Giữa tháng 8, Quảng Trị như chảo lửa. Thế nhưng, khi chúng tôi bước vào bên trong trại nuôi gà của ông Trần Hữu Tấn (SN 1967, trú thôn Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), nhiệt độ chỉ 26 độ C. Để tránh nóng, chúng tôi vừa tham quan, vừa phỏng vấn ông Tấn ngay trong trại gà.
Ông Tấn cho biết, trước đây ông công tác ở hợp tác xã, có cơ hội đi nhiều nơi từ Bắc chí Nam nên biết được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của nông dân.
Sau quá trình nghiên cứu, năm 2018, ông Tấn quyết định vay vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước để xây dựng 2 dãy chuồng nuôi gà với diện tích 1.500 m2. Số tiền ông Tấn phải bỏ ra để đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc… nuôi gà lên tới 1,6 tỷ đồng.
"Lúc vay mượn tiền để xây dựng chuồng nuôi, vợ con tôi lo lắng lắm, nếu rủi ro thì có phấn đấu, chắt bóp thêm mấy chục năm nữa cũng không trả hết nợ. Thế nhưng, tôi suy nghĩ rất kỹ, nuôi gà liên doanh liên kết, có nhân viên kỹ thuật của công ty hướng dẫn, được bao tiêu sản phẩm, nhất định không lỗ.
Còn nếu đen đủi gặp dịch bệnh hay lý do nào khác mà thất bại thì đành phải bán nhà, ra trại gà ven sông Thạch Hãn ở đến cuối đời" – ông Tấn chia sẻ.
Mỗi năm 3 lứa, ông Tấn thả nuôi 45.000 con gà. Gà thả nuôi lúc 1 ngày tuổi, sau 3 tháng chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, ông Tấn xuất bán cho công ty.
Ngay ở lứa nuôi đầu tiên, ông Tấn đã có lãi. Những năm tiếp theo thành công nối tiếp thành công, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng từ trang trại gà gia công. Từ đó, những lo lắng, băn khoăn của vợ con ông được xoá bỏ, đổi lại là niềm tin về tương lai tươi sáng.
"Làm nông nghiệp rất khó, không giống như làm Toán, 1 + 1 = 2, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, muốn làm giàu từ nông nghiệp thì phải có quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật. Làm nông nghiệp quy mô nhỏ chỉ đủ ăn, có khi còn bị lỗ" – ông Tấn nói.
Chia sẻ về chăn nuôi gà theo chuỗi liên doanh liên kết với doanh nghiệp, ông Tấn cho hay, phía công ty sẽ cung cấp gà giống, thức ăn, thuốc thú y, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp suốt quá trình nuôi và bao tiêu sản phẩm.
Ông Tấn chịu trách nhiệm đầu tư chuồng trại, công sức, thiết bị máy móc để nuôi gà theo quy trình công ty đưa ra và cung cấp đủ sản lượng gà mà công ty yêu cầu. Sản lượng gà dư, ông Tấn có quyền định đoạt. "Đa số tôi bán luôn cho công ty" – ông Tấn chia sẻ.
Về kỹ thuật nuôi gà, ông Tấn cho biết, ngoài chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh thì phải đặc biệt quan tâm đến hệ thống điện, nước.
Bản thân ông Tấn đã có kinh nghiệm nuôi gà nhiều năm nhưng chỉ vì một sự cố về điện đã khiến ông thiệt hại số tiền không nhỏ.
Đó là vào đợt cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2024, vì sự cố nên điện lưới bị hư hỏng. Trang trại gà của ông Tấn sử dụng điện 3 pha, nhưng bị mất 1 pha, dẫn đến hệ thống làm mát không hoạt động.
Mất điện chỉ khoảng 30 phút đã khiến 180 con gà trong trang trại ông Tấn bị chết. Số gà còn sống, ông Tấn phải thường xuyên cho uống giải độc gan, bổ sung vitamin C nhưng vẫn chậm lớn. Khi xuất bán, ông Tấn bị sụt giảm 2 tấn sản lượng so với những lứa nuôi trước, thiệt hại không nhỏ.
"Nếu lần đó tôi không phát hiện kịp thì có lẽ bây giờ đã trắng tay. Sau lần đó, tôi đầu tư máy phát điện tự động. Khi mất điện lưới, máy sẽ tự khởi động. Dù vậy, con người là yếu tố then chốt, phải thường xuyên kiểm tra trại nuôi của mình" – ông Tấn cho hay.
Ông Võ Văn Hưởng – Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận cho biết, không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tấn còn tích cực tham gia, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của thôn, xã và tạo việc làm cho lao động địa phương. Tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi của ông Tấn đáng để mọi người học tập.