Được biết, trong 2 ngày 15-16/8, tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), UBND huyện Đông Giang đã phối hợp với Công ty Cổ phần Khu du lịch sinh thái Hang Gợp tổ chức Lễ hội ớt A Riêu lần thứ I năm 2024.
Lễ hội với sự tham gia của 7 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông - lâm nghiệp đặc trưng của địa phương.
Trong đó, 6 gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của các xã, thị trấn; 1 gian hàng trưng bày của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Giang.
Đây là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm và thông tin về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; góp phần nâng cao hình ảnh và sức cạnh tranh của các sản phẩm địa phương.
Lễ hội diễn ra các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ hấp dẫn, đặc sắc, phong phú, góp phần quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của Đông Giang.
Lễ hội còn là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ, tăng cường quan hệ thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời khẳng định những quyết sách của địa phương thật sự đi vào cuộc sống; thể hiện quyết tâm, ý chí phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đông Giang thời gian tới.
Theo Công ty Cổ phần Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (trực thuộc Tập đoàn FVG), đơn vị tài trợ lễ hội cho biết, chương trình thu hút hơn 12 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm, tham gia thi đấu.
Kết thúc lễ hội, ban tổ chức đã trao giải Nhất toàn đoàn cho thị trấn Prao, giải Nhì xã Tà Lu và xã giải Ba xã Mà Cooih.
Từ lâu, ớt A Riêu là một trong những loại gia vị quan trọng trong các món ăn và trở thành một phần văn hóa của đồng bào Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn. A Riêu trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là con chim chào mào, loại ớt A Riêu ở vùng Đông Giang được đặt tên này với huyền tích loài chim chào mào ăn những trái ớt mọc ở rừng, từ đó phát tán hạt giống khắp núi rừng.
Cũng nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu riêng biệt đã tạo ra sự khác biệt của giống ớt với kích thước khá nhỏ, có vị cay, thơm nồng vừa phải rất đặc trưng riêng khác hẳn với các giống ớt ở nơi khác. Đây là sản vật có giá trị về mặt thương mại, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và mang lại thu nhập hiệu quả cao cho người dân.