Nuôi cá đặc sản trên sông Quàng, con nào cũng to bự nặng 6 đến 7kg
Năm 2017, sau khi doanh nghiệp ngăn đập làm thủy điện trên dòng sông Quàng, nhiều hộ dân ở xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu, Nghệ An đã đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ. Người dân nơi đây chủ yếu nuôi các loài cá đặc sản như cá lăng, cá leo, cá trắm, cá vược…
Cá được nuôi trên lòng hồ thủy điện mực nước sâu, không gian rộng nên phát triển rất nhanh. Người dân chủ yếu cho cá ăn thêm các loại thức ăn tự nhiên nên thịt của các loài các đặc sản này thêm thơm, dai, ngon, ngọt, được thị trường rất ưa chuộng.
Ông Sầm Văn Dự (trú tại xã Châu Thắng, huyện Qùy Châu, Nghệ An) là một trong những hộ đầu tiên về khu vực lòng hồ để nuôi cá lồng.
Hiện gia đình ông nuôi 4 lồng cá trên sông Quàng. Gia đình ông cũng được hỗ trợ chi phí làm lồng với tổng số tiền 60 triệu đồng. Mỗi lồng, ông Dự thả 40 đến 60 con cá giống. Đây đều là những loài cá đặc sản.
Hàng ngày, ông lên rẫy hái cỏ voi, sắn, cây bầu, bí… thả lưới bắt các loại cá nhỏ làm thức ăn cho cá.
Sau 1 năm chăm sóc, trung bình mỗi con cho trọng lượng khoảng 6 đến 7kg. Với giá bán từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg, ông Dự thu về trên 50 triệu đồng.
Cá lồng nuôi trên sông không khác gì sinh trưởng ngoài tự nhiên vì có nguồn nước sạch, nhiều khoáng chất, ít bệnh tật.
Nhờ điều kiện môi trường lý tưởng mà thịt cá dai, ngon và thơm nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, có chừng nào được thu mua hết chừng đó. Sắp tới, gia đình ông Dự sẽ đầu tư thêm 4 lồng bè để nuôi cá.
Xã Châu Thắng, huyện Qùy Châu, Nghệ An hiện có hàng chục hộ nuôi cá lồng trên sông Quàng. Trung bình mỗi hộ dân nuôi từ 4 đến 6 lồng cá. Ngoài ra, các gia đình trong bản Chiềng Ban cũng thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi cá lồng để tiện lấy giống, chia sẻ cách chăm sóc cá.
Từ khi tổ hội nghề nghiệp nuôi cá lồng được thành lập tránh bà con cùng chia sẻ với nhau các kỹ thuật trong quá trình nuôi cá. Đặc biệt, quá trình tiêu thụ sản phẩm cũng được thống nhất, các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp giúp đỡ nhau chia nên bà con không lo đầu ra. Đặc biệt, không sợ bị thương lái ép giá.
Những loài cá đặc sản như: cá leo, cá lăng, cá trắm... chất lượng thịt thì không phải bàn. Ai thử một lần đều mê. Các loại cá đặc sản khi thu hoạch được tiêu thụ trong các nhà hàng, khách sạn nên đầu ra ổn định.
Trung bình mỗi hộ dân nuôi cá lồng trên sông Quàng có thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Đối với người dân xã Châu Thắng nơi còn nhiều khó khăn thì đây là một nguồn thu nhập không nhỏ giúp họ từng bước thoát nghèo, làm giàu.
Nhận thấy hiệu quả từ các mô hình nuôi cá lồng trên sông Quàng, chính quyền địa phương cũng tích cực khuyến khích người dân mạnh dạn mở rộng diện tích lồng nuôi, từ đó tăng sản lượng, nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, Hội Nông dân xã Châu Thắng cũng như Hội Nông dân huyện Qùy Châu luôn đồng hành cùng các hội viên, hỗ trợ về kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá lồng trên sông Quàng hoạt động có hiệu quả giúp các hội viên nâng cao thu nhập.