Nghi vấn về tấm bằng tốt nghiệp cấp ba của ông Vương Tấn Việt
Từ nghi vấn về tấm bằng tốt nghiệp cấp ba của ông Vương Tấn Việt
Đào Tuấn
Thứ tư, ngày 14/08/2024 10:56 AM (GMT+7)
Với việc không có tên trong danh sách thi và bảng điểm thi tốt nghiệp bổ túc cấp ba, có thể ông Vương Tấn Việt sẽ phải chịu những hệ lụy tiếp theo khi có kết luận chính thức từ Bộ Giáo dục – Đào tạo. Nhưng cái mất lớn nhất có lẽ lại là chữ "chân" trong pháp hiệu "Thích Chân Quang" của ông.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989.
Kết quả cuối cùng: Hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM; Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Về vấn đề ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) chưa tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa, ngay hôm qua, 13/8, Bộ GD&ĐT bước đầu xác định nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác.
Bộ sẽ tiếp tục xác minh đây có đúng là văn bằng của ông Thích Chân Quang hay không. Nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Thích Chân Quang sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.
Vậy việc gì sẽ xảy ra nếu như tấm bằng tốt nghiệp THPT bổ túc của ông Vương Tấn Việt bị xác định là giả? Có thể Trường Đại học Hà Nội sẽ phải thu hồi bằng cử nhân Anh Văn; Đại học Luật Hà Nội sẽ thu hồi cả 2 tấm bằng Cử nhân Luật, và Tiến sỹ Luật... đã cấp cho ông Vương Tấn Việt.
Và cũng có thể, Trường Đại học KH&XH và Nhân văn phải xóa tên ông này khỏi danh sách trúng tuyển Nghiên cứu sinh (?).
Bởi căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về xử lý vi phạm của Bộ Giáo dục – Đào tạo: "Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ".
Một tấm bằng (có thể) giả... Nhưng rõ ràng, hậu quả nặng nề là thật!
Nhưng có lẽ, cái mất lớn nhất đối với ông Vương Tấn Việt, và không chỉ với ông Việt, lại là mất đi cái chữ "chân" trong pháp danh Thích Chân Quang.
Giới luật nhà Phật quy định rất rõ là "không nói dối", khi nói dối tạo ra nghiệp xấu. Phật tử đã phải tuân thủ giới này, huống hồ ở đây lại là một nhà sư, một thượng toạ, người vừa hôm trước còn răn dậy đại chúng không được nói dối.
Và nếu đúng tấm bằng tốt nghiệp THPT bổ túc kia là giả, câu hỏi hôm nay cần đặt ra là tại sao ông Vương Tấn Việt có thể sử dụng tấm bằng đó để vào hết trường nọ trường kia, lấy hết bằng nọ tới bằng kia?
Dư luận cũng hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về trách nhiệm của những trường Đại học nơi ông Vương Tấn Việt đã tốt nghiệp như Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội) và Trường Đại học Luật Hà Nội (năm 2019, văn bằng 2), khi làm công tác kiểm tra, xác nhận bằng cấp đầu vào của sinh viên.
Còn nhớ, năm 2019, Bộ Giáo dục - Đào tạo có Thông tư 21/2019 về Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, tại điều 29, Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ (có trách nhiệm) xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học để phục vụ cho việc công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ.
Thông tư hướng dẫn là vậy, nhưng tháng 11/2023, sau những scandal tuyển dụng, bổ nhiệm người sử dụng bằng tiến sĩ giả xảy ra tại một số trường đại học, cao đẳng ở TP.HCM, một tờ báo dẫn lời ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lí Chất lượng, Bộ GD&ĐT vẫn nói rằng: Các cơ sở giáo dục Đại học cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát.
Bởi ông cho biết thêm: Cục đang thí điểm, đề xuất xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Và "Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lí văn bằng, chứng chỉ tại các cơ quan quản lí giáo dục địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo".
Thực ra, với tốc độ chuyển đổi số ở cấp quốc gia như hiện nay thì việc số hóa các loại bằng cấp, văn bằng chứng chỉ do Bộ GD&ĐT quản lý không hề khó, cũng như việc đưa những loại bằng cấp đã được số hóa này lên không gian mạng để tiện cho việc kiểm tra, tra cứu phục vụ các mục đích công hoàn toàn khả thi. Nhưng không hiểu sao cho đến tận giờ, việc quản lý văn bằng, chứng chỉ thuộc hệ thống ngành giáo dục vẫn chưa thể kết nối toàn quốc?
Chưa kể, nội dung Thông tư 21/2019 của Bộ GD-ĐT còn chung chung, do vậy thực sự rất khó để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các trường, hoặc xử lý với những đơn vị chưa thực hiện tốt việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học...
Thử hỏi, nếu như việc tra cứu một văn bằng để kiểm tra thật giả có thể dễ dàng thực hiện, để xã hội có thể giám sát dễ dàng như chúng ta đang có thể giám sát đến từng biển số ô tô cá nhân, liệu còn xảy ra những chuyện "khôi hài" như kiểu người có tới mấy bằng Đại học, có bằng tiến sĩ nhưng lại không có tên trong Hội đồng thi tốt nghiệp cấp ba như trường hợp của ông Vương Tấn Việt hay không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.