Đào khảo cổ Núi Đọ bên sông Chu, sông Mã ở Thanh Hóa phát lộ 2.500 hiện vật cổ, có bảo vật quốc gia
Ngọn núi cao hình một con động vật bò bên sông Mã, sông Chu ở Thanh Hóa, nơi phát hiện báu vật khảo cổ
Chủ nhật, ngày 18/08/2024 18:43 PM (GMT+7)
Núi Ðọ hay còn gọi là núi Quy sơn cao 158m so với mực nước biển, núi nằm ở ranh giới của xã Tân Châu (huyện Thiệu Hóa) và phường Thiệu Vân, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) của tỉnh Thanh Hóa, là nơi hợp lưu của sông Mã và sông Chu. Núi Đọ có phong cảnh tuyệt đẹp, là địa chỉ “đỏ” của các nhà khảo cổ học...
Núi Ðọ nằm ở ranh giới của xã Tân Châu (huyện Thiệu Hóa) và phường Thiệu Vân, Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), là nơi hợp lưu của sông Mã và sông Chu.
Nhiều nhà khoa học đã xếp di chỉ núi Đọ vào sơ kỳ đồ đá cũ, giai đoạn phát triển đầu tiên của loài người. Tuy vậy, cùng với quá trình phát triển của xã hội, nhiều hiện vật không còn, di tích đang bị xâm lấn nghiêm trọng.
Núi Đọ (còn gọi là Quy Sơn) có độ cao khoảng 158m, độ dốc từ 200 - 250m. Người xưa đặt tên ngọn núi này là “Lương Mã song phàm” với ý nghĩa là hai cánh buồm sóng đôi trên dòng sông Mã và sông Chu. Còn sách “Đại Nam nhất thống chí” lại ví núi Đọ là “Linh quy hí thủy”, nghĩa là con rùa đang vờn nước.
Núi Đọ có cấu tạo địa chất đặc biệt mà những dãy núi khác không có, đó là đá rất rắn. Cha ông ta đã biết điều này từ sớm nên thường khai thác đá trên núi Đọ làm công cụ lao động như rìu tay, mảnh tước...
Rìu đá, mảnh tước là bằng chứng về sự xuất hiện của con người nguyên thủy gắn liền với nền văn hóa sơ kỳ đồ đá cũ và vượt qua thời đại đồ đồng mà đỉnh cao là nền văn hóa Ðông Sơn.
Những phát hiện đầu tiên về dấu tích của người tiền sử được các nhà khảo cổ phát hiện vào năm 1960. Họ đã nghiên cứu và chứng minh rằng, nơi đây đã tồn tại một nền văn hóa sơ kỳ thời đại đá cũ.
Những chiếc rìu tay tìm được là những công cụ đá được ghè đẽo qua loa dùng để chặt đập cho thấy cách ngày nay khoảng 30 - 40 vạn năm, người nguyên thủy đã từng sinh sống ở đây.
Đặc biệt các nhà khảo cổ còn tìm thấy tại di chỉ núi Đọ 8 chiếc rìu đá cầm tay được chế tác từ đá bazan, là loại đá rất sẵn ở nơi này.
“Cồn Chân Tiên” thuộc phạm vi di tích khảo cổ Núi Đọ (tỉnh Thanh Hóa) bên dòng sông Mã, sông Chu với vết lõm hình 5 ngón chân khá rõ nét, tương truyền là dấu chân người đầu tiên đến đây giúp dân xây làng, lập ấp. Ảnh: Kiều Huyền.
Chiếc rìu đá lớn nhất có chiều dài 21,2cm, trọng lượng hơn 2kg; chiếc rìu đá nhỏ nhất có chiều dài 16,5cm, nặng 1,1kg.
Nghiên cứu bộ di vật sưu tập hiện vật được và hiện trạng của khu di tích, các nhà khảo cổ học khẳng định, người nguyên thủy ở núi Đọ đã dùng đá bazan ngay tại núi Đọ để chế tác tất cả các loại công cụ tại chỗ.
Vì vậy, đây không chỉ là di tích mà còn là một di chỉ - xưởng. Hiện nay, nhiều chiếc rìu đá phát hiện ở Núi Đọ qua khai quật khảo cổ đang được trưng bày ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Thanh Hóa.
Qua 4 lần khai quật khảo cổ có 2.500 hiện vật bằng đá các loại tìm được, trong đó có rất nhiều vết tích của văn hóa Chu Đậu, Đông Sơn, Phù Lãng với những chiếc thạp đồng, trống đồng, kiếm cổ, mác...
