Ba hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang đồng loạt xả lũ, 14 tỉnh miền Bắc cảnh báo an toàn cho người dân
Ba hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang đồng loạt xả lũ, 14 tỉnh miền Bắc cảnh báo an toàn cho người dân
N.A
Thứ sáu, ngày 02/08/2024 14:29 PM (GMT+7)
Ngày 2/8, hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang liên tiếp mở các cửa xả đáy để ứng phó với mưa lớn do mực nước thượng lưu hồ tăng cao. Việc xả lũ thực hiện đúng quy trình thông báo đến người dân.
Khẩn cấp xả lũ 3 hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang
Cụ thể, sáng ngày 2/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Tuyên Quang về việc mở 2 cửa xả đáy hồ thủy điện Sơn La, mở tiếp cửa xả đáy thứ 2 hồ thủy điện Hòa Bình và mở 1 cửa xả đáy hồ Tuyên Quang.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình và Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang thực hiện mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Sơn La vào hồi 12h ngày 2/8 và mở tiếp cửa xả đáy thứ 2 vào hồi 14h cùng ngày; Mở tiếp cửa xả đáy thứ 2 hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 18h ngày 2/8; Mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 12h ngày 2/8.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị trên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có công điện gửi Ủy ban nhân dân 14 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang , Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang về đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang.
Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh các tỉnh, thành phố tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Chủ hồ có giải pháp đảm bảo an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ. Báo cáo và đề xuất kịp thời phương án xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình xả lũ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lũ và quy trình xả lũ
Theo quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tất cả các hồ chứa thủy điện lớn trên cả nước đều phải duy trì mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường trong mùa lũ để tham gia cắt giảm lũ cho hạ du khi có yêu cầu, vận hành xả nước theo yêu cầu sử dụng nước của hạ du về mùa cạn.
Khi nhận được bản tin dự báo có lũ, các đơn vị quản lý vận hành phải vận hành mở cửa xả theo lệnh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng chống cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh để đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ/đón lũ.
Bên cạnh đó, trong quá trình lũ, nếu mực nước hồ đạt cao trình quy định, các chủ hồ phải vận hành mở cửa xả để duy trì mực nước hồ ở mực nước cho phép tại thời điểm đó; lưu lượng xả không lớn hơn lưu lượng nước về hồ để không gây lũ nhân tạo cho vùng hạ du.
Đồng thời, trước khi vận hành mở cửa xả, chủ đập phải thông báo đến các cơ quan chức năng để các cơ quan này thông báo cho nhân dân vùng hạ du biết để có biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do xả lũ.
Nhưng có một điều rõ ràng có thể nhận thấy, hồ nào cũng chỉ có dung tích nhất định, nếu lượng nước về vượt quá sức chứa thiết kế, các hồ buộc phải xả xuống hạ du, nhưng bao giờ lượng nước xả cũng ít hơn lượng nước về vì một phần nước được tích lại trong hồ. Vì vậy, nếu không có hồ thủy điện, lũ lụt ở miền Trung thời gian qua có thể còn nặng nề hơn
Theo các chuyên gia, các hồ chứa có thể không cắt được lũ hoàn toàn nhưng nếu tận dụng quy trình vận hành liên hồ khoa học và nghiêm túc thì việc giảm lũ sẽ hiệu quả hơn. Cụ thể, cần có sơ đồ ngập lụt cho liên hồ vì hiện mới chỉ có sơ đồ cho từng hồ, nhưng nếu các hồ cùng xả thì sơ đồ ngập lụt sẽ rất khác. Chưa kể đến vấn đề lũ thoát chậm nhiều khi còn do nguyên nhân cửa sông ven biển bị bồi lấp, hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực bán ngập.
