Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp động vật quý hiếm, kết hợp với phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Văn Ớ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh Bình Dương, cho biết nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ động vật hoang dã bằng nhiều hình thức, trong đó tuyên truyền trên mạng xã hội (Zalo, Facebook).
Song song đó, CCKL tỉnh còn thường xuyên kiểm tra, vận động các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh ký cam kết không tàng trữ, chế biến và mua bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng.
Nhờ thực hiện có hiệu quả các biện pháp trên mà ý thức bảo vệ động vật hoang dã trong nhân dân ngày càng nâng cao, đặc biệt một số người dân còn tự nguyện giao nộp động vật hoang dã để thả về môi trường tự nhiên phù hợp.
Từ đầu năm 2023 đến 8/2023, CCKL tỉnh Bình Dương phối hợp với ngành chức năng đã tiếp nhận 23 vụ việc người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã, với 26 cá thể như tê tê, trăn đất, khỉ... Trong đó, đáng chú ý là nhiều người dân khi phát hiện động vật quý hiếm “đi lạc” đã bắt giữ, giao nộp cho cơ quan chức năng xử lý.
Cụ thể mới đây, Hạt Kiểm lâm Tân Uyên - Phú Giáo trực thuộc CCKL tỉnh đã phối hợp với đơn vị liên quan tiếp nhận một cá thể tê tê Java (Manis javanica) có trọng lượng 9kg, thuộc loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm do ông Nguyễn Hữu Bình (ngụ xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) tự nguyện giao nộp.
Người dân tự nguyện giao nộp cá thể tê tê cho cơ quan chức năng cứu hộ tỉnh Bình Dương, thả về môi trường tự nhiên. Tê tê Java (Manis Javanica) là động vật hoang dã được xếp vào danh sách "cực kỳ nguy cấp" thuộc nhóm IB, được quy định trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới.
Ông Bình cho biết vào sáng ngày 19/7/2023, ông cùng đồng nghiệp đi làm bảo vệ tại một doanh nghiệp ở ấp Đồng Chinh, xã Phước Hòa thì phát hiện một cá thể tê tê trong bụi cây nên cùng nhau vây bắt. Qua tìm hiểu, ông Bình được biết tê tê là loài động vật quý hiếm nên giao nộp cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Trước đó vào tối ngày 10-6, ông Lương Triệu Dương (ngụ phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) trên đường đi làm về thì phát hiện có một cá thể tê tê “đi lạc” trong khu dân cư nên cùng mọi người bắt nhốt lại.
Qua tìm hiểu, ông Dương được biết tê tê là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, vì vậy ông đã trình báo vụ việc và làm đơn tự nguyện giao nộp cá thể tê tê trên cho cơ quan chức năng để tái thả về tự nhiên.
Song song với hoạt động tuyên truyền, ngành chức năng còn triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã.
Mới đây, Công an tỉnh vừa ban hành Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Nhiệm vụ của đề án nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm này…
Theo đề án, các lực lượng chức năng liên quan chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học ngay từ cơ sở, đặc biệt là các hành vi xâm hại đến các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm, cần ưu tiên bảo vệ.
Thực tế thời gian qua, công an các địa phương đã triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa và nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử lý tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm.
Điển hình mới đây, Công an TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Mai Văn Đại (SN 1998, quê Đắk Lắk) về hành vi mua, bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Mai Văn Đại là chủ một cơ sở giết mổ gia cầm. Tháng 7-2023, Đại đặt mua của một người lạ qua mạng xã hội một cá thể tê tê java khoảng 1,8kg với giá 2,6 triệu đồng, sau đó bán lại cho một người khác với giá 7 triệu đồng.
Trong lúc đi giao hàng, Đại bị tổ tuần tra Công an TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) phát hiện, tạm giữ toàn bộ tang vật. Khám xét chỗ ở của Mai Văn Đại, Công an TP Dĩ An phát hiện thu giữ một cá thể kỳ đà vân (đã chết), một cá thể kỳ đà vân (còn sống, có trọng lượng khoảng 3kg). Kỳ đà vân là động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ Việt Nam.
Tính đến ngày 25-7, CCKL tỉnh Bình Dương đang quản lý 25 cơ sở gây nuôi ĐVHD, với tổng số 2.603 cá thể. Từ đầu năm 2023 đến 8/2023, CCKL tỉnh phối hợp với ngành chức năng kiểm tra điều kiện chuồng trại ĐVHD hung dữ tại 6 cơ sở gây nuôi và 2 trại nuôi thí điểm, nhốt động vật hoang dã hung dữ trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và huyện Bàu Bàng gồm 13 loài, với tổng cộng 887 cá thể.
Theo ông Nguyễn Văn Ớ, Chi cục trưởng CCKL tỉnh Bình Dương, qua kiểm tra cho thấy các cơ sở trên cơ bản bảo đảm điều kiện nuôi nhốt, chăm sóc ĐVHD hung dữ theo quy định.
Thời gian tới, CCKL tỉnh Bình Dương tiếp tục phối hợp kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt, gây nuôi ĐVHD trên địa bàn theo kế hoạch nhằm phát hiện, nhắc nhở chủ cơ sở khắc phục những thiếu sót về chuồng trại, vệ sinh môi trường để bảo đảm an toàn cho ĐVHD, nhất là thú hung dữ, không để ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.