Như Dân Việt đã thông tin: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa thông báo về việc bắt bị can để tạm giam đối với ông Ngô Ngọc Đức, sinh năm 1974, tại Hòa Bình; nơi thường trú: Số 70 đường Lê Lợi, phường Phương Lâm, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Ông Ngô Ngọc Đức đã có hành vi đánh bạc trái phép, phạm vào khoản 2, Điều 321 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Công văn số 2051 về việc thông tin kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Theo đó, ngày 12/4/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất để ông Ngô Ngọc Đức thôi giữ các chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hòa Bình và chức danh Bí thư Thành ủy Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025 theo nguyện vọng cá nhân, liên quan đến một việc khác về trách nhiệm nêu gương người đứng đầu.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 7/8, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an huyện Đông Sơn tỉnh này vừa phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an huyện Triệu Sơn, Công an thành phố Thanh Hóa điều tra, làm rõ và bắt giữ đối tượng Nguyễn Thế Hải (SN 1974) là Hạt phó Hạt Quản lý đường bộ 8 ở thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước về hành vi trộm cắp tài sản.
Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được tin báo của Công ty cổ phần xây dựng giao thông 1 về việc đêm 26 rạng sáng 27/7, trên tuyến đường tránh, đường gom thành phố Thanh Hóa và đường nối Quốc lộ Nghi Sơn – Sao Vàng thuộc địa phận huyện Đông Sơn liên tiếp mất 21 biển báo hiệu giao thông đường bộ trị giá gần 20 triệu đồng.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Thế Hải là đối tượng chưa từng có tiền án, tiền sự. Trước khi bị bắt, Hải giữ chức vụ Hạt phó Hạt Quản lý đường bộ số 8, có trụ sở tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Do nợ nần, khoảng 23h ngày 26/7 đến rạng sáng ngày 27/7, Hải đã điều khiển xe mô tô đến đường Nghi Sơn – Sao Vàng đoạn qua xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, dùng mỏ lết tháo vặn ốc vít các biển báo gồm cả biển vuông, biển tròn, biển tam giác, đem về nhà trọ cất giấu rồi đem đi bán lấy tiền.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Sơn đã khởi tố vụ án, ra quyết định tạm giữ hình sự đối với đối tượng Nguyễn Thế Hải để điều tra mở rộng.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 7/8, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh viện đang cấp cứu, điều trị cho 2 bệnh nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra tối 6/8.
Hai bệnh nhân là Lê Huy Hoàng (41 tuổi, trú Gia Lai) và Trương Hùng Cường (32 tuổi, trú Đồng Tháp).
Bác sĩ tại bệnh viện cho biết, thời điểm tiếp nhận các bệnh nhân là vào đêm 6/8. Thời điểm đó, bệnh nhân được đưa bến bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương ở vùng trán, tay, chân, đau ngực…
Sau khi hội chẩn, các bệnh nhân được mổ cấp cứu. Sau khi được các bác sĩ phẫu thuật, sức khoẻ của các bệnh nhân đã ổn định.
Ghi nhận của PV tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, 2 bệnh nhân trong vụ tai nạn đang được các bác sĩ chăm sóc tích cực. Do mới trải qua khâu phẫu thuật nên các bệnh nhân còn rất mệt, chưa thể nói được.
Chị Nguyễn Hoài Phương (người nhà anh Lê Huy Hoàng) cho biết, đêm qua, nhận tin chồng bị gặp nạn nên tức tốc đón xe từ Gia Lai qua. Theo chị Phương, chồng chị lái xe sang Đắk Lắk chở sầu riêng thuê thì không may gặp nạn.
Còn anh Trương Hùng Cường cũng vừa trải qua cuộc phẫu thuật, chân trái được băng bó cố định, mặt bị trầy xước nhiều chỗ. Riêng anh Nguyễn Thành Trung chỉ bị thương nhẹ.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, vào khoảng 20h30 ngày 6/8, ô tô đầu kéo mang biển số 82H-018.04 kéo theo rơ-moóc biển số 81R-010.83 (chưa rõ danh tính tài xế) lưu thông trên tuyến đường tránh thị xã Buôn Hồ (đoạn qua địa bàn huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), theo hướng từ tỉnh Gia Lai về Đắk Lắk.
Khi xe đầu kéo chạy đến địa điểm trên, bất ngờ xảy ra sự cố nên dừng lại trên đường. Đúng lúc này, hai xe tải mang biển số 81C-239.11 (chưa rõ danh tính tài xế) và xe tải biển số 60H-047.00 (chưa rõ người điều khiển) lưu thông từ phía sau tông liên tiếp vào nhau.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên cabin 2 xe tải mang BKS 81C-239.11 và BKS 60H-047.00 có 6 người.
