Tập đoàn này của Việt Nam đang tính thương mại hóa tín chỉ carbon, lợi nhuận sẽ tốt hơn

Nguyễn Phương Thứ bảy, ngày 25/05/2024 09:08 AM (GMT+7)
Với lợi thế diện tích rừng cao su lớn, ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã GVR) cho biết sẽ nghiên cứu, tính toán trữ lượng carbon của rừng nhằm hướng tới thương mại hóa tín chỉ carbon trong tương lai.
Bình luận 0
Tập đoàn này của Việt Nam đang tính thương mại hóa tín chỉ carbon, lợi nhuận sẽ tốt hơn- Ảnh 1.

Với giá bán mỗi tín chỉ carbon hiện đạt 5 USD và lợi thế sở hữu 300.000 ha rừng cao su tại Việt Nam, GVR đang nghiên cứu, hướng tới thương mại hoá tín chỉ carbon trong thời gian tới.

Theo Kế hoạch hoạt động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã GVR) sẽ tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và đánh giá trữ lượng carbon của rừng cao su trong năm nay.

Tính đến cuối năm 2023, địa bàn hoạt động của GVR trải rộng tại 34 tỉnh, thành từ Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ, khu vực miền núi phía Bắc và 2 nước bạn Lào, Campuchia. Tính riêng diện tích rừng cao su tại Việt Nam, tập đoàn này đang quản lý khoảng 300.000 ha.

Với lợi thế diện tích rừng cao su lớn, ban lãnh đạo GVR cho biết sẽ nghiên cứu, tính toán trữ lượng carbon của rừng nhằm hướng tới thương mại hóa tín chỉ carbon trong tương lai.

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí carbon hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang carbon tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn carbon hoặc 1 tấn carbon quy đổi tương đương.

Mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là xu hướng ngày càng được nhiều quốc gia triển khai; qua đó, tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm hoặc hấp thu.

Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp).

Theo chia sẻ của một số chuyên gia và dữ liệu từ một số dự án mua bán tín chỉ carbon đã được thực hiện thành công, cứ mỗi tín chỉ carbon (tương đương với giảm phát thải 1 tấn carbon) của Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế mua với giá 5 USD. Qua đó, mở ra một nguồn thu mới, tiềm năng với các đơn vị có diện tích rừng lớn như GVR.

Trước đó, GVR đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với doanh thu đạt 4.590 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn giảm xấp xỉ 14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 650 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu của GVR, nguồn thu chính của tập đoàn vẫn đến từ hoạt động sản xuất và kinh doanh mủ cao su với 3.395 tỷ đồng, tăng hơn 470 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguồn thu còn lại đến từ các lĩnh vực như chế biến gỗ, kinh doanh bất động sản, kinh doanh sản phẩm từ cao su và điện nước.

Lợi nhuận gộp đạt 1.075 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 23,4%. Chi phí tài chính giảm mạnh từ 142 tỷ đồng còn 111 tỷ đồng, trong khi các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp thay đổi không đáng kể so với cùng kỳ. Nhờ đó, GVR báo lãi thuần đạt 708 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu nhập khác trong giai đoạn này biến động mạnh khi giảm từ 378 tỷ đồng xuống 122 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của tập đoàn giảm xấp xỉ 14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 650 tỷ đồng.

Tập đoàn này của Việt Nam đang tính thương mại hóa tín chỉ carbon, lợi nhuận sẽ tốt hơn- Ảnh 2.

Kết thúc quý I/2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã GVR) ghi nhận 4.590 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng lại giảm 14%, còn 650 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình, GVR cho biết lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng âm bởi thu nhập từ bồi thường thu hồi đất, trả đất về địa phương giảm mạnh. Cụ thể, trong giai đoạn đầu năm 2024, tập đoàn ghi nhận khoản thu này 69,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến 336 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I, GVR có tổng tài sản hợp nhất 76.913 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 1.150 tỷ đồng so với đầu kỳ. Các khoản dài hạn chiếm hơn 53.938 tỷ đồng trong cơ cấu tài sản của tập đoàn. Nợ phải trả cũng giảm đáng kể so với đầu kỳ, theo đó từ 23.084 tỷ đồng còn 20.894 tỷ đồng.

Tập đoàn cũng công bố đề án tái cơ cấu đến năm 2025. Trong đó, năm 2025, tập đoàn đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn là 28.575 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 5%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 5.051 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2021 – 2025, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 135.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất giai đoạn ước đạt 25.075 tỷ đồng.

Tập đoàn này của Việt Nam đang tính thương mại hóa tín chỉ carbon, lợi nhuận sẽ tốt hơn- Ảnh 3.

Tính đến cuối quý I, GVR có tổng tài sản hợp nhất 76.913 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 1.150 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Dự báo quý II/2024, xuất khẩu cao su sẽ vẫn thuận lợi. Theo nhận định, nguồn cung cao su có thể tiếp tục thiếu hụt trong năm 2024 - 2025, thị trường toàn cầu có thể sẽ thiếu hụt khoảng 600-800 nghìn tấn mỗi năm.

