Bán lượng gạo khổng lồ, Việt Nam cũng là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, mua của ai nhiều nhất?

K.Nguyên Thứ ba, ngày 09/07/2024 10:37 AM (GMT+7)
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba nhưng đồng thời cũng là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai toàn cầu. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gạo từ Campuchia và Ấn Độ.
Bình luận 0

Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới nhưng Việt Nam cũng đồng thờilà nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai toàn cầu. 

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 không thay đổi so với mức gần 2,75 triệu tấn của năm trước. 

Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 2,95 triệu tấn vào năm 2025. Phần lớn trong số đó được nhập khẩu từ Campuchia và Ấn Độ.

Báo cáo của Liên đoàn Lúa gạo Campuchia cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, Campuchia đã xuất khẩu hơn 302.592 tấn gạo, tăng 8,7% và đạt doanh thu 219 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là một trong những khách hàng lớn của Campuchia.

Bán lượng gạo khổng lồ, Việt Nam cũng là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, mua của ai nhiều nhất?- Ảnh 1.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba nhưng đồng thời cũng là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai toàn cầu. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gạo từ Campuchia và Ấn Độ. Ảnh: TTXVN.

Gạo Campuchia đã đến được 63 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới thông qua 48 nhà xuất khẩu. Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn mua mặt hàng này với tổng kim ngạch 73.322 tấn, doanh thu 46,2 triệu USD.

Bên cạnh đó, Campuchia xuất khẩu gạo sang 26 quốc gia trong Liên minh châu Âu, đạt 136.528 tấn, trị giá 104 triệu USD, 7 nước ASEAN là 65.412 tấn, trị giá 46 triệu USD và các điểm đến khác là 27.330 tấn, trị giá 22,9 triệu USD. 

Các loại gạo xuất khẩu bao gồm gạo thơm, gạo trắng hạt dài, gạo đồ và gạo hữu cơ, trong đó gạo thơm chiếm 71% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Trong thời gian tới, Liên đoàn Lúa gạo Campuchia có các kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hướng tới đạt ít nhất một triệu tấn gạo vào năm 2025, báo hiệu cam kết mạnh mẽ nhằm nâng cao vị thế của Campuchia trên thị trường gạo toàn cầu.

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục 4,02 triệu tấn với trị giá thu về 2,56 tỷ USD,tăng 11,2% về lượng và tăng tới 33,6% về trịgiá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính riêng trong tháng 5, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 856.197 tấn, trị giá 521,7 triệu USD, giảm 14,6% về lượng và 15,8% về trị giá so với tháng trước, nhưng tăng 18,2% về lượng và 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á, dẫn đầu là Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… Ngoài ra, các đơn hàng xuất khẩu sang khu vực châu Phi, châu Mỹ hay các thị trường khó tính ở châu Âu cũng đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng.

Trong đó, Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất 5 tháng với khối lượng đạt 1,83 triệu tấn, trị giá 1,14 tỷ USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 47,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm đến 45,5% về lượng và 44,6% về trị giá trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai là Indonesia đạt 676.762 tấn, trị giá 424,1 triệu USD, tăng 83,4% về lượng và tăng 125% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 16,8% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, Philippines và Indonesia chiếm 63,2% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang Malaysia trong 5 tháng đạt 337.963 tấn, tăng 82,5%; Ghana đạt 198.458 tấn, tăng 9,7%; Bờ Biển Ngà đạt 195.782 tấn, tăng 21,9%...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem