Dân Việt

Thủy điện Sơn La, Hòa Bình đồng loạt xả lũ, các tỉnh triển khai nhiều biện pháp ứng phó khẩn cấp

Văn Ngọc 02/08/2024 16:20 GMT+7
Bộ trưởng Bộ NNPTNT vừa quyết định cho mở cửa xả đáy các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La, Hòa Bình vẫn đang tiếp tục có mưa, có nơi mưa rất to. Nhiều nơi vẫn còn đang ngập trong nước.

Thủy điện Sơn La, Hòa bình đồng loạt xả lũ

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La, Hòa Bình vẫn tiếp tục có mưa, nhiều nơi mưa rất to. Các khu vực đồi núi đã trải qua mưa lớn nhiều ngày. Đất đã ngậm no nước và bão hòa nên chỉ một tác động nhỏ, một trận mưa nhỏ cũng có thể kích hoạt sạt lở. Cùng với đó, lượng nước ở các khe suối, sông vẫn tiếp tục có lượng nước nhiều đổ về khu vực hạ lưu.

Sau 5 ngày Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có công điện gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình về việc đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Sơn La và 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình. Đến ngày sáng 2/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có công điện gửi giám đốc 3 công ty thủy điện: Sơn La, Hòa Bình về việc mở 2 cửa xả đáy hồ thủy điện Sơn La, mở cửa xả đáy thứ 2 hồ thủy điện Hòa Bình.

Thủy điện Sơn La, Hòa Bình đồng loạt xả lũ, các tỉnh triển khai nhiều biện pháp ứng phó khẩn cấp - Ảnh 1.

Bộ Nông nghiệp và PTNT lệnh cho Công ty Thủy điện Sơn La mở 2 cửa xả đáy. Ảnh: Văn Ngọc

Trước tình hình trên, theo thông tin từ UBND thành phố Sơn La (Sơn La) hiện nay trên địa bàn do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, tại xã Chiềng Đen hiện nay, khoảng 50 hộ dân tại các bản Phiêng Nghè, Nạm Niệu và cụm dân cư Bôm Nam, bản Nam Giáng, vẫn đang bị ngập sâu trong nước.

Còn tại xã Chiềng Xôm, nước lũ cũng đang làm đảo lộn cuộc sống người dân. Anh Lò Văn Tuyến – Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phiêng Hay, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Khu vực của người dân trong bản tại thung lũng Bom Bay đang ngập trong nước, làm ảnh hưởng vùng sản xuất của 133 hộ với diện tích hơn 60ha hoa màu, cây cà phê, ao cá, lán chăn nuôi.

Ngay sau mưa lũ, thành phố Sơn La đã huy động “4 tại chỗ” di chuyển tài sản giúp nhân dân; Ban CHQS và Công an Thành phố tăng cường lực lượng hỗ trợ các hộ dân tiếp tục di chuyển tài sản, khắc phục hậu quả mưa lũ tại địa phương. Hiện nay, các hộ dân bị ngập úng, sạt lở đã được bố trí chỗ ở tạm thời tại nhà người thân và nhà văn hóa các bản lân cận.

Thủy điện Sơn La, Hòa Bình đồng loạt xả lũ, các tỉnh triển khai nhiều biện pháp ứng phó khẩn cấp - Ảnh 2.

Mở tiếp cửa xả đáy thứ 2 hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 18h ngày 2/8. Ảnh: Phạm Hoài

Chủ động phòng chống thiên tai do mưa lũ

Đợt mưa lũ trên địa bàn tỉnh Sơn La vừa qua, đã làm chia cắt, cô lập nhiều khu vực dân cư; làm 11 người chết, mất tích và nhiều người bị thương; 2.531 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 113 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 231 nhà phải di chuyển khẩn cấp; hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc... bị hư hỏng nặng nề.

Thủy điện Sơn La, Hòa Bình đồng loạt xả lũ, các tỉnh triển khai nhiều biện pháp ứng phó khẩn cấp - Ảnh 3.

Nhiều nơi trên địa bàn thành phố Sơn La (Sơn La) vẫn ngập chìm trong nước lũ. Ảnh: Tuệ Linh

Trước diễn biến tình hình mưa lũ vẫn còn phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La ban hành Công điện ứng phó với mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập chủ động ứng phó với mưa lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đảo bảo an toàn tính mạng cho người dân. Khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Đặc biệt là đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Thủy điện Sơn La, Hòa Bình đồng loạt xả lũ, các tỉnh triển khai nhiều biện pháp ứng phó khẩn cấp - Ảnh 4.

Mưa lũ trên địa bàn tỉnh Sơn La vừa qua, đã làm chia cắt, cô lập nhiều khu vực dân cư; làm 11 người chết, mất tích và nhiều người bị thương; 2.531 ngôi nhà bị thiệt hại. Ảnh: Cao Thiên

Rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông, các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đường tỉnh, quốc lộ bị hư hỏng, ngập, chia cắt khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, ngập sâu, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông trên tuyến, bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông tại những khu vực bị sạt lở, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu... để đảm bảo an toàn; hỗ trợ các địa phương về giải pháp kỹ thuật để kịp thời khắc phục sự cố trên các tuyến đường huyện, đường xã, đảm bảo đi lại của nhân dân.

Trước và trong mùa mưa lũ, các địa phương tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân ở các thôn, bản sinh sống tại các khu vực gần sông, suối lớn chảy qua không được ra sông, suối đánh bắt tôm cá, sinh hoạt gần khu vực có sông, suối. Đồng thời chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra xuống mức thấp nhất, đảm bảo tính mạng con người.