Hậu quả, 3 người tử vong gồm: Phan Xuân C. (tài xế xe tải biển số 60H-047.00, trú Lâm Đồng) tử vong tại chỗ; 2 người tử vong trên đường đến bệnh viện là Nguyễn Xuân V. (trú Lâm Đồng, người đi xe 60H-047.00) và Phạm Văn H. (trú Hải Phòng, đi xe 81C-239. 11).
Các nạn nhân bị thương gồm: Lê Huy Hoàng (tài xế xe 81C-239.11); Trương Hùng Cường (đi xe 81C- 239.11); Nguyễn Thanh Trung (trú Lâm Đồng, đi xe 60H-047.00). Trong đó, Nguyễn Thanh Trung (trú Lâm Đồng, đi xe 60H-047.00) bị thương nhẹ đã xin xuất viện sáng 7/8.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 8/7, Tòa Gia đình và người chưa thành niên - TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi), quê Tiền Giang, bắt cóc hai bé gái ở phố đi bộ Nguyễn Huệ gửi hình ảnh cho đối tượng người nước ngoài với mục đích khiêu dâm.
Trong vụ án, bị cáo Phạm Huỳnh Nhật Vi bị đưa ra xét xử về tội "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm" và "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 147 và điểm d khoản 2 Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Bị hại là bé L.H.T.L (3 tuổi) và bé N.K.T.M (7 tuổi).
Phiên tòa bước vào phần tuyên án, theo HĐXX, bị cáo Vi bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội danh "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm" theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 147 và 5 năm 6 tháng tù đối với tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" theo điểm d khoản 2 Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tổng hình phạt bị cáo Vi phải chịu là 9 năm tù đối với cả 2 tội danh.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 10/2023, Phạm Huỳnh Nhật Vi thông qua ứng dụng VietNam Cupid quen biết và quan hệ tình cảm với Richard (quốc tịch Mỹ, chưa rõ lai lịch) và gặp Richard tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian quen biết, Vi dùng tài khoản mạng xã hội Zalo (viết tắt zalo) tên "Nhật Vi" và Richard dùng tài khoản zalo tên "Richard" thường xuyên liên lạc. Richard gửi nhiều đoạn phim quan hệ tình dục với nhiều người phụ nữ châu Á khác qua mạng xã hội zalo cho Vi xem.
Sau đó, theo lời khai của Vi, Richard yêu cầu Vi tìm các cháu gái 6 - 12 tuổi dụ dỗ, quay các đoạn phim quan hệ tình dục gửi cho Richard rồi Richard sẽ cho Vi tiền. Richard còn hứa hẹn sẽ cưới Vi làm vợ và bảo lãnh sang Hoa Kỳ sinh sống. Vi đồng ý.
Ngày 31/3/2024 Vi đến phố đi bộ Nguyễn Huệ thì gặp cháu N.K.T.M (SN 18/8/2017) và L.H.T.L (SN 21/10/2021). Tại đây Vi đã cho tiền, đồ ăn để dụ dỗ hai cháu này về căn hộ riêng của Vi thuê ở quận Bình Thạnh. Đến ngày 4/4/2024 Vi nhiều lần thực hiện hành vi dùng điện thoại của mình quay phim, chụp hình vùng kín cháu M. cho Richard xem với mục đích khiêu dâm và nhận tiền từ đối tượng Richard…
Liên quan đến vụ án, ngày 8/4/2024, Công an quận 1 tiến hành kiểm tra căn hộ 10.05 tòa nhà Ruby 1 tại địa chỉ trên và đưa Phạm Huỳnh Nhật Vi cùng cháu N.K.T.M và cháu L.H.T.L về trụ sở làm việc.
Ngày 10/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi. Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1, Vi khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung vụ án nêu trên phù hợp với lời khai của các cháu M và cháu L và các tài liệu, chứng cứ thu giữ trong vụ án.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 7/8, phiên tòa xét xử các bị cáo trong "đại án đăng kiểm" tiếp tục bước vào phần bào chữa của các luật sư. Luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc nhóm lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam là những người bào chữa đầu tiên.
Luật sư của bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng, mức án 23 - 25 năm tù mà Viện kiểm sát (VKS) đề nghị với thân chủ về tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" là quá nặng.
Ông Hình bị cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD, bỏ qua sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động Trung tâm Đăng kiểm, sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện.
Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định, duyệt cấp đủ năng lực cho 63 cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tuy nhiên, luật sư của ông Hình cho rằng, tổng số tiền các trung tâm đăng kiểm, phòng nghiệp vụ đưa cho ông Hình chỉ hơn 2,8 tỷ đồng.
Luật sư cũng cho biết, lời khai của bị cáo Trần Lập Nghĩa (chủ 5 trung tâm đăng kiểm tại miền Tây) về việc đưa hối lộ cho ông Hình có nhiều mâu thuẫn, không có căn cứ chứng minh, chỉ là phỏng đoán.
