Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Lo "ông lớn" xăng dầu làm giá, lợi ích nhóm?

An Linh Thứ ba, ngày 16/07/2024 10:15 AM (GMT+7)
Do độc quyền tự nhiên trong lĩnh vực xăng dầu còn rất lớn, một vài doanh nghiệp xăng dầu lớn vẫn chiếm 2/3 thị phần bán lẻ. Vì vậy, nhiều chuyên gia lo ngại việc để doanh nghiệp đầu mối tự định giá bán lẻ có thể phát sinh lợi ích nhóm.
Bình luận 0

Việc doanh nghiệp sẽ được quyền tự quyết giá xăng dầu, một số chuyên gia kỳ vọng, đây là bước đi đầu tiên để cởi bỏ nút thắt thị trường xăng dầu, đó là cơ chế giá, doanh nghiệp tự làm, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng có lo ngại doanh nghiệp xăng dầu cấu kết, làm giá, đẩy giá xăng dầu luôn ở mức trần, chi phối giá xăng dầu toàn thị trường.

Lo "lợi ích nhóm" trên thị trường xăng dầu?

Theo dự thảo, giá bán xăng dầu tối đa sẽ được xác định bằng chi phí tạo nguồn và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức cộng thuế giá trị gia tăng. Điều đáng chú ý trong công thức tính giá là lợi nhuận định mức vẫn được duy trì 300 đồng/lít như quy định cũ.

Doanh nghiệp tự quyết xăng dầu: Lo "ông lớn" xăng dầu làm giá, lợi ích nhóm?- Ảnh 1.

Nhiều lo ngại, nhóm doanh nghiệp lớn "lợi ích nhóm", chi phối giá để đưa giá bán lẻ xăng dầu lên mức trần khi cơ chế tự định giá được áp dụng (Ảnh: NT).

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, cơ chế cho phép doanh nghiệp là thương nhân đầu mối được quyền tự quyết định giá bán lẻ xăng về bản chất Nhà nước vẫn đưa ra giá trần, giá tối đa, từ đó doanh nghiệp tính toán đưa ra mức giá phù hợp.

Nếu doanh nghiệp tính vượt giá, phải chứng minh tính thực tế, luận chứng. Về cơ bản, Nhà nước vẫn giữ quyền quản lý giá, giám sát và có thể hậu kiểm.

Toàn thị trường hiện có 27 doanh nghiệp đầu mối đang hoạt động, cùng hơn 300 thương nhân phân phối. Tuy nhiên, trong hơn 27 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hiện nay, nhiều ông lớn xăng dầu đang thống trị thị trường bán lẻ, cụ thể như Petrolimex (chiếm 50% thị phần bán lẻ), PVOil chiếm 20% thị phần,...

Với việc một số ít doanh nghiệp đầu mối đang chiếm thị phần và số doanh nghiệp bán lẻ lớn, trao quyền cho doanh nghiệp tự định giá bán đang gây lo ngại cho dư luận và người tiêu dùng.

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan điểm: "Tôi ủng hộ giá xăng dầu sẽ cho doanh nghiệp quyết định, trước mắt có thể giai đoạn quá độ nào đó".

Ông Thiên phân tích, việc cho phép doanh nghiệp xăng dầu tự đưa ra mức giá bán lẻ sẽ tạo cho doanh nghiệp có ý thức tiết giảm chi phí kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu sẽ là thay đổi cách điều hành của nhà nước sang giám sát, hậu kiểm.

Doanh nghiệp tự quyết xăng dầu: Lo "ông lớn" xăng dầu làm giá, lợi ích nhóm?- Ảnh 2.

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Liên quan đến giá trần, TS Thiên cho rằng, nếu giữ giá trần thì bắt buộc phải làm rõ vai trò của giá trần và cách tính giá trần sao cho sát với giá thực tế doanh nghiệp, trong đó có các chi phí và lợi nhuận. Từ đó giúp doanh nghiệp chủ động trong các phương án chiết khấu hệ thống.

"Cho doanh nghiệp tự khai và đưa ra giá bán thì cũng phải gắn trách nhiệm đối với họ", ông Thiên nói.

Một số chuyên gia kinh tế khẳng định, với thị trường xăng dầu, việc tạo cơ chế cho doanh nghiệp tự hạch toán giá bán xăng dầu sẽ giúp doanh nghiệp tự chủ kế hoạch kinh doanh, tự cơ cấu lại chi phí để có mức giá cạnh tranh so với đối thủ. Điều này tốt cho thị trường và nếu doanh nghiệp đưa ra mức giá bán lẻ dưới giá trần, sẽ có lợi thế cạnh tranh, có lợi cho thị trường. Tuy nhiên, nếu tồn tại lâu giá trần của Nhà nước, các doanh nghiệp có xu hướng đưa ra mức giá bán "tiệm cận giá trần", nhằm tìm kiếm lợi nhuận tối đa.

