P.V Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam xung quanh về phát triển HTX, THT và chuyển đổi số trong HTX tại tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua.
Ông có thể cho biết đôi nét về hoạt động của HTX và các thành viên Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trong thời gian gần đây?.
Ông Lê Ngọc Trung: Trong thời gian gần đây các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoạt động ổn định, nhiều HTX đã vượt qua giai đoạn khó khăn, có doanh thu khá tốt, đem lại thu nhập đáng kể cho thành viên.
Tính đến ngày 30/6/2024, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam có 652 HTX và 1 Liên hiệp HTX đang hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và tín dụng.
Qua theo dõi tình hình tổ chức và hoạt động, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, cung cấp hàng hóa ra thị trường và hướng tới xuất khẩu như, HTX NN Xanh Duy Oanh (huyện Duy Xuyên), Xí nghiệp mây tre lá Âu Cơ (huyện Núi Thành), HTX Best One (thành phố Tam Kỳ)...
Ngoài ra, một số HTX đã chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ cho thành viên như, cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, sản xuất lúa giống, thu mua nông sản, mua bán cây con giống, thức ăn gia súc, gia cầm; quản lý công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nước sạch nông thôn; thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt; trồng rừng, dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa như, HTX NN Ái Nghĩa, HTX Điện Phước 1, HTX NN Đại Hiệp...
Một số HTX nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu hàng hóa, đã chủ động đăng ký và phát huy hiệu quả của thương hiệu hàng hóa trên thị trường nhằm duy trì và mở rộng thị trường, chống cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp; đầu tư và thực hiện liên kết đa dạng với các thành phần kinh tế khác để phát huy tiềm năng, định hướng phát triển bền vững; tăng thu nhập cho thành viên và hộ gia đình; góp phần xây dựng xã NTM, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, thực hiện chương trình sản phẩm OCOP.
Theo ông, làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa Liên minh HTX và các thành viên?
Ông Lê Ngọc Trung: Như chúng ta đã biết, Liên minh Hợp tác xã là một tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tập thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, được Đảng và nhà nước giao nhiệm vụ, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, làm cầu nối giữa Đảng, nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.
Thực tế trong những năm qua, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam luôn tích cực hỗ trợ đồng hành cùng các HTX, tham mưu HĐND-UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, mà cụ thể gần đây nhất là Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo đó đã hỗ trợ thiết thực cho các HTX về công tác thành lập mới HTX; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ HTX; hỗ trợ chính sách đào tạo cho cán bộ HTX học đại học; hỗ trợ chính sách tín dụng cho HTX; tổ chức cho các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu quảng bá sản phẩm,…
Bên cạnh đó, các THT, HTX còn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển và nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Đây được xem là kênh quan trọng trong việc trợ vốn cho kinh tế tập thể HTX phát triển sản xuất kinh doanh và là cầu nối giữ mối quan hệ giữa Liên minh HTX tỉnh với các HTX …
Liên minh HTX tỉnh cũng thường xuyên làm việc với các HTX để kịp thời nắm bắt tình hình cũng như tâm tư nguyện vọng của các HTX; thăm hỏi động viên HTX nhân dịp Tết đến Xuân về, các ngày kỷ niệm, ngày thành lập, đại hội HTX…; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân HTX đạt thành tích cao trong lao động sản xuất kinh doanh và tham gia tốt các hoạt động do Liên minh và các cấp, ngành địa phương tổ chức.
Liên minh HTX tỉnh thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ HTX; tuyên truyền các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước đến với các HTX. Thông qua các hoạt động này, nhằm giúp HTX nâng cao năng lực quản lý, điều hành của mình; đồng thời có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ để đầu tư, phát triển.
Đối với các HTXtrên địa bàn tỉnh rất tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động, phong trào do Liên minh HTX tỉnh tổ chức; tham gia đóng phí thành viên đầy đủ theo quy định. Thông qua các hoạt động của tổ chức Liên minh HTX tỉnh, đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Liên minh và các HTX về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên.
