Trước đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, ngày 7/8, trao đổi với Dân Việt, một số doanh nghiệp, HTX sản xuất lúa gạo bày tỏ quan điểm đồng tình ủng hộ.
Với 63 thành viên và 103 thành viên liên kết với diện tích sản xuất trên 500ha lúa, Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (Long An) Bùi Văn Tuấn cho rằng, nếu Hội đồng lúa gạo quốc gia được thành lập sẽ có vai trò "đầu não" trong việc cung cấp thông tin, điều tiết nguồn cung - cầu của ngành hàng lúa gạo, từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau.
Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân dựa trên giá trúng thầu, vì vậy khi doanh nghiệp trúng thầu với giá thấp, đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ thu mua với giá thấp, rất bất lợi cho nông dân. Hội đồng lúa gạo quốc gia khi được thành lập sẽ giúp các doanh nghiệp cùng chung "mục tiêu, lợi ích" và nông dân cũng có lợi hơn.
Ngoài ra, Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ có vai trò định hướng, tổ chức lại hệ thống sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, nâng cao vị thế của hạt gạo Việt trên trường quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) bày tỏ rất vui mừng khi Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương thống nhất và đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
"Tôi rất ủng hộ việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, tuy nhiên cũng nên có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn đang hoạt động trong ngành hàng lúa gạo, bởi đây là những đơn vị có kinh nghiệm, luôn nắm bắt được các thông tin về giá cả, nguồn cung -cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị hạt gạo Việt", ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, Hội đồng lúa gạo quốc gia được thành lập còn được ví như "trọng tài" trong việc điều tiết, phân phối và cập nhật thông tin trong ngành hàng lúa gạo, tránh những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp chấp nhận bỏ giá trúng thầu thấp, dẫn đến thu mua lúa của nông dân cũng với thấp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người trồng lúa.
Ông Thành cũng cho hay, hiện nay, Đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đang cho thấy hiệu quả ban đầu rất tốt, bởi vậy, việc thành lập Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia cũng có ý nghĩa quan trọng trong thành công của đề án này, góp phần xây dựng ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững.
Theo Bộ NNPTNT, lúa gạo là ngành hàng quan trọng với ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo, tăng 36,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức cao nhất trong 16 năm qua. Bảy tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này mang về gần 3,3 tỷ USD với 5,18 triệu tấn.
Trước đó, chiều 6/8, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chỉ rõ, các khung pháp lý hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung khi chưa tạo ra được những động lực đủ mạnh và một môi trường thuận lợi cho người sản xuất và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; thông tin, số liệu liên quan không đầy đủ, xác thực, kịp thời và không phản ánh đúng thực tế gây khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo trong những thời điểm nhạy cảm.
Bên cạnh đó, ngành lúa gạo cũng còn một số hạn chế như sản xuất chưa theo quy hoạch dẫn đến dư thừa cục bộ ảnh hưởng đến người sản xuất; Thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp, đời sống của một số bộ phận còn khó khăn.
"Trong bối cảnh mới, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ. Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chưa đa dạng hoá thị trường, gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, còn khó khăn trong quá trình giao dịch.
"Đặc biệt, mặc dù đã có thương hiệu nhưng doanh nghiệp chưa sử dụng được thương hiệu gạo Việt Nam trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài. Hiện nay, tại một số thị trường, gạo Việt Nam đã có "chỗ đứng" nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp sản xuất gạo không duy trì được mà tự đánh mất thị trường", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, những hạn chế của gạo Việt Nam chủ yếu do ngành lúa gạo thiếu một chiến lược, thiếu một chính sách phát triển ổn định, vững chắc, vẫn mang tính tự phát.
"Đầu tư của Nhà nước cho sản xuất lúa gạo, nhất là gạo xuất khẩu chưa xứng tầm về: giống, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến... Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, không giữ được thị trường, không củng cố được thương hiệu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và công tác kiểm tra giám sát, xử lý chưa tốt…", Bộ trưởng chỉ rõ.
Do đó, để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo, bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ, đó là Hội đồng lúa gạo quốc gia.
"Trên cơ sở các ý kiến tại hội thảo, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Hai Bộ mong tiếp tục nhận góp ý của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, hai Bộ sẽ giao các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ để Hội đồng lúa gạo Quốc gia hoạt động hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội về đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Sau đó, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ về việc này.
Dự kiến, Hội đồng sẽ do một Phó thủ tướng làm chủ tịch, cùng hai phó chủ tịch là Bộ trưởng Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây sẽ là tổ chức liên ngành công thương - nông nghiệp, tham mưu giúp Thủ tướng nghiên cứu chiến lược, chính sách và giải quyết các vấn đề liên quan tới ngành hàng lúa gạo. Việc này nhằm phát triển thị trường gạo ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, sản xuất, xuất khẩu bền vững.