Thực tế, nhiều quan điểm ủng hộ doanh nghiệp xăng dầu tự xây dựng cơ chế giá bán. Nhưng, nếu doanh nghiệp lợi dụng việc độc quyền, cố tình xây dựng cơ chế giá sai, thao túng giá,... thì cần có chế tài xử lý.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: Độc quyền tự nhiên trong chuỗi cung ứng xăng dầu là rất lớn, và có tính lịch sử để lại. Đa số hệ thống kinh doanh xăng dầu nằm trong tay nhóm các doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần lớn về bán lẻ, chuỗi kinh doanh và lợi nhuận. Vì vậy, nếu trao quyền cho doanh nghiệp thì cần phải gắn trách nhiệm cho doanh nghiệp, buộc họ làm đúng, đủ, thậm chí có lợi cho xã hội.

Tại dự thảo mới nhất, Bộ Công Thương tiếp tục bảo lưu quan điểm cho phép doanh nghiệp được chủ động đưa ra giá bán. Tuy nhiên, với một thị trường xăng dầu do một số "ông lớn" chiếm lĩnh thị phần chi phối, việc cho doanh nghiệp tự định giá xăng đặt ra nhiều lo ngại là có cơ sở.

Doanh nghiệp xăng dầu tự quyết giá: "Cởi" nhưng chưa "mở"

Thực tế, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đưa ra cơ chế xây dựng giá của doanh nghiệp là Nhà nước sẽ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định, để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán xăng dầu sẽ được các thương nhân đầu mối công bố nhưng không được vượt qua giá tối đa đã được tính toán theo công thức.

Như vậy, cơ chế hình thành giá xăng dầu trước mắt vẫn do nhà nước quản lý và kiểm soát. Câu hỏi là sẽ kiểm soát giá đến bao giờ? Để thị trường xăng dầu vận hành một cách tự do, thị trường, chắc chắn cần tháo bỏ bớt sự can thiệp của "bàn tay" Nhà nước vào cơ chế giá, để doanh nghiệp tự làm, tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng: Về cơ chế tính giá bán lẻ xăng dầu, hiện nay liên Bộ Tài Chính - Bộ Công Thương cùng đưa giá trần làm tham khảo, doanh nghiệp dựa trên đó để đưa ra tính toán của mình phù hợp kinh doanh thực tế, làm giá bán lẻ. Tuy nhiên, mức giá bán không được vượt quá giá trần.

Doanh nghiệp tự quyết xăng dầu: Lo "ông lớn" xăng dầu làm giá, lợi ích nhóm?- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quan điểm điều hành giá xăng dầu như vậy sẽ: "Dần dần, điều hành giá tiệm cận trong tình huống giá thế giới biến động thế nào thì giá trong nước sẽ có sự thay đổi, điều hành nhịp nhàng".

"Dù sao vẫn là Nhà nước vẫn điều tiết giá xăng dầu", Thứ trưởng Tân khẳng định.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thắng, chủ doanh nghiệp xăng dầu phía Nam cho rằng: Trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định giá về cơ bản là hợp lý, nhưng về lâu về dài, việc kiểm soát này nên thay đổi theo hướng tự do cạnh tranh, để thị trường tự vận động.

Ông này cho rằng, nhà nước vẫn giữ quan điểm kiểm soát nhằm loại trừ nguy cơ các doanh nghiệp lớn ngành xăng dầu cấu kết với nhau làm giá, chia thị trường theo kiểu lợi ích nhóm để quyết định giá xăng dầu, tỷ lệ chiết khấu. Tuy nhiên, cách thức quản lý này cần loại bỏ dần.

"Cho doanh nghiệp tự quyết định giá bán xăng dầu dựa trên các yếu tố tính toán chi phí của họ và giá bình quân 15 ngày của cơ qua Nhà nước. Rõ ràng đây là bước thay đổi trong cách quản lý, giúp thị trường xăng dầu tiệm cận với cơ chế cạnh tranh, tự do hóa", ông Thắng nêu.

Ông này phân tích: Trong điều kiện thị trường cạnh tranh, Nhà nước chỉ nên xây dựng cơ chế thuế, phí để doanh nghiệp tự lên các phương án kinh doanh, trong đó có chi phí định mức, lợi nhuận định mức, tỷ lệ chiết khấu... Từ đó doanh nghiệp nào có hiệu quả tốt, sẽ có giá tốt, có chiết khấu tốt và hình thành thị trường cạnh tranh tốt hơn.

"Giá trần chỉ nên được tồn tại một giai đoạn nhất định để thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh được vận hành đúng quy trình của nó", ông Thắng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem