Sức khỏe đàn bò sữa đang hồi phục dần
Theo ông Nghinh, từ khoảng ngày 12/8, đàn bò sữa tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã hết bệnh và đang hồi phục sức khỏe dần. Tại huyện Đơn Dương chỉ còn một số trường hợp bò bị suy nhược do thời gian bị đi ngoài kéo dài.
"Theo phác đồ điều trị, chúng tôi đang trợ sức đường cho các trường hợp này. Còn một số con vẫn đi ngoài do ảnh hưởng của việc bà con cho ăn trở lại bị axit dạ cỏ, chúng tôi hướng dẫn các hộ cho uống muối Sodium sẽ cầm được và tỷ lệ chết giảm rất nhanh.
Đối với đợt tiêm vaccine cuối, nhiều con bò sữa bị bệnh trở lại sẽ được áp phác đồ điều trị của đợt một sẽ được xử lý rất nhanh.
Nếu không phát sinh thêm ca bệnh mới và các cán bộ thú y đến từng nhà, hộ dân kê đơn điều trị trong một thôn, xã theo phác đồ đã đưa ra thì đến khoảng ngày 16/8 sẽ dập được dịch bệnh trên đàn bò tại Lâm Đồng", ông Nghinh khẳng định.
Nói thêm về việc sản xuất sữa, ông Nginh khẳng định: Đối với các con bò bị bệnh sau khi được điều trị khỏi thì việc sản xuất sữa sẽ hồi phục dần dần.
"Chúng tôi cũng hướng dẫn bà con chăm sóc, sử dụng các loại thực phẩm, thức ăn để kích sữa trở lại, chứ không có thuốc tiêm mà kích sữa trở lại được", ông Nginh nói và cho biết, tại huyện Đức Trọng có hai hộ dân thu được 2 tạ sữa/ngày thì hiện đã thu tăng lên và hồi phục được 3,5 tạ/ngày và hàng ngày sản lượng toàn đàn bò sẽ cho sữa sẽ nhích lên vài chục kg.
Đối với chất lượng sữa của đàn bò sau khi khỏi bệnh, ông Nginh khẳng định: Hiện có loại kháng sinh dùng để điều trị bệnh cho bò phải có thời gian cách ly mới có thể sử dụng được sữa. Tuy nhiên, chúng tôi hướng dẫn người dân sử dụng loại kháng sinh điều trị cho bò sản xuất ra sữa không phải đổ bỏ.
"Đối với chất lượng sữa, các doanh nghiệp thu mua, nhập sữa về cũng theo quy trình, tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng tốt nhất", ông Nginh nói thêm.
Khi nào công bố nguyên nhân bò sữa bị tiêu chảy?
Ngày 13/8, tại hội nghị giao ban báo chí tháng 8, ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng xác nhận, toàn bộ số bò sữa mắc bệnh tiêu chảy đều nằm trong số bò sữa được tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục và loại vaccine này lần đầu sử dụng tại Lâm Đồng.
Trước ý kiến người dân cho rằng nguyên nhân bò bị tiêu chảy dẫn tới chết có liên quan đến vaccine viêm da nổi cục bởi hầu hết bò bị bệnh, bò chết trước đó đều được tiêm vaccine, những con bò không tiêm đều khoẻ mạnh, ông Hoàng Sỹ Bích cho biết nguyên nhân chính thức đang được các cơ quan chuyên môn khẩn trương xác định.
"Dự kiến trong tuần này sẽ có kết quả chính thức. Ngay sau khi có kết quả chính thức, Sở NNPTNT sẽ thông tin rộng rãi đến báo chí", ông Bích khẳng định.
Theo ông Bích, nếu nguyên nhân do vaccine gây ra, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng sẽ có văn bản đề nghị đơn vị cung cấp vaccine bồi thường cho người dân.
Liên quan đến loại vaccine được tiêm cho đàn bò sữa, ông Hoàng Sỹ Bích cho rằng: Việc tổ chức đấu thầu vaccine được triển khai đảm bảo quy định, vaccine tiêm cho bò đã được cơ quan chuyên môn phê duyệt sử dụng.
Trước đó, loại vaccine này cũng đã được tiêm cho hơn 1.000 con bò sữa ở Long An và 1.000 bò sữa ở Thái Nguyên.
Loại vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục được tiêm cho đàn bò sữa ở Lâm Đồng là vaccine nhược độc đông khô NAVET-LPVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO (trụ sở tại Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Theo ông Bích, đây là lần đầu tiên loại vaccine này được triển khai tiêm ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 2024, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở NNPTNT Lâm Đồng) làm chủ đầu tư gói thầu mua sắm hóa chất phòng, chống dịch bệnh trên động vật năm 2024 trị giá hơn 13,6 tỷ đồng; trong đó có vaccine, phòng bệnh viêm da, nổi cục trên trâu bò. Liên danh nhà thầu gồm 5 doanh nghiệp Navetco-Amavet-IVRD-Vetvaco-Cenpharco tham dự và trúng thầu.