Nhắc tới di tích núi Đọ Thanh Hóa, bất cứ ai cũng nghĩ ngay tới “Đồi yên ngựa” “Hang bắc bếp” hay “Cồn chân tiên”. Sau này, ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX, trong phong trào chống thực dân Pháp, nghĩa quân Cần Vương đã chọn núi Đọ là chỗ tụ quân. Hiện còn một số dấu tích như “hòn cột cờ”, “giếng nước ngọt”, “bếp nấu” ...
Với những giá trị to lớn ấy, năm 1962, cụm di tích núi Đọ đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia với tổng diện tích đất được khoanh vùng quy hoạch và bảo vệ là 34.736 ha.
Có thể khẳng định, núi Đọ không chỉ là điểm đến có phong cảnh tuyệt đẹp mà còn là địa chỉ “đỏ” để các nhà khảo cổ học nghiên cứu về dấu vết cuối cùng của người nguyên thủy và cũng là dấu vết cuối cùng cho thấy đã từng tồn tại một nền văn hóa rất cổ của loài người trên đất Thanh Hóa.
Theo hồ sơ khoa học, di tích di chỉ khảo cổ núi Đọ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch) xếp hạng chính thức đợt I trong 62 di tích và danh thắng thuộc các tỉnh, thành, khu cần bảo vệ theo pháp luật Nhà nước tại Quyết định số 313 ngày 28-4-1962.
Mặc dù là đất di tích quốc gia núi Đọ đã được Nhà nước khoanh vùng bảo vệ, tuy nhiên các ngành và chính quyền địa phương lại tham mưu phê duyệt quy hoạch thành đất ở dân cư, đất rừng sản xuất, đất nghĩa địa, đất giao thông (đường cao tốc Bắc - Nam).
Về phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), có mặt tại Khu Di tích núi Đọ, chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự hoang tàn của cụm di tích cấp quốc gia này.
Xung quanh chân núi Đọ là các khu dân cư mọc san sát, nhà ở được xây dựng theo lối tự phát, “mạnh ai nấy xây” không có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Chùa Đọ cổ cũng đã được thay bằng ngôi chùa mới, đơn sơ và nhỏ bé.
Khu thắng tích Cồn chân Tiên vốn được truyền ngôn rằng với cảnh đẹp hữu tình nên đã có dấu tích bàn chân tiên trên tảng đá hình bán nguyệt có chiều cao khoảng 2m, chiều rộng 3m... nay cũng nằm im ắng trong khu đất của gia đình ông Đỗ Văn Toản. Các dấu tích in hình một bàn chân khổng lồ, lún sâu vào bề mặt đá đã không còn nguyên vẹn...
Được biết, vào tháng 3-2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Hàm Rồng - núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc TP Thanh Hóa. Đây sẽ là khu đô thị công viên di sản, với quy mô, tầm vóc quốc gia, quốc tế hướng tới trở thành Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng di tích núi Đọ đang bị xâm hại nghiêm trọng, ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thiệu Khánh (Thanh Hóa), cho biết: “Hiện tại khu vực di tích núi Đọ có 235 hộ gia đình của 3 xã, phường đang sinh sống.
Là khu quy hoạch, tuy nhiên các hoạt động như xây cất nhà cửa, công trình phụ trên đất di tích của người dân vẫn diễn ra rất bình thường. Chúng tôi mong chờ các cấp có thẩm quyền sớm tiến hành khoanh vùng lại di tích. Bởi việc xác định khoanh vùng di tích và sơ đồ khoanh vùng khu vực bất khả xâm phạm và bảo vệ di tích lập năm 1961 không có diện tích cụ thể, phạm vi, ranh giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.
Mặt khác, thực tế đất đai của di tích sau 60 năm được xếp hạng đến nay đã có sự thay đổi lớn cả về địa giới hành chính, cấp quản lý, cũng như việc sử dụng đất. Một di tích có giá trị và ý nghĩa lịch sử như núi Đọ cần được đối xử văn hóa, hơn là để hoang phế và bị xâm hại”.
Nhắc đến núi Đọ, chúng ta đều nghĩ đến một nền văn hóa cổ xưa gắn với những câu chuyện hư hư thực thực về vết chân tiên, về những con người nguyên thủy săn bắn và hái lượm. Điều đó là niềm tự hào của những cư dân sinh sống dưới chân núi Đọ nhưng cũng là nỗi xót xa khi di chỉ đang dần bị chính con người xâm lấn.
Suốt nhiều năm qua, cụm di tích khảo cổ này chưa hề nhận được sự quan tâm xứng tầm của các cơ quan chức năng. Hy vọng trong thời gian sớm nhất các cấp chính quyền không chỉ dừng ở việc khoanh vùng mà sẽ tôn tạo, phục dựng lại dấu vết nơi thủy tổ loài người để núi Đọ trở thành điểm đến khi người ta nghĩ về nguồn cội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.