Anh Thanh chia sẻ, rệp sáp là loài sâu bọ gây hại ở tất cả bộ phận của cây sầu riêng với sự cộng sinh của kiến.
Vào mùa khô, kiến sẽ mang rệp sáp xuống đất để trú ẩn và chích hút gây hại gốc, rễ cây sầu riêng. Khi mưa ẩm, con kiến lại mang rệp sáp, ấu trùng rệp sáp lên thân.
Thời điểm rệp sáp-loài động vật lớp sâu bọ này sinh sôi mạnh là giai đoạn sầu riêng bắt đầu xổ nhụy, ra trái non, kéo dài đến khi thu hoạch.
Nếu người trồng sầu riêng thiếu quan sát và phòng trừ không hiệu quả, chỉ một thời gian ngắn, rệp sáp sẽ sinh sôi nhanh chóng, phủ trắng cả quả sầu non, lá và ngọn cây.
Anh Bùi Than, nông dân trồng sầu riêng ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ về cách dùng băng thun y tế để phòng rệp sáp phá hại cây sầu riêng.
Không chỉ chích hút dinh dưỡng gây sầu riêng quăn lá, rụng trái non, rệp sáp còn tạo môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng (muội đen) phát triển.
Khi nấm bồ hóng (muội đen) phát triển trên cây sầu riêng sẽ làm suy giảm chất lượng, năng suất trái sầu, giảm sức đề kháng của cây sầu riêng và ảnh hưởng nặng tới thẩm mỹ của quả sầu riêng.
Đây cũng là một trong những đối tượng dịch hại ảnh hưởng đến các mặt hàng trái cây đặc sản khi xuất khẩu chính ngạch.
Canh tác sầu riêng theo phương pháp sinh thái, an toàn nhiều năm qua, vì thế nên anh Thanh luôn trăn trở tìm cách phòng trừ rệp sáp hiệu quả mà không cần can thiệp bằng các giải pháp thuốc bảo vệ thực vật.
Qua quan sát tập tính cộng sinh của rệp sáp và con đường di chuyển của kiến, anh Thanh nghĩ đến cách tạo một hàng rào bảo vệ ngay trên thân cây.
Theo đó, anh đã dùng băng thun y tế ngâm qua thuốc tẩm màn chống muỗi rồi quấn một vài vòng trên thân cây sầu riêng.
Vị trí quấn băng thu y tế lên thân cây sầu riêng cách mặt đất khoảng 30 – 80 cm. Sau khi quấn băng y tế cho tất cả các cây trồng trong vườn, anh Thanh còn kiểm soát việc giao tán, tránh kiến di chuyển từ các cây bên ngoài vườn hoặc các con đường trung gian khác.
Định kỳ khoảng 3 tháng, anh lại dùng bình xịt nhỏ bổ sung thêm thuốc tẩm màn pha loãng theo đúng tỷ lệ nhà sản xuất đưa ra vào các vị trí băng thun.
Cách làm này đã được anh Thanh áp dụng hiệu quả trên vườn sầu riêng của gia đình suốt 3 năm qua với chi phí phòng trừ rệp sáp cho một cây sầu riêng chỉ khoảng 4.000 – 5.000 đồng/năm.
Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, anh lại gỡ toàn bộ băng thun, giặt sạch rong rêu và tái sử dụng cho niên vụ tiếp theo.
Ngoài hiệu quả trong việc phòng rệp sáp gây hại cây sầu riêng, từ khi thực hiện giải pháp quấn băng thun y tế và kiểm soát giao tán, anh Thanh còn nhận thấy lượng quả bị sóc, chuột khoét, gặm cũng giảm rõ rệt.
Theo anh Thanh, đây là giải pháp rẻ tiền, dễ thực hiện lại thân thiện với môi trường mà các nhà vườn có thể tham khảo để bảo vệ thành quả sản xuất.
Ngoài áp dụng trên cây sầu riêng, giải pháp dùng băng thu y tế phòng trừ rệp sáp cũng có thể ứng dụng cho các loại cây ăn quả, cây dài ngày khác.
Giải pháp sáng tạo này của anh Thanh nhằm chủ động ngăn ngừa rệp sáp gây hại, nhất là trong điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến thất thường như hiện nay.