bị xâm phạm, tổ tuần rừng sẽ ngăn chặn, đẩy đuổi, đồng thời trình báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Vì được bảo vệ nghiêm ngặt, nên cánh rừng cộng đồng của thôn sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều cây rừng tự nhiên có đường kính lớn, nhiều loài thú quý có trong Sách đỏ kéo về sinh sống.
Cộng đồng thôn Chênh Vênh giữ rừng hiệu quả, nên nhà nước đã giao thêm 200ha rừng nữa, nâng tổng số rừng tự nhiên ở đây lên con số 800ha.
Cũng chính bởi sự hiệu quả đó, Quảng Trị là một trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP năm 2022 của Chính phủ.
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Trị sẽ được chi trả 51 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon. Số tiền này tỉnh dùng chi trả cho việc quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, cộng đồng giữ rừng. Tỉnh đã giao khoảng 20.000 ha rừng tự nhiên trong tổng số trên 126.000 ha rừng tự nhiên, cho hơn 100 cộng đồng và gần 1.000 hộ quản lý bảo vệ.
Quảng Trị hiện có trên 121.000 ha rừng trồng, mỗi năm trồng mới từ 8.000 - 10.000 ha rừng để bù lại diện tích rừng trồng khai thác.
Giai đoạn từ năm 2024 - 2028, mỗi năm tỉnh phấn đấu vận động người dân trồng mới từ 2.000 – 3.000 ha rừng không đốt thực bì để giảm phát thải CO2. Mỗi ha rừng trồng đốt thực bì phát thải khoảng 60 tấn CO2.
Giàu lên từ nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn
Trước năm 2016, khái niệm nông nghiệp hữu cơ dường như vẫn còn xa lạ đối với nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thời điểm đó, phần lớn nông dân chỉ chú trọng đến yếu tố năng suất, sản lượng mà bỏ qua nhiều yếu tố như nông nghiệp "sạch", bền vững.
Năm 2016, cơ hội mở ra đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thừa Thiên - Huế khi Tập đoàn Quế Lâm mạnh dạn đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực hữu cơ tại địa phương như: Hệ thống cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản hữu cơ (200 tỷ đồng); nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, dự án tổ hợp chăn nuôi lợn an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Fertilizer) tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng.
Từ những kết quả tích cực nêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký biên bản hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để cùng có những hoạt động mạnh mẽ hơn thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn 2019 - 2021 và tiếp tục ký kết biên bản hợp tác giai đoạn 2022 đến 2025, định hướng đến 2030.
Vào năm 2019, với sự hỗ trợ từ Dự án Thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu VIE/433 của Chính phủ Luxembourg đã hình thành nên các tổ, nhóm nông dân PGS sản xuất rau hữu cơ theo hình thức liên kết nông hộ tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền.
Tổ, nhóm nông dân PGS là một cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí thấp, phù hợp với quy mô sản xuất hữu cơ nông hộ, tổ nhóm, góp phần bảo đảm chất lượng nông sản, khôi phục lòng tin của người tiêu dùng.
Cụ thể, những sản phẩm tham gia dự án VIE/433 gồm: Rau má hữu cơ Quảng Thọ, rau hữu cơ Quảng Thành, gà Quảng Phước, lúa hữu cơ Phú Mỹ, rau hữu cơ Mỹ Lợi, dầu lạc Mỹ Á, lúa hữu cơ Lộc An. Tham gia dự án có 20 nhóm hộ với 181 hộ dân tham gia trên tổng diện tích hơn 16ha. Việc hình thành các tổ, nhóm nông dân PGS đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về phương pháp canh tác từ vô cơ sang hữu cơ.
Dưới sự dẫn dắt của các doanh nghiệp cũng như chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, Thừa Thiên Huệ đã sở hữu trên 70.000 ha diện tích đất nông nghiệp phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Đơn cử như Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc. Nhằm đưa sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường tiếp cận thị trường, các thành viên của Hợp tác xã bước đầu đã làm chủ được kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ và sản xuất được 4 loại rau, 2 loại củ và đang xúc tiến thử nghiệm thêm các loại mới.
Hay như Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ 2 (huyện Quảng Điền) với 70ha diện tích trồng rau má gắn thường hiệu "Rau má Quảng Thọ" và đang chuyển dần từ sản xuất theo quy trình Vietgap sang trồng rau má hữu cơ khoảng 0,5ha (5 hộ) thử nghiệm do dự án nước ngoài hỗ trợ.
Để bao tiêu sản phẩm rau má cho người dân, thông qua sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ 2 đã tiến hành xây dựng cơ sở thu mua, nhà máy chế biến "Trà rau má" ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sấy khô, sục ozon, đóng gói để nâng cao chất lượng sản phẩm để tìm kiếm đầu ra. Đồng thời, Hợp tác xã còn tiến hành đăng ký thương hiệu, mẫu mã bao bì "trà rau má Quảng Thọ" với sản phẩm "trà rau má túi lọc" và "trà rau má sấy khô" và sản phẩm "bột Maccha rau má" cung ứng ra thị trường trong cả nước.
"Hợp tác xã không chỉ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất rau má hữu cơ mà còn thu mua rau má hữu cơ. Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến rau má hữu cơ ra các sản phẩm và cung cấp ra thị trường", ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2 thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.