Có những đợt lũ lớn không phải do thủy điện xả lũ mà chủ yếu do các công trình hạ tầng phía hạ lưu chắn dòng thoát lũ. Đó là chưa kể, nhiều đập chưa cắm chỉ giới bảo vệ an toàn đập hoặc đã có chỉ giới nhưng dân vẫn vi phạm làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình. Hiện chúng ta mới chỉ quan tâm đến con số mà thủy điện xả là bao nhiêu, mà quên đi mất con số thủy điện phải đón lũ về từ thượng nguồn là bao nhiêu.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca- Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các hồ thủy điện ở Việt Nam được vận hành theo chuẩn quốc tế. Và dù quy trình xả lũ khác nhau nhưng có điểm chính là hồ có hai ngưỡng chính gồm "đón lũ" và "xả lũ". Tùy vào lượng mưa mà hồ xả nước theo lưu lượng nào. Khi mưa lớn kéo dài, hồ xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ. Nghĩa là khi đó, lượng nước đổ về hạ lưu không có gì thay đổi so với khi không có hồ. Nói chính xác, điều này có nghĩa "không phải thủy điện gây ra lũ". Có nhiều nghiên cứu cho thấy không có thủy điện thì lũ sẽ cao hơn rất nhiều. Bởi hồ thủy điện đã đón một lượng nước đáng kể thay vì toàn bộ lượng nước đó đổ về hạ lưu.
Thủy điện xả lũ không gây ra ngập lụt ở ngoại thành Hà Nội
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Trước hết, phải khẳng định, việc điều tiết vận hành mở các cửa xả đáy của các hồ thuỷ điện Hòa Bình, Sơn La không liên quan đến việc ngập lụt ở các khu vực ven sông Tích, sông Bùi thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ của Hà Nội.
Bởi dòng chảy sau các hồ thủy điện theo sông Đà chảy về sông Hồng và đổ ra biển tại cửa Ba Lạt, không chảy vào sông Tích, sông Bùi, sông Đáy. Cửa điều tiết lấy nước từ sông Hồng vào sông Tích tại Lương Phú (bao gồm cống lấy nước ở bờ sông và cống phòng lũ qua đê hữu Đà) và hệ thống công trình đầu mối Vân Cốc - đập Đáy (có nhiệm vụ chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy trong trường hợp đặc biệt) hiện đang đóng.
Còn nguyên nhân gây ngập lụt ở ngoại thành Hà Nội trong những ngày vừa qua do từ ngày 22/7 đến nay khu vực Bắc Bộ xảy ra mưa lớn kéo dài. Tổng lượng mưa tại tỉnh Hòa Bình và Hà Nội lên đến 300-450mm, đặc biệt tại Xuân Mai, Chương Mỹ lên đến 743mm.
Do mưa lớn trong khu vực và lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về làm mực nước sông Bùi, sông Tích lên rất nhanh. Ngày 24/7, trong vòng chưa đầy 12 giờ lũ sông Bùi lên đến gần 2m; lũ sông Bùi đạt đỉnh lúc 14h/28/7 là 7,43m (trên báo động 3 là 43cm), lũ sông Tích đạt đỉnh lúc 13h/24/7 là +8,33m (trên báo động 3 là 33cm).
Đồng thời, do mực nước sông Đáy ở mức cao do mưa lớn tại lưu vực kéo dài nhiều ngày, khu vực nhập lưu từ sông Bùi vào sông Đáy có lòng dẫn co hẹp. Vì vậy việc tiêu thoát nước từ sông Bùi ra sông Đáy chậm, dẫn đến mực nước sông Tích, sông Bùi vượt mức báo động 3 dài ngày dẫn đến ngập lụt một số khu vực có địa hình trũng thấp phía bờ hữu sông Tích, sông Bùi…
Hiện mực nước sông Tích, sông Bùi có xu thế giảm chậm, tuy nhiên vẫn ở mức cao, trên mức báo động 3. Do vậy trong trường hợp những ngày tới mưa tiếp tục xảy ra trong khu vực sông Tích, sông Bùi và vùng núi phía Tây của tỉnh Hòa Bình như dự báo thì sẽ làm mực nước sông Tích, sông Bùi dâng cao.
Hà Nội cần sẵn sàng cho kịch bản ứng phó với tình hình ngập lụt có thể còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới. Đặc biệt lưu ý, do mưa lớn và mực nước lũ cao, nhiều tuyến đê trên địa bàn thành phố đã bị ngâm nước dài ngày, trong đó một số tuyến đê đã xảy ra sự cố.
"Chúng tôi đang rất lo ngại về an toàn của hệ thống đê điều trước diễn biến tình hình mưa lũ còn phức tạp trong những ngày tới. Nếu các địa phương không thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác đê để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu thì nguy cơ xảy ra các sự cố gây mất an toàn đê là rất cao.
Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ NNPTNT có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều khi có lũ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, ứng phó với mưa lũ" - ông Luận thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.