Hiện công cuộc chuyển đổi số trong nghiệp, HTX đang ngày càng phát triển, đây là điểm mới nhằm giúp các sản phẩm của HTX, THT quảng bá được các sản phẩm trong thời công nghệ số. Vậy ông, đánh giá thực trạng chuyển đổi số của các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay?
Ông Lê Ngọc Trung: Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển, nhất là trong thời đại công nghệ số và khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ hết sức nhanh chóng, đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể cũng không ngoại lệ.
Chuyển đổi số bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX.
Theo đó, các HTX cũng đang dần chuyển mình để thích ứng với xu thế hiện nay. Một số HTX với đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, nhạy bén đã dần ứng dụng khoa học, công nghệ số từ sản xuất chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, quét mã QR Code từ khâu sản xuất nguyên liệu vùng trồng, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, trực tuyến như facebook, zalo, sàn thương mại giao dịch điện tử, tiktok; thanh toán không dùng tiền mặt,… đã đem lại những kết quả đáng mừng. Nhưng không phải HTX nào cũng đủ điều kiện để đáp ứng và tham gia vào công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Phải khẳng định rằng, công cuộc chuyển đổi số hiện nay đã và đang tác động tích cực, mạnh mẽ đến các HTX, đây cũng chính là điểm mới và là điểm sáng để các HTX giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của mình ra thị trường một cách nhanh và hiệu quả nhất, đặc biệt là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, đạt chuẩn VietGap, Global Gap, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu,… thông qua việc ứng dụng chuyển đổi số của HTX.
Hiện nay, đâu là khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi số của các HTX ở tỉnh Quảng Nam?
Ông Lê Ngọc Trung: Thực trạng chuyển đổi số của các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, về cơ sở vật chất của các HTX chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, số hóa dữ liệu, truy xuất nguồn gốc cho đến ứng dụng công nghệ số trong công tác thương mại.
Các HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ tương đối cao, thành viên HTX phần lớn là nông dân, chỉ quen với lao động sản xuất, không thành thạo máy tính, công nghệ; lại lớn tuổi nên việc tiếp cận việc chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, bất cập.
Hơn nữa, kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, khó khăn, nhất là đối với các HTX. Vẫn còn nhiều HTX hiện nay chưa có trang thông tin điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX mình.
Mặt khác, nguồn nhân lực của các HTX chưa đáp ứng cho việc thực hiện chuyển đổi số là một vấn đề còn nhiều khó khăn, khi lực lượng này chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX mình.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam có giải pháp, kế hoạch gì để đẩy mạnh chuyển đổi số trong HTX?.
Ông Lê Ngọc Trung: Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục có kế hoạch để đẩy mạnh việc thực hiện công tác chuyển đổi số trong các HTX, cụ thể bằng những giải pháp như.
Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, hoạt động chuyển đổi số và những lợi ích của công cuộc chuyển đổi số đem lại cho các HTX; để thành viên HTX hiểu biết, nghiên cứu tiếp cận, học tập và làm quen với công tác chuyển đổi số.
Tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giúp các HTX triển khai áp dụng tại đơn vị mình một cách phù hợp, hiệu quả, thích nghi với xu thế tất yếu của xã hội và thời đại; khả năng tăng tương tác, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, hoặc kỹ năng livestrem bán hàng qua mạng,…
Giới thiệu và nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mô hình hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số thành công, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số để các HTX trong tỉnh có cơ hội tiếp cận, học hỏi và áp dụng phù hợp đối với HTX mình. Đồng thời hướng dẫn thủ tục để giúp các hợp tác xã tăng khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có điều kiện thực hiện chuyển đổi số trong HTX.
Điều kiện tiên quyết và quan trọng để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế tập thể là phải thay đổi mô hình quản trị của HTX. Vì chuyển đổi số với vai trò là công cụ hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển, nên cần phải có sự liên kết, tổ chức chặt chẽ thì mới áp dụng công nghệ số vào thực tiễn của HTX.
Xin cảm ơn ông./.