Sự chênh lệch cung - cầu này đến từ tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4-6% mỗi năm, nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu lốp xe của Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng trưởng tích cực và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2024.

Tuy nhiên, nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 1-3%/năm trong giai đoạn 2024- 2025. Diện tích trồng cao su tại Thái Lan và Indonesia liên tiếp giảm do dịch bệnh trên cây cao su và xu hướng chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiệu suất thu hoạch cao su cũng đã giảm xuống trong những năm gần đây do dịch bệnh và thời tiết cực đoan. Đặc biệt, năm 2024 dự báo sẽ là năm khắc nghiệt với cây cao su khi chuyển giao giữa hiện tượng El Nino và La Nina, gây ra nhiều biến động trong mùa vụ khai thác cao điểm tại khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho thấy, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 14,5 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023. Trong đó, Thái Lan giảm 0,5%, Indonesia giảm 5,1%, Trung Quốc tăng 6,9%, trong khi Ấn Độ tăng 6%, Việt Nam tăng 2,9%, Malaysia tăng 2,9% và các nước khác tăng 7,3%.

Bên cạnh đó, tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ tăng 3% lên 15,67 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc tăng 5,5%, Ấn Độ tăng 3%, Thái Lan tăng 1%, Malaysia tăng 45,4%, Việt Nam tăng 6%, còn lại các nước khác giảm 3,8%.

Về tiêu thụ, dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 đạt 15,67 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023. Trong đó, dự báo Việt Nam tăng 6% so với năm 2023

Năm 2023, nguồn cung và nhu cầu ngành cao su tự nhiên đạt lần lượt khoảng 15.141 tấn và 15.501 tấn, thiếu hụt khoảng 360 nghìn tấn (thấp hơn so với mức thiếu hụt 447 nghìn tấn trong năm 2022).

Theo đánh giá của Chứng khoán FPTS, ngành cao su tự nhiên đang dần bước vào giai đoạn thiếu hụt nguồn cung do bị ảnh hưởng bởi yếu tố: diện tích cao su chưa đi vào khai thác ở mức thấp, diện tích cao su trồng mới giảm dần; hiện tượng El Nino cực đoan ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch và xu hướng nhân công bỏ cạo mủ cao su và chuyển sang nghề khác ngày càng rõ rệt.

Với triển vọng lạc quan của thị trường cao su hiện nay, hãng Chứng khoán Mirae Asset Securities Vietnam (MASV) cũng dự phóng doanh thu năm nay của GVR ước đạt 25.681 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023, và lợi nhuận sau thuế tăng tới 45,4%, đạt 4.904 tỷ đồng.

Dự phóng trên chủ yếu đến từ việc biên lợi nhuận gộp của GVR kỳ vọng sẽ được cải thiện mạnh từ mức 22% trong năm 2023 lên mức 27% trong năm nay khi giá bán cao su hồi phục. Đồng thời, mảng gỗ phục hồi sẽ giúp GVR ghi nhận lợi nhuận trở lại từ các công ty liên kết.

Hiện ban lãnh đạo GVR “thận trọng” đặt mục tiêu kinh doanh năm nay ở mức 24.999 tỷ đồng doanh thu và 3.247 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 1% và tăng 2% so với mức nền thấp của năm 2023.

Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng dự báo, tình trạng thiếu hụt cao su có thể tiếp tục trong năm 2024 và 2025 khi thị trường toàn cầu đối mặt với sự thâm hụt khoảng 600 - 800 nghìn tấn mỗi năm. Ngoài các yếu tố ảnh hưởng đến cung cầu đã đề cập, nguồn cung cũng giảm đáng kể khi các hộ kinh doanh chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp khác trong giai đoạn giá cao su giảm mạnh thời gian qua.

Trong quý I/2024, GVR đã tiêu thụ 101.000 tấn cao su, với giá bán bình quân 36,7 triệu đồng/tấn, tăng 4,1 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Giá hiện hành với mủ cao su chủng SVR 3L (loại mủ phổ biến) đã lên đến 49 triệu đồng/tấn, tăng 12,5 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng giá trên là do yếu tố thời tiết bất lợi khiến nguồn cung khan hiếm và giá dầu tăng cao đã tác động đến giá cao su tự nhiên, trong khi đó nhu cầu thực tế không tăng nhiều. Giá cao su còn ở mức cao ít nhất cho đến tháng 6, thời điểm tới mùa lấy mủ và nguồn cung tăng trở lại. GVR nhận định, giá cao tự nhiên trong cả năm nay sẽ đạt trung bình 34-35 triệu đồng/tấn, tăng 2-3 triệu đồng/tấn, tương ứng tăng khoảng 6-10% so với năm 2023.

Trong quý I/2024, xuất khẩu cao su tăng trưởng tích cực nhờ giá cao su tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 414,31 nghìn tấn, trị giá 607,35 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem