Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Đã có phác đồ điều trị cho đàn bò sữa ở Lâm Đồng, sắp công bố nguyên nhân bò chết

K.Nguyên (ghi) Chủ nhật, ngày 11/08/2024 16:41 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt sau chuyến khảo sát tình hình bò sữa chết bất thường ở Lâm Đồng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chức năng đã đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho đàn bò, theo ghi nhận số lượng bò chết đã giảm dần.
Bình luận 0
b - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chức năng đã đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho đàn bò sữa ở Lâm Đồng, theo ghi nhận số lượng bò chết đã giảm dần.

Ngay sau khi có hiện tượng bò sữa chết bất thường ở Lâm Đồng, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trực tiếp khảo sát ở thực địa. Qua quá trình kiểm tra, xin Thứ trưởng cho biết, tình hình khống chế dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa ở Lâm Đồng hiện nay ra sao?

- Chiều 7/8, sau khi nghe Cục Thú y báo cáo, tôi đã gọi điện ngay cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng để nắm tình hình; ngày 8/8, tiếp tục họp với Cục Thú y, yêu cầu Cục Thú y lập đoàn công tác vào Lâm Đồng xác định nguyên nhân, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gen, trong ngày hôm nay (10/8) dự kiến sẽ có kết quả.

Hôm qua, ngày 9/8, tôi cùng đoàn công tác của Bộ trực tiếp vào khảo sát, họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Lâm Đồng, Công ty Navetco, các chuyên gia, doanh nghiệp, ngành chức năng trên địa bàn để bàn giải pháp khắc phục, ngăn ngừa dịch bệnh tiêu chảy lây lan, khống chế không để tình trạng đàn bò sữa tiếp tục bị thiệt hại. 

Cũng phải nói thêm rằng, Lâm Đồng là tỉnh có 2 huyện nuôi bò sữa lớn với số lượng 25.000 con, năng suất sữa tương đối tốt. Theo thống kê, số lượng đàn bò sữa đã tiêm vắc xin viêm da nổi cục là 9.000 con, số bò bị bệnh sau tiêm là 4.900 con, đến nay đã có 209 con bò bị chết.

Trước sự lo lắng của bà con, chúng tôi đã rà soát lại các giải pháp, đồng thời cùng các nhà khoa học, ngành chức năng đưa ra phác đồ điều trị sát thực tiễn. Theo đó, giải pháp an toàn sinh học được triển khai, đàn bò được phân loại ngay, con nào khỏe, con nào yếu, con nào bị bệnh nặng hơn để có phác đồ điều trị phù hợp trên từng đối tượng.

Chúng tôi cũng yêu cầu tập trung cao nhất nguồn lực vật tư, dịch truyền, thuốc bổ trợ, kháng sinh, hoạt chất; tỉnh Lâm Đồng tập trung toàn bộ nhân lực, cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp như TH True milk, Vinamilk giám sát đến từng đàn bò, từng hộ, đảm bảo đủ 100% vật tư cho từng hộ, từng đối tượng.

Qua trao đổi nhanh với chuyên gia cho thấy, sức khỏe của đàn bò trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực. Tôi hy vọng với phác đồ điều trị đã được công bố sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tiêu chảy, duy trì đàn bò sữa ở Lâm Đồng.

b - Ảnh 2.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đi kiểm tra thực tế tại những vùng bò sữa bị bệnh và chết ở Lâm Đồng. Ảnh: PC/NNVN.

Hiện nay, việc xác định đúng nguyên nhân khiến đàn bò sữa ở Lâm Đồng chết bất thường là rất quan trọng. Bộ NNPTNT có thể nói gì về nguyên nhân khiến bò chết, liệu có phải do tiêm vắc xin viêm da nổi cục?

- Hôm qua, sau khi làm việc với các đơn vị, với địa phương, tôi có thể khẳng định, việc tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục có sự ảnh hưởng nhất định, vì tiêm vắc xin viêm da nổi cục cho 9.000 con thì có 4.900 con bị.

Cũng phải nói thêm rằng, vắc xin viêm da nổi cục đã được tiêm trên đàn bò ở nhiều địa phương và chủ yếu trên đàn bò vàng, có thể do sức đề kháng của đàn bò vàng tốt hơn nên khả năng miễn dịch rất tốt, trong khi đàn bò sữa lại xảy ra sự cố sau khi tiêm.

Tuy nhiên, để có thể kết luận chính xác nguyên nhân thì phải đợi đến khi có kết quả giải trình tự gen mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

b - Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long khảo sát thực tế tại trang trại chăn nuôi bò sữa của nông dân Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long.

Một trong những vấn đề người dân quan tâm hiện nay là sự hỗ trợ của ngành chức năng, địa phương như thế nào với những hộ bị thiệt hại. Hiện nay, Bộ NNPTNT đã có kế hoạch gì trong việc hỗ trợ người dân, thưa Thứ trưởng?

- Trước mắt, chúng tôi xác định phải tập trung nguồn lực, vật tư, hóa chất để chống dịch, bảo vệ sức khỏe đàn bò.

Tôi cho rằng khi phân tích nguyên nhân phải khách quan, rõ trách nhiệm, làm sao để bà con chăn nuôi yên tâm, nhận được sự chia sẻ. Sau khi đã xác định rõ nguyên nhân lúc đó mới làm rõ trường hợp nào đền bù, trường hợp nào hỗ trợ.

Một lần nữa tôi xin khẳng định, Bộ NNPTNT sẽ làm triệt để việc này để bà con yên tâm sản xuất, chăn nuôi.  

Sự cố tiêm vắc xin viêm da nổi cục trên đàn bò sữa ở Lâm Đồng có thể khiến bà con có tâm lý e ngại khi sử dụng vắc xin trong khi với nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tiêm vắc xin là giải pháp rất quan trọng để phòng trừ dịch bệnh. Thứ trưởng có thể nói gì nếu bà con có tâm lý này?

- Trước hết, phải khẳng định, tiêm vắc xin là tấm lá chắn phòng bệnh hiệu quả nhất cho đàn vật nuôi, bảo vệ sinh kế, cơ nghiệp của bà con. Tôi nghĩ, sau khi có kết quả cuối cùng, xác định được nguyên nhân, chúng ta cần truyền thông để bà con nắm rõ, tránh tâm lý e ngại khi sử dụng vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản Lâm Đồng, đối với những con bò có triệu chứng bệnh tiêu chảy nặng, cần truyền dịch hoặc uống điện giải cưỡng bức, mỗi lần từ 3-5 lít, cách nhau 3-4 giờ. Sử dụng thuốc làm se niêm mạc đường tiêu hóa như: Salcochek,…

Trường hợp sốt cao: Dùng thuốc hạ sốt, kháng viêm như: Neuxyn 5%, Cronyxin, Flunex, Vime Fluxin, Fluxin 600, Ketovet, Bio-Anazine C, Ketofen, Nova Profen, Navet-Analgin C, Paracetamol,...

Tiêu chảy có máu: Dùng vitamin K, vitamin C và tiêm các hỗn dịch có chứa các hợp chất canxi gluconat, magiê sulphat (Calmafort,…);

Trường hợp xuất huyết đường ruột nặng, kéo dài có thể cân nhắc sử dụng thuốc Transamine (thành phần có hoạt chất Axit Tranexamic).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem