Viện Lúa gạo IRRI tin cậy Việt Nam để trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Nguyễn Thụy Thứ năm, ngày 27/06/2024 12:58 PM (GMT+7)
Việt Nam được Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) chọn là nơi để tập trung ban đầu để thực hiện dự án trồng lúa chất lượng cao phát thải carbon thấp theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong ASEAN tới năm 2029.
Bình luận 0

Phát triển canh tác lúa phát thải ít carbon

IRRI và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) vừa khởi động dự án mới này từ Philippines, nơi IRRI đặt trụ sở toàn cầu. 

Cũng nhằm góp phần hỗ trợ mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực thế giới, dự án chọn Philippines song song với Việt Nam để làm bàn đạp cho mở rộng về sau.

Viện Lúa gạo IRRI tin cậy Việt Nam để trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp- Ảnh 1.

Dự án trồng lúa mới của IRRI tập trung vào Việt Nam và Philippines trong giai đoạn đầu để hướng tới lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: IRRI

Ông Teruya Sakaida, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, phát biểu: "Nhật tự hào là nước châu Á đầu tiên đóng góp cho chương trình này nhằm tăng cường khả năng chống chịu của ngành nông sản thực phẩm ASEAN trước tình trạng biến đổi khí hậu và tiếp sức cho các chương trình an ninh lương thực. Tôi tin vào khả năng nghiên cứu, phát triển và thông tin của IRRI trong quá trình phát triển canh tác lúa phát thải ít carbon".

Theo IRRI, sau giai đoạn ban đầu tại Việt Nam và Philippines, dự án có khả năng mở rộng sang các nước ASEAN khác dựa trên nhu cầu và phát triển quan hệ đối tác. Với mục tiêu tổng thể tập trung vào phát triển trồng lúa phát thải ít carbon, IRRI và phía Nhật Bản kỳ vọng chương trình sẽ đạt một số mục tiêu cụ thể nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và thúc đẩy nông nghiệp xanh.

Mục tiêu đầu tiên là giảm phát thải carbon. Dự án sẽ xác định các địa điểm cần thiết để giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm phát thải trong canh tác. Từ đó, chương trình sẽ định ra các phương pháp canh tác thực tiễn để cắt giảm phát thải.

Đối với việc đảm bảo an ninh lương thực, IRRI cho biết dự án sẽ đề xuất các chiến lược để nhân rộng những đổi mới nói trên trên khắp ASEAN nhằm đảm bảo an ninh lương thực lâu dài và đạt được mục tiêu trung hòa carbon.

CGIAR (Consultative Group on International Agricultural Research: Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế) là chương trình đối tác nghiên cứu khắp thế giới tập trung vào nghiên cứu nông nghiệp nhằm đóng góp vào nỗ lực toàn cầu để giải quyết nạn đói nghèo và suy thoái môi trường. Chương trình ASEAN-CGIAR cho Đổi mới Lương thực Khu vực được "bấm nút" khởi động ngày 4/10/2023 để các nước ASEAN chung tay phát triển các hệ thống và phương pháp sản xuất lương thực mới cho cả khu vực.

Quá trình triển khai dự án sẽ bao gồm thiết lập quan hệ đối tác với các bên liên quan trong khu vực công và tư, luôn kiểm tra thẩm định hiệu quả của các biện pháp canh tác lúa mới thông qua các thử nghiệm tại trạm thử và trên cánh đồng thật.

Ngoài ra, các bước mở rộng quy mô dự án sẽ được tiến hành để thu hút sự tham gia từ khu vực kinh tế tư nhân, theo IRRI và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản.

Dự án này là một phần quan trọng của Chương trình ASEAN-CGIAR cho Đổi mới Lương thực Khu vực để nhắm tới mục tiêu Net-zero (trung hòa carbon) và thúc đẩy nông nghiệp xanh bằng cách cắt giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo.

Tiến sĩ Jongsoo Shin, Giám đốc IRRI khu vực châu Á và người đứng đầu Chương trình ASEAN-CGIAR cho Đổi mới Lương thực Khu vực cho biết Bộ nông nghiệp Nhật Bản và các nước ASEAN sẽ thúc đẩy các giải pháp hiệu quả mang lại lợi ích cho cả người trồng lúa lẫn môi trường, hướng tới một tương lai bền vững và linh hoạt hơn trong ngành lúa gạo.

Hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa gạo

Tại Việt Nam hiện nay, IRRI đang hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa gạo. Chỉ tính riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm chỉ có 30% trong số 24 triệu tấn rơm rạ được thu gom, 70% còn lại bị đốt hoặc vùi xuống ruộng gây ô nhiễm môi trường và tăng lượng phát thải, theo thống kê của Cục Trồng trọt.

Viện Lúa gạo IRRI tin cậy Việt Nam để trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp- Ảnh 3.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu họah lúa. Nguồn: Lộc Trời Group

Để giải quyết vấn đề này, Cục Trồng trọt cho rằng kinh tế tuần hoàn là cách thích hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp và tăng hiệu quả kinh tế.

Theo IRRI, có rất nhiều yếu tố để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, gạo nói riêng. Đối với điều kiện Việt Nam hiện nay, nông dân có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Vì vậy, quan trọng là Chính phủ phải có những chính sách mang lại lợi ích cho nông dân để nông dân tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, gạo.

Với hàng chục triệu tấn rơm rạ và hàng triệu tấn trấu, vỏ trấu mỗi năm, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất ra hàng triệu tấn năng lượng sinh khối xanh. Việc này không chỉ giúp giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem