Với GS Võ Tòng Xuân, tôi là người rất may mắn khi được thầy để ý. Do đó, mỗi khi đi tham quan mô hình nông nghiệp mới, cách làm hay của nông dân thầy đều rủ tôi đi theo.
Như cuối năm 2022, khi hay tin ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, có nông dân trồng được loại mít lạ, múi màu cam đào (giống mít mới ở ĐBSCL), bán được với giá 60.000 đồng, đặc biệt cây có thể chống chịu được thời tiết thay đổi thất thường, GS Võ Tòng Xuân đã gọi điện cho tôi và một số đồng nghiệp đi tham quan mô hình.
Khi này, tuy là người đã có tuổi nhưng thầy luôn tràn đầy nhiệt quyết với nông dân. Khi về đến Bến Tre, gặp ông Trần Thanh Thanh - chủ nhân thực hiện mô hình, GS Võ Tòng Xuân không ngừng động viên, khen ngợi ý chí phấn đấu trong việc lai tạo, phát triển các giống cây ăn quả mới, có giá trị kinh tế cao.
Tham quan hết khu vườn mít cam đào của ông Thanh, thầy gợi ý ông Thanh mở rộng diện tích sản xuất cây giống, đồng thời lai tạo, phát triển thêm nhiều giống cây ăn trái khác.
Để ông Thanh cũng gia đình an tâm sản xuất, GS Võ Tòng Xuân còn đem ra bản đồ thế giới, phân tích về diện tích, nhu cầu sản lượng của các nước cũng như nói về tiềm năng lợi thế chưa khai thác hết của trái cây Việt Nam, nhất là trái cây của vùng ĐBSCL.
Sau chuyến đi xuống nông dân thăm mô hình nói trên, khi tham quan một chương trình quảng bá sản phẩm khởi nghiệp ở TP.Cần Thơ, GS Võ Tòng Xuân đã kết nối với Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Sáng tạo (Hậu Giang) trong khâu tiêu thụ mít cam đào.
Bà Cao Thị Cẩm Nhung - nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Sáng tạo cho biết, công ty chế biến ra nhiều sản phẩm từ trái mít. Ngoài việc kết nối tiêu thụ mít cam đào cho ông Thanh, thời gian qua, GS Võ Tòng Xuân còn hỗ trợ rất nhiều đối với công ty.
Trước đó, tôi cũng được GS Võ Tòng Xuân rủ về huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang tham quan vùng trồng lúa của nông dân. Trong chuyến đi, thầy cho biết, vùng trồng lúa ở huyện Hòn Đất ngày càng đổi thay, nhờ nông dân ngày càng thay đổi trong cách sản xuất, từ từ làm quen dần các tiến bộ kỹ thuật cũng như kết hợp thêm các mô hình chăn nuôi khác có liên quan.
GS Võ Tòng Xuân nhiều lần nói với tôi, cây lúa chỉ nên trồng ở vùng nước ngọt cho năng suất cao và có thể trồng được quanh năm. Đối với vùng nước mặn, nước lợ hoặc nơi có vùng đất cao, trong điều kiện thích hợp nên chuyển sang nuôi thủy sản hoặc trồng cây ăn trái. Riêng vùng nuôi tôm, cần phải quy hoạch sao cho bài bản, có hệ thống xử lý nước chuẩn, không gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2023, ngay khi cảm thấy sức khỏe hồi phục sau thời gian dài nằm viện tại TP.HCM, GS Võ Tòng Xuân từ TP.HCM đến Hậu Giang tham dự Festival ngành hàng lúa gạo. Tại đây, thầy đã tham dự nhiều sự kiện trong vài ngày và có bài phát biểu đóng góp ý kiến.
Bên lề sự kiện, GS Võ Tòng Xuân tâm sự rằng, thầy vẫn cảm thấy sức khỏe chưa thật tốt nhưng muốn ủng hộ Hậu Giang và Bộ NNPTNT nên đã tham dự. Trong bài phát biểu, thầy đặc biệt nhấn mạnh quan điểm ủng hộ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp do Bộ tại ĐBSCL.
Thầy đánh giá, đề án sẽ là cơ hội để tái cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo, sắp xếp lại trật tự của chuỗi giá trị hạt gạo, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Nhiều năm qua, đa số nông dân sản xuất manh mún, việc tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái là chính, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian dài đã có những tác động tiêu cực lên môi trường đồng bằng.
Vì thế, khi đề án được triển khai cũng là lúc nông dân phải suy nghĩ khác đi, sản xuất khác đi. Các doanh nghiệp phải vào cuộc, ký hợp đồng dài hạn với nông dân. Việc cần làm hiện nay là các doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng cấp trên đề nghị các nước bạn ký hợp đồng dài hạn, 1 năm thu mua sản lượng khoảng bao nhiêu để nông dân sản xuất, cung cấp.
Gần đây nhất cũng là lần cuối cùng GS Võ Tòng Xuân gọi điện cho tôi là cuối tháng 2/2024. Lúc này thầy rủ tôi và một số đồng nghiệp báo bạn đi gặp CEO Húa Ngô - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn H&N Group - Đầu mối phân phối hải sản lớn của Việt Nam tại thị trường Mỹ nhân chuyến công tác về Việt Nam.
Tuy nhiên, lần này tôi bận công tác nên không đi gặp cùng thầy được. Qua thông tin từ GS Võ Tòng Xuân và đồng nghiệp, CEO Húa Ngô muốn nhờ thầy kết nối, truyền đạt lại với ngành nông nghiệp các địa phương, nông dân vùng ĐBSCL là thị trường cá tra ở Mỹ rất lớn. Do đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Theo tôi tìm hiểu, đây chỉ là một trong số các doanh nghiệp lớn nhỏ kinh doanh về các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tìm đến GS Võ Tòng Xuân để nhờ hỗ trợ, kết nối. Và GS Võ Tòng Xuân cũng hết lòng hỗ trợ theo khả năng của bản thân.
Những việc làm trên xuất phát từ nguyện vọng của GS Võ Tòng Xuân từ tháng 6/1971 khi quyết định rời IRRI ở Philippines về nước. “Nguyện vọng của thầy là nếu còn sức khỏe, vẫn muốn tiếp tục cố gắng phấn đấu, hỗ trợ sức mình cho ĐBSCL” – GS Võ Tòng Xuân từng chia sẻ.
Dù GS Võ Tòng Xuân không dạy tôi ngày nào nhưng tôi vẫn gọi ông là thầy, vì thầy đã cho tôi những bài học quý giá về cuộc sống, đó là bài học về tình yêu với nông nghiệp, bài học về sự quý trọng công sức, lao động của người nông dân quê mình.
GS Võ Tòng Xuân qua đời, nông dân ĐBSCL thực sự mất đi nguồn động viên quý giá trong sản xuất nông nghiệp. Bởi từ nay, họ không còn được thấy bóng dáng thầy đi thăm, trao đổi, động viên nông dân trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản, tiếp thêm cho họ động lực để chăm chỉ làm giàu trên mảnh đất, vườn cây, mặt nước của mình...