Trong quá trình thẩm vấn, Nghĩa khai khi trung tâm đăng kiểm tại Sóc Trăng hoạt động được 6 tháng thì bắt đầu chung chi cho Cục trưởng Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà mỗi tháng 40 - 50 triệu đồng. Cứ 2 - 3 tháng ông này bay ra Hà Nội một lần và gửi tiền cho hai cục trưởng tại phòng làm việc.
"Thời điểm đó các trung tâm của bị cáo Nghĩa phần lớn mới thành lập, chưa hoạt động được bao lâu, chưa kể có thời gian dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm. Vì thế, Nghĩa nói 3 tháng một lần ra Hà Nội đưa tiền là không đúng với thực tế", luật sư bào chữa.
Về việc VKS cáo buộc ông Hình cấp duyệt cho 63 cơ sở không đủ điều kiện, theo luật sư, là nhầm lẫn vì chỉ có 42 cơ sở, nên đề nghị xem lại.
Hơn nữa, trong giai đoạn ông Hình quản lý về tàu sông, việc cấp duyệt cho các cơ sở hoạt động dựa trên tờ trình của cán bộ chuyên trách cấp dưới, nên cáo buộc bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn là không đúng.
Tiếp đó, luật sư nêu ông Hình có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như tự nguyện khắc phục gần như toàn bộ số tiền hưởng lợi 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD; có nhân thân tốt, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động, có nhiều giấy khen chiến sĩ thi đua, gia đình có truyền thống cách mạng...
Tự bào chữa, ông Hình cho rằng, hành vi sai phạm của mình không đến mức như VKS quy kết là "buông lỏng quản lý, biết sai phạm mà không chấn chỉnh, biết các đơn vị nhận hối lộ mà vẫn nhận". Tất cả giám đốc trung tâm đăng kiểm và Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) không có lời khai nói bị cáo là người chỉ đạo, biết cấp dưới nhận hối lộ mà vẫn nhận tiền từ họ.
Ông cũng khẳng định, chưa bao giờ có lời khai nào nói ông nhận hối lộ nhiều như lời khai của bị cáo Trần Lập Nghĩa. Ông Hình cũng lần nữa khẳng định chỉ chốt lại với điều tra viên số tiền nhận hối lộ là hơn 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD, nhưng VKS cáo buộc nhận số tiền lên tới hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD.
Đối với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngành, ông Hình giải thích: "Các xưởng đóng tàu này của người dân sống gắn liền nghề lúa, ra đời và hoạt động từ xưa, nên khó đáp ứng các quy chuẩn theo luật. Vì họ hoạt động với lòng hăng hái của những người gắn bó cả đời với sông nước nên bị cáo đã cấp duyệt, dẫn tới vô tình sai phạm các quy định của luật mới được ban hành sau này".
Cựu Cục trưởng này nói chỉ "vô tình phạm tội" chứ không cố ý lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hưởng lợi. Thực tế, các xưởng này không đủ điều kiện theo quy chuẩn, nhưng nhiều năm nay họ đã và đang hoạt động, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân.
"Tôi không biện minh cho hành vi của mình, nhưng mong VKS và HĐXX xem xét toàn diện và thấu hiểu", ông Hình nói.
Sau phần bào chữa của ông Hình, luật sư của bị cáo Đặng Việt Hà (người kế nhiệm ông Hình) cũng cho rằng mức án 20 năm tù mà VKS đề nghị là quá cao.
Luật sư này nói thời điểm ông Hà được bổ nhiệm Cục trưởng thì tình hình tham nhũng, tiêu cực tại ngành giao thông vận tải đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới những cố gắng của ngành. Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Cục trưởng, ông Hà đã có chỉ thị số 07, tăng cường các biện pháp phòng ngừa đấu tranh chống tiêu cực.
Kết luận của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho thấy, việc nhận hối lộ của chủ phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm đã xảy ra trước khi ông Hà được bổ nhiệm, nên việc nắm bắt, chỉ đạo, điều hành gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Vì vậy, bị cáo cần có thời gian chỉ đạo, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong cơ chế chưa được tháo gỡ.
Quá trình xét xử, Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng phòng VAR) cũng khai nhận, bị cáo Hà không chỉ đạo bằng văn bản buộc chung chi tiền hối lộ mà do Quân tự quyết định chi cho Cục trưởng. Lời khai của các giám đốc trung tâm đăng kiểm cũng xác định bị cáo Hà không chỉ đạo, ép buộc các trung tâm đăng kiểm chung chi tiền hoặc gây khó khăn; việc đưa hối lộ cho thân chủ là hoàn toàn tự nguyện.
Quá trình điều tra xét xử, bị cáo Hà bày tỏ ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi nhận hối lộ cũng như nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu. Bị cáo đã nhờ gia đình nộp toàn bộ số tiền hưởng lợi là 8,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, luật sư cũng nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ khác của ông Hà nên mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Trước những quan điểm của luật sư, ông Hà không bào chữa gì thêm.
Phiên xử tiếp tục với phần bào chữa cho các bị cáo còn lại.