Lớp học đặc biệt đào tạo "sứ giả" làm Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Lớp học đặc biệt đào tạo "sứ giả" làm Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Quang Sung
Thứ tư, ngày 24/04/2024 11:32 AM (GMT+7)
Những giảng viên đầu tiên tham gia lớp học phục vụ Đề án "Phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" được kỳ vọng trở thành "sứ giả" của Bộ NNPTNT trong việc triển khai hiệu quả đề án tại địa phương.
Sáng 24/4, lớp tập huấn cho giảng viên ToT triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” chính thức khai giảng.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho biết, để thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL năm 2030", một trong những việc cấp bách là phải xây dựng đội ngũ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
“Chúng tôi mong rằng các anh, chị được cử đến đây học tập, sắp xếp tham gia đầy đủ. Các anh chị đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai trên thực địa. Ban tổ chức lớp học sắp xếp các chuyên gia am hiểu sâu, nắm rõ và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để triển khai các nội dung liên quan. Mong rằng các anh, chị tham gia tích cực trao đổi, thảo luận với thầy cô để nắm bắt, lĩnh hội được tất cả nội dung khóa học đặt ra”, ông Đông đặt kỳ vọng các học viên tham gia khóa học.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá, đây là một lớp học đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ về thành phần tham dự, nội dung khóa học và tính cấp thiết. Theo đó, thành phần tham dự là những cán bộ trẻ, năng động, có khả năng tiếp cận và ứng dụng thành thạo các kỹ năng về công nghệ thông tin.
“Lớp học lần này rất đặc biệt, là “hạt nhân của những hạt nhân. Chúng tôi đang thiết kế hàng nghìn lớp học trong chương trình phục vụ đề án này. Nhưng riêng lớp này vô cùng quan trọng để chúng ta cùng nhau nhận thức, cùng nhau hình thành tư duy để xây dựng kế hoạch hành động cho đề án”, ông Thanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt kỳ vọng các học viên sau khi tham gia khóa học sẽ có sự truyền tải hiệu quả đến địa phương nơi công tác. Ông Tùng mong các học viên thật sự đặt tâm huyết vào lớp học, vào đề án và triển khai tận tâm đến những người lên quan.
Các học viên tham gia lớp học đầu tiên đào tạo các giảng viên phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa. Ảnh: Quang Sung
“Sau lớp học này các anh chị là sứ giả của Bộ NNPTNT trong việc triển khai đề án tại địa phương. Chúng ta đừng quá cứng nhắc bám theo tài liệu. Chúng ta phải nghe cái hồn cốt của đề án này. Các anh chị muốn làm thật sự cho nhà mình, cho làng xóm mình, cho quê hương mình thì chúng ta phải tiếp nhận thông tin hiệu quả và truyền đạt lại bằng cảm xúc, chỉ có trái tim đến trái tim”, ông Tùng cho hay.
Được biết, tham gia lớp học lần này là các học viên là đại diện Chi cục trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn, Cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, cán bộ thủy nông phụ trách vùng, cán bộ thu mua sản phẩm của các tỉnh trong vùng đề án. Lớp học kéo dài từ ngày 24 - 26/4/2024, tại Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (quận 1, TP. HCM).
Đây là lớp tập huấn đầu tiên nhằm đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng 5 tỉnh có mô hình thí điểm chuẩn về canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại các địa phương trong năm 2024 trở thành tiểu giáo viên.
Lớp tập huấn cho giảng viên ToT triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, gồm các nội dung: Vai trò khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa; quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long; hướng dẫn phương pháp đo đạc, kiểm đếm, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính (khung đo đạc MRV), tín chỉ và thị trường carbon; vai trò khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa; hợp tác xã tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải; tổ chức liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa chất lượng cao giảm phát thải; các giải pháp, công nghệ sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.