Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 9/8, TAND TP.Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex và đồng phạm về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại phiên xử hồi tháng 4, bà Loan khẳng định bản thân bị vu khống, kết tội oan; hồ sơ vụ án có khoảng 20 bút lục bị làm giả… Cựu Chủ tịch Vimedimex nói khi bà chịu tạm giam, có người làm giả phiếu thu chi, tài liệu liên quan.
HĐXX do vậy trả hồ sơ, đề nghị giám định chữ ký của bị cáo Loan và tài liệu liên quan điều tra viên tham gia giải quyết vụ án.
Ngày 17/6, PC03 Công an Hà Nội ra kết luận điều tra bổ sung, khẳng định các biên bản lấy lời khai và biên bản hỏi cung do điều tra viên lập "không bị cắt ghép" và giữ nguyên đề nghị truy tố. Viện kiểm sát chấp nhận quan điểm này, tiếp tục truy tố Nguyễn Thị Loan và đồng phạm ra tòa để chịu xét xử.
Đến nay, luật sư bào chữa cho bà Loan có đơn đề nghị hoãn tòa, đồng thời trưng cầu giám định lại với hàng chục bút lục liên quan bởi phía điều tra không giám định nhưng kết luận bút lục "không bị cắt ghép" là không khách quan.
Trước phiên tòa, luật sư của cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex còn gửi hồ sơ tới một công ty tư nhân có chức năng trưng cầu giám định, đề nghị xem xét một số tài liệu. Kết quả cho thấy chữ ký của bà Loan tại các tài liệu này "có tồn tại những đặc điểm khác nhau", nhưng để xác định được chính xác, cần bản gốc.
Luật sư do vậy kiến nghị TAND TP.Hà Nội ra quyết định trưng cầu giám định đối với 39 bút lục có liên quan đến chữ ký, chữ viết của bị cáo Nguyễn Thị Loan; 7 bút lục khác gồm tờ phương án đấu giá và báo cáo về việc chuẩn bị hồ sơ tham gia đấu giá.
Bị cáo Loan cũng trình bày, nhiều bút lục trong vụ án liên quan bà bị lập khống. Như ngày 2/11/2021, biên bản lấy lời khai với bà lập tại trụ sở điều tra ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lại trùng giờ với biên bản bắt người trong trường hợp khẩn cấp lập tại Trại tạm giam ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Cựu Chủ tịch Vimedimex cho hay, trong ngày này, bà đang bị giữ tại khu cách ly Covid-19 của trại tạm giam, không thể khai báo.
Từ những căn cứ trên, bà Loan cùng các luật sư của mình đề nghị TAND TP.Hà Nội hoãn phiên xử ngày 9/8 tới. Đồng thời, cần triệu tập thêm một số người liên quan, gồm các điều tra viên để làm rõ những bút lục.
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội (BQLDA) tổ chức đấu giá lô đất 49.000m2 tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh) và liên hệ với Công ty VVAI để thẩm định giá khu đất.
Công ty VVAI khảo sát thực địa, tiếp cận hồ sơ và xác định giá trị khu đất khoảng 504 tỷ đồng (tương đương 30 - 31 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, doanh nghiệp này được yêu cầu hạ giá trị khu đất xuống còn khoảng 300 tỷ đồng. Nhân viên của VVAI đã chỉnh sửa, định giá khu đất còn khoảng 334 tỷ đồng.
Tháng 8/2020, UBND TP.Hà Nội ra quyết định giao 49.000m2 đất nói trên cho UBND huyện Đông Anh để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó hơn 16.000m2 đấu giá làm nhà ở.
Tuy nhiên, do dự án có quy mô trên 30 tỷ đồng nên thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm thuộc UBND TP.Hà Nội. Do vậy, UBND huyện Đông Anh có tờ trình gửi UBND TP.Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xác định và phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá khu đất trên.
Song song, bà Nguyễn Thị Loan, khi đó là Chủ tịch Vimedimex đã sử dụng 3 công ty để cùng tham gia đấu giá khu đất nói trên. Các doanh nghiệp này đều do bà Loan điều hành mọi hoạt động, gồm Công ty Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, Công ty Đầu tư bất động sản Thanh Trì và Công ty Đầu tư bất động sản Mỹ Đình.
Kết quả, Công ty Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm trúng đấu giá khu đất ở mức 326 tỷ đồng. Cơ quan truy tố cho rằng, khu đất nói trên tại thời điểm tháng 10/2020 có giá thực tế hơn 462 tỷ đồng nên hành vi định giá thấp và dùng "quân xanh" đã giúp doanh nghiệp của bà Loan hưởng lợi bất chính hơn 135 tỷ đồng. Khu đất hiện tại đã được trả cho chính quyền nên không còn thiệt hại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.