Dân Việt

Vụ bò chết bất thường ở Lâm Đồng: Số bò nhiễm bệnh vẫn tăng, tái bệnh trở lại

Văn Long 16/08/2024 14:33 GMT+7
Số bò chết tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng ở Lâm Đồng vẫn tăng lên kèm tình trạng tái bệnh trở lại sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC của Công ty NAVETCO khiến người dân lo lắng.

Vừa qua, phóng viên tiếp tục quay trở lại huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) để ghi nhận tình trạng sức khỏe đàn bò của người dân ở địa phương nay. Ghi nhận của phóng viên, bò sữa của người dân vẫn tiếp tục chết và xuất hiện tình trạng tái bệnh trở lại.

Trước đó, ngày 10/8, phóng viên đã đến thăm trại bò của gia đình ông Võ Đình Việt. Ông Việt cho biết, đàn bò 76 con của gia đình ông được tiêm vắc xin NAVET-LPVAC từ ngày 30/7. Sau khi tiêm cho bò sau 5 ngày thì bò đã xuất hiện tình trạng sốt. Sau đó, đàn bò ngày càng yếu, không thuyên giảm mà còn tăng các triệu chứng tiêu chảy ra máu, viêm vú, chảy máu mũi, miệng.

Vụ bò chết bất thường ở Lâm Đồng: Số bò nhiễm bệnh vẫn tăng, tái bệnh trở lại- Ảnh 1.

Ông Võ Đình Việt bên những con bò bị bệnh của gia đình mình.

"Đến nay, gia đình tôi đã có 8 con bò bị chết sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC. Những con bò bệnh nhẹ thì còn ăn được một chút, một số con sau khi truyền nước, khoáng vào đã chịu đứng dậy đi ăn, sau đó lại nằm, đàn bò luôn trong tình trạng sốt.

Bây giờ gia đình tôi thấy chơi vơi lắm. Gia đình tôi  đã chuyển hàng trăm triệu đồng cho thú y để họ cứu chữa đàn bò cho gia đình nhưng không biết nó sẽ đi về đâu", ông Việt chia sẻ.

Vụ bò chết bất thường ở Lâm Đồng: Số bò nhiễm bệnh vẫn tăng, tái bệnh trở lại- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Phong chôn bò sữa chết trong vườn của gia đình mình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong (thôn Kinh Tế Mới, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đàn bò của gia đình ông có 32 con thì đã có 3 con chết và được chôn ngay trong vườn của gia đình ông. Ngoài ra, đàn bò của ông Phong cũng đang có 3 con bệnh nặng, 5-6 con mới phát bệnh trở lại.

Ghi nhận của phóng viên, nhiều hộ gia đình nuôi bò tại hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng đều cho biết, trong những ngày qua, các chuyên gia về thú y của Trung ương cũng như địa phương đã đến hỗ trợ người dân điều trị cho bò theo phác đồ điều trị. Tuy nhiên, đàn bò đang có dấu hiệu tái bệnh trở lại khiến nhiều hộ dân lo lắng.

Vụ bò chết bất thường ở Lâm Đồng: Số bò nhiễm bệnh vẫn tăng, tái bệnh trở lại- Ảnh 3.

Người dân đang cố gắng cứu chữa cho đàn bò của mình không bị chết.

Theo bác sỹ thú y Hoàng Xuân Nghinh, người được Cục Thú y (Bộ NNPTNT) mời từ Hà Nội vào hỗ trợ tỉnh điều trị cho đàn bò mắc bệnh của người dân Lâm Đồng, ở giai đoạn này, bò chết phần lớn là những con bị tiêu chảy tái phát, do dạ cỏ của bò bị liệt. Giải pháp xử lý là truyền dung dịch ưu trương để kích thích dạ cỏ trở lại. Dạ cỏ hoạt động thì bò mới ăn, mới nhai lại bình thường. Con bò đã nằm vài ngày thì dạ cỏ bị liệt, chướng hơi tập trung rồi chết.

Vụ bò chết bất thường ở Lâm Đồng: Số bò nhiễm bệnh vẫn tăng, tái bệnh trở lại- Ảnh 4.

Bác sĩ thú y Hoàng Xuân Nghinh hỗ trợ người dân điều trị cho đàn bò với pháp đồ điều trị đã được đưa ra.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, trong ngày 15/8, toàn tỉnh Lâm Đồng có thêm 89 con nhiễm bệnh, 11 con bò chết nâng tổng số bò chết lên đến 291 con. Hiện, tổng số bò mắc bệnh tiêu chảy tại Lâm Đồng là 5.739 con.

Vụ bò chết bất thường ở Lâm Đồng: Số bò nhiễm bệnh vẫn tăng, tái bệnh trở lại- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Minh Đệ (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) bên một con bò sữa con của bò mẹ mới bị sảy thai .

Trước đó, Bộ NNPTNT đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tỉnh Lâm Đồng. Theo Bộ NNPTNT, Cục Thú y đã lấy và xét nghiệm 24 lọ vắc xin NAVET-LPVAC. Kết quả xét nghiệm phát hiện 24/24 lọ vắc xin đều dương tính với Pestivirus.

Căn cứ triệu chứng lâm sàng, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gen, Cục Thú y bước đầu kết luận (do hiện nay các phòng thí nghiệm đang nuôi cấy phân lập vi rút, giải trình tự gen và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm tham chiếu của Tổ chức Thú y thế giới để xác định chính xác): Nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC của Công ty Navetco.