Đang mua lượng gạo khổng lồ của Việt Nam, tại sao một nước Đông Nam Á muốn mua lại các công ty gạo của Campuchia?

P.V Thứ sáu, ngày 05/07/2024 12:53 PM (GMT+7)
Theo Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, để tăng lượng dự trữ, Indonesia dự kiến mua lại các công ty gạo Campuchia.
Bình luận 0

Trong Bản tin thị trường Campuchia, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia thông tin, kế hoạch gần đây của Indonesia muốn mua lại các công ty gạo Campuchia để tăng cường nguồn cung có thể gặp trở ngại do hạn chế xuất khẩu và luật sở hữu đất đai địa phương. 

Được biết, Bulog, một cơ quan hậu cần nhà nước, đã bắt đầu đàm phán với một số công ty gạo Campuchia và một số ngân hàng Indonesia về kế hoạch mua lại.

Giám đốc Bulog, Bayu Krisnamurthi cho biết, vẫn còn sớm và vấn đề sẽ được thảo luận theo từng giai đoạn với tất cả các bên liên quan.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Indonesia đã nhập khẩu 2,26 triệu tấn gạo, trong đó 25.000 tấn đến từ Campuchia. 

Đáng chú ý, Indonesia đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam.

Theo đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 676.762 tấn, trị giá 424,1 triệu USD, tăng 83,4% về lượng và tăng 125% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 16,8% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. 

Ban đầu, Indonesia lên kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024 để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực trong nước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của El Nino khiến tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt, vụ thu hoạch bị trễ đến 2 tháng so với thông thường nên chính phủ nước này quyết định nâng hạn ngạch nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn; nâng tổng số gạo sẽ nhập khẩu gạo lên 3,6 triệu tấn.

Indonesia sẽ là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Philippines ước tính 4 - 4,1 triệu tấn.

Đang mua lượng gạo khổng lồ của Việt Nam, tại sao một nước Đông Nam Á muốn mua lại các công ty gạo của Campuchia?- Ảnh 1.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, để tăng lượng gạo dự trữ, Indonesia dự kiến mua lại các công ty gạo Campuchia.

Theo bản tin của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong tuần từ 24/6 - 28/6/2024, giá gạo 5% tấm của Thái Lan, Ấn Độ giảm, còn Việt Nam tăng so với tuần trước. 

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 595 USD/tấn, giảm 23 USD/tấn so với tuần trước. Nhu cầu gạo yếu do giá gạo Thái Lan ở mức cao so với các quốc gia cạnh tranh chính như Việt Nam. 

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt 545 USD/tấn, giảm 4 USD/tấn so với tuần trước. Do giá cước vận tải container tăng cao. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 578 USD/tấn, tăng 8 USD/tấn so với tuần trước. Giá tăng do Philippines quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu gạo.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục 4,02 triệu tấn với trị giá thu về 2,56 tỷ USD, tăng 11,2% về lượng và tăng tới 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính riêng trong tháng 5, xuất khẩu gạo đạt 856.197 tấn, trị giá 521,7 triệu USD, giảm14,6% về lượng và 15,8% về trị giá so với tháng trước, nhưng tăng 18,2% về lượng và 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á, dẫn đầu là Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… 

Ngoài ra, các đơn hàng xuất khẩu sang khu vực châu Phi, châu Mỹ hay các thị trường khó tính ở châu Âu cũng đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem