Dân Việt

Vụ bò sữa chết bất thường ở Lâm Đồng: Xem lại quy trình đấu thầu vắc xin, thêm 1 huyện có bò mắc bệnh

Văn Long 12/08/2024 16:01 GMT+7
Liên quan đến vụ bò sữa chết bất thường tại địa phương, quyền Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại quy trình đấu thầu vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.

Ngày 12/8, thông tin mà phóng viên có được, UBND Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã tạm dừng việc tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn và tổ chức thu hồi toàn bộ số lượng thuốc đã cấp phát với 750 liều.

Hiện nay, huyện Lâm Hà là địa phương thứ 3 của tỉnh Lâm Đồng xuất hiện tình trạng bò bị tiêu chảy giống như các huyện Đơn Dương, Đức Trọng. Đến nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà đã có 31 con bò mắc các triệu chứng trên. 

Vụ bò sữa chết bất thường: Xem lại quy trình đấu thầu vắc xin, thêm 1 huyện có bò mắc - Ảnh 1.

Hiện, tỉnh Lâm Đồng đã có 3 địa phương có bò bị tiêu chảy là huyện Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà.

Cụ thể, theo báo cáo từ đơn vị chức năng địa phương, tại xã Liên Hà (huyện Lâm Hà) có 5 con phát bệnh, đã điều trị ổn định. Tại xã Gia Lâm phát hiện 4 con bò bị bệnh vào ngày 7/8 và tới ngày 9/8 đã điều trị khỏi. Tại xã Nam Hà, có 22 con bò bị bệnh, 2 con đã chết và 20 con được điều trị đã ổn định.

Hiện, UBND huyện Lâm Hà đang tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, hướng dẫn hộ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng bệnh. 

Vụ bò sữa chết bất thường: Xem lại quy trình đấu thầu vắc xin, thêm 1 huyện có bò mắc - Ảnh 2.

Tính đến ngày 11/8, đã có trên 200 con bò chết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trước đó, chiều ngày 11/8, ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có buổi làm việc với các địa phương, sở ngành có liên quan về tình hình triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và cứu chữa đàn bò bị nhiễm bệnh tiêu chảy tại 3 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà.

Theo đó, ông Hoàng Sỹ Bích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính tới 10h ngày 11/8, có gần 5.000 con bò bị bệnh, trên 200 con bị chết, phát sinh thêm 1 địa phương là huyện Lâm Hà xuất hiện bò có dấu hiệu bị bệnh.

Vụ bò sữa chết bất thường: Xem lại quy trình đấu thầu vắc xin, thêm 1 huyện có bò mắc - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thái Học đến thăm một gia đình có bò sữa chết bất thường tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

Bên cạnh đó, ông Bích cũng cho biết, liên quan đến việc đấu thầu vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì chỉ có 1 gói thầu, chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ thầu là liên danh nhà thầu Navetco - Amavet - IVRD - Vetvaco - Cenpharco tham dự và trúng thầu.

Tính đến thời điểm ngày 2/8, toàn tỉnh Lâm Đồng đã tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho 9.126 con bò sữa (chiếm 37,3% tổng đàn bò sữa của tỉnh) trên địa bàn 6 huyện, thành phố gồm: Huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, TP. Bảo Lộc, và Cát Tiên). Loại vắc xin được tiêm cho đàn bò trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là vắc xin Navet - LpVac (số lô 01, 02 và 03) của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.

Vụ bò sữa chết bất thường: Xem lại quy trình đấu thầu vắc xin, thêm 1 huyện có bò mắc - Ảnh 4.

Ông Võ Đình Việt (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) đã phải chi hàng chục triệu đồng tiền mua thuốc thú y để chữa trị cho đàn bò của gia đình mình.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Thái Học đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục cách ly, phân loại để điều trị bò bệnh. Đồng thời, tập trung nhân lực, vật lực tăng cường từ các huyện khác sang hỗ trợ cho các địa phương có bò bệnh, trong tình thế khẩn cấp cần phải hỗ trợ ngay, đầy đủ thuốc phải đảm bảo cứu chữa bò bệnh, lan tỏa phác đồ điều trị đến người dân, bằng mọi cách phải hạn chế thấp nhất số bò bị chết.

Ngoài ra, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng lưu ý các cơ quan chức năng liên quan xem lại quy trình đấu thầu qua mạng để đề xuất kiến nghị cho phù hợp vì liên quan đến thuốc - vắc xin, hơn nữa, quá trình giao nhận, bảo quản vắc xin ra sao.

Ông Nguyễn Thái Học cũng yêu cầu các địa phương phải đặt quyền lợi, tài sản của người dân là trên hết, không để người dân bị thiệt thòi, có các kịch bản phù hợp nhanh chóng ổn định sản xuất cho người dân.