Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Phải có cơ chế tự làm, tự chịu và đền tiền nếu tính sai giá
Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Phải có cơ chế tự làm, tự chịu và đền tiền nếu tính sai giá
An Linh
Thứ bảy, ngày 27/07/2024 10:00 AM (GMT+7)
Góp ý về đề xuất cho doanh nghiệp xăng dầu tự quyết định giá bán lẻ trên giá cơ sở của Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải có cơ chế, pháp lý buộc doanh nghiệp tự làm, tự chịu và phà phải có mức bồi hoàn cho khách khi tính sai.
Tại văn bản góp ý Dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ KH&ĐT gửi Bộ Tư pháp thẩm định về dự thảo nghị định nói trên, cơ quan này đề xuất có cơ chế, pháp lý ràng buộc việc doanh nghiệp tự làm, tự chịu trách nhiệm về mức giá bán lẻ đưa ra.
Bên cạnh đó, cần cơ chế người tiêu dùng được trả tiền, sau khi cơ quan Nhà nước (Bộ Tài chính - Bộ Công Thương) rà soát mức giá bán lẻ xăng dầu, nếu phát sinh sai phạm, doanh nghiệp cần bồi hoàn cho khách hàng.
Tại văn bản gửi Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT cho biết dự thảo nghị định của Bộ Công Thương xây dựng theo hướng giao việc tính toán, quyết định giá xăng dầu cho doanh nghiệp nhưng không có quy định cụ thể về cơ chế, trách nhiệm giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm, đền bù thiệt hại cho các đối tượng liên quan (Nhà nước, người dân…) trong trường hợp doanh nghiệp tính toán giá chưa chuẩn xác, khi có những sai phạm liên quan tới tính giá.
Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung các điều khoản cụ thể quy định cụ thể trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đối với việc bình ổn thị trường xăng dầu theo cách điều hành giá mới.
Trong khi, trước đó cho ý kiến về dự thảo này, Bộ Tài chính nhấn mạnh tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá ban hành kèm theo Nghị định số 85-2024/NĐ-CP quy định đối với hàng hóa, dịch vụ xăng, dầu thành phẩm, Bộ Công Thương là cơ quan quy định đặc điểm kinh tế kỹ thuật của hàng hóa dịch vụ và tiếp nhận văn bản kê khai giá, UBND cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá.
"Căn cứ các quy định trên, tại Điều 33 dự thảo Nghị định quy định về nguyên tắc điều chỉnh giá bán xăng dầu đề nghị không quy định Bộ Tài chính tiếp nhận việc kê khai giá của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu", Bộ Tài chính nêu.
Như Dân Việt đưa tin, tại hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 3 gửi Bộ Tư pháp mới đây, Bộ Công Thương giữ quan điểm doanh nghiệp (đầu mối, phân phối) tự tính, quyết định giá bán lẻ, Nhà nước sẽ không điều hành giá nhiên liệu mà chỉ hậu kiểm, giám sát giá cơ sở, giá trần.
Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, Premium được công bố trên thị trường quốc tế tính bình quân 7 ngày/lần theo số ngày có giá xăng dầu thế giới; Chi phí vận tải xăng dầu về Việt Nam, chi phí bảo hiểm đưa xăng dầu về Việt Nam được tính bình quân 1 quý/lần (được rà soát, điều chỉnh khi có biến động bất thường); Lợi nhuận định mức.
Hơn 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, chi phí kinh doanh định mức (biến động hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, rà soát lại 3 năm/lần hoặc khi có biến động bất thường) để đưa ra giá bán lẻ xăng, dầu cho thương nhân phân phối, đại lý bá lẻ trên thị trường.
Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại Nghị định.
Điểm mới là họ sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.
Theo đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục quản lý thị trường tại địa phương nơi thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi thương nhân công bố giá bán lẻ xăng dầu.
Cũng tại dự thảo nghị định nói trên, Bộ Công Thương đề xuất đưa Quỹ Bình ổn giá xăng dầu về cơ quan Nhà nước quản lý (Ngân sách), không để doanh nghiệp quản lý như trước đây nhằm tránh rủi ro pháp luật và việc sử dụng sai nguồn này.
Đề xuất này hiện được giới chuyên gia, doanh nghiệp ủng hộ bởi quy định Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nằm trong tay doanh nghiệp, song không thể tự quyết định thu chi, hạch toán. Trên thực tế, đã xuất hiện một số doanh nghiệp đầu mối sử dụng sai Quỹ Bình ổn, chiếm dụng tài sản, mang cầm cố, thế chấp trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.