Sáng nay, ngày 30/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm: "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả". Tại Toạ đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp đề cập đến nhiều vấn đề như lợi nhuận định mức, cách quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, việc Nhà nước tham gia ổn định thị trường xăng dầu ra sao.
Theo PGS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, xăng dầu là mặt hàng mang tính chiến lược. Nếu giá xăng dầu tăng, chi phí đi lại chịu ảnh hưởng, chi phí vận chuyển tăng, đầu vào sản xuất.
Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm do chịu tác động của nhiều yếu tố như chính trị, xung đột. Vậy đặt ra bình ổn thế nào? Không riêng Việt Nam, mà các quốc gia trên thế giới cũng quan tâm. Tuy nhiên, nhược điểm trong bình ổn xăng dầu của Việt Nam là dùng công cụ hành chính của Nhà nước, áp đặt giá bán cho doanh nghiệp, dẫn tới có thời kỳ, có nơi thông báo hết xăng dầu.
Theo ông Cường, sử dụng công cụ thuế là dùng nguồn lực của Nhà nước, sử dụng quỹ Bình ổn là dùng tiền của người dân. Do vậy, cần sửa đổi các quy định bình ổn xăng dầu theo hướng chuyển cơ chế từ hành chính sang thị trường.
Tại Toạ đàm, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý (Bộ Tài chính) cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến xăng dầu có lúc tăng, giảm. Tuy nhiên, mặt bằng giá từ đầu năm 2024 tới thời điểm hiện nay tương đối ổn định, không có biến động lớn.
Ông Bình khẳng định, một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự thay đổi giá xăng dầu trong nước là do thay đổi giá xăng dầu thế giới. Giá xăng dầu thế giới chiếm khoảng 65-77% trong công thức tính giá cơ sở.
Về phía Hiệp hội xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đang bỏ nhiều nguồn lực ngân sách, áp dụng nhiều biện pháp mang tính hành chính, nhiều lúc phi thị trường để điều hành xăng dầu.
Một thời gian dài, cơ quan điều hành bình ổn giá xăng dầu quanh năm. "Lúc giá 15 nghìn đồng/lít cũng vận hành theo cơ chế như giá lên 33 nghìn đồng/lít. Vô tình 20 năm qua, chúng ta đã đưa xăng dầu trở thành mặt hàng Nhà ước định giá chứ không phải bình ổn khi thị trường có biến động mạnh", Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu phân tích.
Tham dự trực tuyến ở Toạ đàm, TS Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways nêu nghịch lý, xăng dầu phi hàng không là có hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, hàng chục nghìn doanh nghiệp bán lẻ nhưng Nhà nước có hệ thống quản lý đồ sộ, phức tạp, tính hành chính nhiều.
Trong khi đó, xăng dầu hàng không có 1-2 nhà cung cấp, mà Nhà nước thả nổi hoàn toàn, không quản lý giá. Đây là nghịch lý, "nơi có cạnh tranh cao thì quản lý, nơi độc quyền thì thả nổi theo thị trường. Đây là vấn đề cần sửa đổi về cơ chế điều hành giá xăng dầu", ông Nam nói.
Lãnh đạo Bamboo Airways cho rằng: Nếu không giải quyết được, xảy ra nghịch lý. Ông Nam dẫn chứng hiện xăng dầu là chi phí lớn nhất chiếm 38-40% chi phí chuyến bay, đáng lưu ý, bay quốc tế, không có giá trần, không phải trả thuế nhập khẩu.