Dân Việt

Trồng lúa kiểu mới lợi nhuận cao nhất 25,8 triệu/ha, giảm 12 tấn CO2, Bộ NNPTNT muốn xin cơ chế đặc thù về vốn

P.V 31/07/2024 18:31 GMT+7
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, mô hình đầu tiên thí điểm canh tác lúa thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã cho thu hoạch với những kết quả vượt trội, lợi nhuận mô hình điểm cao hơn 1,3 - 6,3 triệu đồng/ha so với đối chứng; đáng chú ý mô hình giảm được từ 2 - 12 tấn CO2.

Báo cáo của Bộ NNPTNT gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về việc hoàn thiện báo cáo tiến độ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, cho thấy, mô hình đầu tiên được thực hiện tại TP.Cần Thơ đã cho thu hoạch với những kết quả vượt trội.

Cụ thể, tổng chi phí đầu vào giảm khoảng 10 - 15% so với mô hình đối chứng (lượng giống sử dụng là 60 kg/ha (giảm 2,0 - 2,5 lần); phân bón giảm 30%; thuốc bảo vệ thực vật giảm 2 - 3 lần phun; giảm khoảng 30 - 40% lượng nước tưới.

Tuy giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới nhưng năng suất lúa trong mô hình tăng 10,5% (mô hình đối chứng đạt 5,89 tấn/ha; mô hình thí điểm đạt 6,13 - 6,51 tấn/ha). Nhờ đó, lợi nhuận của mô hình điểm cao hơn 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha, tương ứng 6,6 - 31,5% (lợi nhuận mô hình đối chứng đạt 19,7 triệu đồng/ha; lợi nhuận mô hình thí điểm đạt 21,0 - 25,8 triệu đồng/ha). Đáng chú ý, mô hình thí điểm giảm từ 2 - 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng.

Đặc biệt, theo Bộ NNPTNT, nhiều doanh nghiệp đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa gạo được sản xuất tại các mô hình thí điểm.

Ngoài mô hình thí điểm tại TP.Cần Thơ, để có cơ sở áp dụng rộng rãi các quy trình kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp cho toàn bộ diện tích của Đề án, Bộ NNPTNT đã tổ chức triển khai 06 mô hình thí điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Các mô hình thí điểm sẽ thực hiện trong 3 vụ, đến vụ đông xuân năm 2025 sẽ tổng kết để Bộ công nhận hệ số phát thải từ sản xuất lúa. 

Trồng lúa kiểu mới lợi nhuận cao nhất 25,8 triệu/ha, giảm 12 tấn CO2, Bộ NNPTNT muốn xin cơ chế đặc thù về vốn- Ảnh 1.

Nông dân TP.Cần Thơ thu hoạch vụ lúa chất lượng gao và phát thải thấp đầu tiên. Ảnh: TTXVN.

Ngoài diện tích Bộ NNPTNT chọn xây dựng mô hình thí điểm, UBND 12 tỉnh ĐBSCL cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng Kế hoạch triển khai mở rộng diện tích sau khi các mô hình điểm đạt kết quả cụ thể.

Theo Kế hoạch, trong 2 giai đoạn (2024 - 2025 và 2026 - 2030), trên 1 triệu người sẽ được tập huấn, nâng cao năng lực, bao gồm: cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng; cán bộ quản lý, kỹ thuật của 620 hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia đề án; nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh... 

Đến nay, Bộ đã tổ chức được 02 lớp tập huấn tiểu giáo viên (ToT) về các kỹ năng, kiến thức về đổi mới sáng tạo và hoàn thành tập huấn cho 2.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 400 hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia Dự án VnSAT. Đã tổ chức 02 lớp tập huấn về sản xuất kinh doanh lúa gạo bền vững gắn với bình đẳng giới, công bằng xã hội và tăng trưởng xanh trong các mô hình thí điểm tại Kiên Giang (50 học viên) và Đồng Tháp (80 học viên). 

Bộ NNPTNT đã thực hiện rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa tham gia Đề án; tổng hợp nhu cầu đề xuất của các tỉnh và tìm kiếm nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh; xây dựng xong đề xuất dự án nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Nhằm huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế thực hiện Đề án, Bộ NNPTNT đã tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới để huy động nguồn lực thực hiện Đề án. Đến nay, WB đã cơ bản thống nhất hỗ trợ thực hiện Đề án với 03 nguồn lực cơ bản. 

"Ngoài Ngân hàng Thế giới (WB), hiện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đã bày tỏ quan tâm, đang chuẩn bị tư vấn sẵn sàng tổ chức khảo sát", Bộ NNPTNT thông tin.

Trồng lúa kiểu mới lợi nhuận cao nhất 25,8 triệu/ha, giảm 12 tấn CO2, Bộ NNPTNT muốn xin cơ chế đặc thù về vốn- Ảnh 2.

Nông dân xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang sẵn sàng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Để có nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và kỹ thuật phục vụ đề án, Bộ NNPTNT đã xây dựng ý tưởng và từng bước chuẩn bị dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long” vay vốn WB. 

Đối với chương trình thí điểm chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho một triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành cùng các tỉnh và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Viện lúa gạo Quốc tế (IRRI) xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải (MRV) phù hợp với các qui chuẩn quốc tế; xây dựng dự thảo cơ chế chia sẻ lợi ích từ giảm phát thải trong canh tác lúa. 

Dự kiến, sau khi có kết quả giảm phát thải từ các mô hình thí điểm tại 5 tỉnh (sau vụ đông xuân năm 2024-2025), hệ thống MRV sẽ được áp dụng cho toàn bộ diện tích của Đề án làm cơ sở xác định hệ số phát thải và kết quả giảm phát thải. 

Trên cơ sở đó Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ trình xin Chính phủ cơ chế thí điểm chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả giảm phát thải cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, và tiếp đó là cơ chế thí điểm trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường đối với ngành hàng lúa gạo.

Để triển khai Đề án đạt được mục tiêu đề ra, từ nay đến giữa năm 2025, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chuẩn bị các thủ tục cần thiết báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long” vay vốn WB vào kỳ họp tháng 10/2024 của Quốc hội. Việc xin chính sách đặc thù sẽ rút ngắn thời gian phê duyệt, thực hiện dự án và hài hòa các quy định của WB và Chính phủ Việt Nam. 

Tham mưu đề xuất thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; chính sách và cơ chế thí điểm trao đổi tín chỉ các-bon cho ngành hàng lúa gạo. 

Trên cơ sở đó, Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương để Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan chuẩn bị các thủ tục cần thiết báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo hướng: Bộ Nông nghiệp và PTNT là Cơ quan chủ quản Dự án, được sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương trong phạm vi dự án; Bộ sẽ phân cấp cho các địa phương trong việc quản lý dự án. Dự kiến trình Quốc Hội ban hành Nghị quyết vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). 

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Bộ liên quan nhanh chóng hoàn thiện văn kiện dự án và các công tác chuẩn bị để ký Hiệp định vay với nhà tài trợ, triển khai dự án từ giữa năm 2025. 

Đồng ý chủ trương cho Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục làm viêc với các nhà tài trợ huy động nguồn vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại ngay trong giai đoạn 2024 - 2025 và chuẩn bị vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để bảo đảm đủ vốn triển khai Đề án như mục tiêu và kế hoạch đề ra.