Lâm Đồng: Đàn bò lăn ra ốm, sữa vắt ra phải đổ bỏ, có nông dân thiệt hại 10 triệu đồng/ngày
Lâm Đồng: Đàn bò lăn ra ốm, sữa vắt ra phải đổ bỏ, có nông dân thiệt hại 10 triệu đồng/ngày
Văn Long
Thứ hai, ngày 12/08/2024 05:44 AM (GMT+7)
Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã huy động các phòng thí nghiệm tốt nhất của ngành thú y Việt Nam, các chuyên gia tốt nhất để xác định bằng được nguyên nhân dẫn đến việc bò bị bệnh, bị chết tại tỉnh Lâm Đồng.
Những ngày qua, vùng quê vốn bình yên Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng), xã Tu Tra, Quảng Lập (huyện Đơn Dương) bỗng nhiên nhốn nháo với cảnh người dân phải tìm mọi cách để chữa trị cho đàn bò bị tiêu chảy, bỏ ăn, tụt sữa sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục.
Có mặt tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, thi thoảng phóng viên vẫn thấy chiếc xe tải chở bò sữa đi tiêu hủy. Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, đến chiều ngày 10/8 có tổng cộng 4.495 con bò bị tiêu chảy, 193 con bò bị chết (tăng 21 con bò bị chết so với ngày 9/8).
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bò bị tiêu chảy hàng loạt. Trong đó, cần xác định nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ để làm cơ sở xác định đền bù hoặc hỗ trợ thiệt hại sau này.
Ghi nhận của phóng viên, trong sáng 10/8, nhiều người dân tại thôn Bồng Lai đã tập trung tại nhà văn hóa thôn để nhận thuốc, vitamin của cơ quan chức năng nhằm tăng sức đề kháng cho bò sữa. Trong khi đó, những con bò bị chết sẽ được lực lượng chức năng hỗ trợ người dân đưa đến nơi tiêu hủy theo quy định.
Tình trạng bò sữa chết bất thường tại Lâm Đồng trong những ngày qua đã khiến cho nhiều người dân khá lo lắng. Điều người dân mong muốn nhất lúc này là cứu được đàn bò của gia đình, đây chính là tài sản, là sinh kế duy nhất của nhiều hộ.
Trao đổi với phóng viên, anh Võ Văn Cao (tổ 10, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho hay, anh đang nuôi 100 con bò sữa, ngày 27/7, gia đình anh bắt đầu tiêm vaccine NAVET-LPVAC cho đàn bò. 3 ngày sau, anh Cao phát hiện đàn bò sữa của mình bắt đầu bỏ ăn, ngày thứ 8 anh phát hiện 2 con bò bị tiêu chảy rồi chết. Sau đó, anh đã phải tự đến tiệm thuốc thú y để mua thuốc về chữa trị cho đàn bò của gia đình mình.
"Sau khi mua thuốc chữa cho bò, tôi vẫn vắt sữa bò đưa đến trạm thu mua sữa như hàng ngày. Nhưng sau đó tôi nhận được thông báo là sữa bò của gia đình mình có kháng sinh. Vì vậy công ty đã cắt, không thu mua sữa của tôi nữa cho đến khi nào hết thuốc trong đàn bò. Hiện tại, trang trại của tôi mỗi ngày thu được khoảng 700kg sữa, sữa được thu mua với giá 16.000 đồng/kg. Vì không được thu mua nữa nên gia đình tôi phải đổ bỏ 700kg sữa trên, thiệt hại trên 10 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, mỗi ngày tôi cũng phải bỏ ra khoảng 5 triệu đồng tiền mua thuốc để chữa trị cho đàn bò của mình" - anh Võ Văn Cao cho biết.
Trong khi đó, tại thôn Lạc Nghiệp (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), ông Võ Đình Việt cũng đang rất mệt mỏi vì 6 ngày qua phải liên tục túc trực, cùng với lực lượng thú y để cứu đàn bò 76 con của gia đình mình.
Chỉ đàn bò bỏ ăn, sốt cao liên tục mấy ngày qua, ông Võ Đình Việt cho biết: "Gia đình tôi tiêm vaccine vào ngày 30/7, sau 5 ngày thì bò đã xuất hiện tình trạng sốt. Đến nay, sau 6 ngày điều trị thì đàn bò ngày càng yếu, không thuyên giảm mà còn tăng các triệu chứng tiêu chảy ra máu, viêm vú, chảy máu mũi, miệng. Hiện đàn bò của gia đình tôi đã có 2 con bò bị chết. Trước khi tiêm vaccine thì tôi vẫn vắt được 700-800kg sữa mỗi ngày. Sau khi tiêm vaccine thì lượng sữa bò vắt được đã giảm dần xuống, mỗi ngày chỉ được còn khoảng 300kg. Những con bò điều trị kháng sinh thì tôi sẽ tách riêng để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, còn những con chỉ truyền dung dịch muối thì tôi vẫn vắt sữa nhưng chất lượng chắc chắn sẽ giảm".
Hạn chế thiệt hại cho người dân
Trước tình hình số lượng bò bị tiêu chảy, bỏ ăn và chết ngày một gia tăng, trong ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã có mặt tại hai huyện Đức Trọng và Lâm Đồng để khảo sát thực tế. Sau khi trực tiếp có mặt tại các trang trại bò của người dân tại địa phương, ông Phùng Đức Tiến đã làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, Cục Thú y và các chuyên gia.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan trung ương cùng tỉnh Lâm Đồng cần nhanh chóng triển khai mọi giải pháp để cứu chữa gia súc bị tiêu chảy, hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng như tránh để bệnh lan rộng, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng yêu cầu Cục Thú y cùng các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện phác đồ điều trị chính thức cho bò bị bệnh để phổ biến kịp thời đến người dân, cùng hỗ trợ người dân điều trị, ngăn chặn bệnh lây lan. Đồng thời, Bộ NNPTNT cùng các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp đầu ngành về chăn nuôi sẽ hỗ trợ vật tư y tế, thuốc men cho tỉnh Lâm Đồng điều trị bò bị bệnh.
Cũng trong ngày 10/8, Cục Thú y (thuộc Bộ NNPTNT) đã phối hợp với ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng, huyện Đức Trọng tiến hành mổ 1 con bò khỏe, chưa tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm để đối chứng với mẫu xét nghiệm trên bò bệnh đã được tiến hành trước đó. Con bò khỏe được mua của một hộ dân trên địa bàn thôn Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng). Việc mổ bò lấy mẫu được thực hiện dưới sự chứng kiến của các hộ dân và cơ quan chức năng. Sau đó, mẫu xét nghiệm sẽ được gửi về 3 phòng xét nghiệm tại TP.HCM và TP.Hà Nội của Cục Thú y.
"Lãnh đạo Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Thú y thành lập đoàn công tác đến tỉnh Lâm Đồng kiểm tra trực tiếp, lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, chúng tôi huy động các phòng thí nghiệm tốt nhất của ngành thú y Việt Nam, các chuyên gia tốt nhất để xác định bằng được xem đâu là nguyên nhân dẫn đến việc bò bị bệnh, bị chết tại tỉnh Lâm Đồng" - ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.