Dân Việt

Làng nghề ở TP.HCM cần nhanh chóng tham gia "bệ đỡ" OCOP

An Hải 22/08/2024 06:00 GMT+7
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn TP.HCM đang giúp nhiều sản phẩm nông nghiệp của Thành phố vươn lên tìm chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên các sản phẩm làng nghề ở TP.HCM vẫn chưa tham gia chương trình này.

Nhằm tăng giá trị các sản phẩm của làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn TP.HCM, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch số 1784/KH-UBND về hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025.

Theo kế hoạch này, các cơ sở ngành nghề nông thôn được hưởng các cơ chế, chính sách theo Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (OCOP) giai đoạn 2021-2025.

img

Làng nghề ở TP.HCM chưa có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Ảnh: A.H

Đối với các làng nghề phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch cũng như điều kiện về cơ sở hạ tầng dịch vụ đảm bảo, sẽ được ưu tiên mở các tour du lịch. UBND TP.HCM sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề, phát triển làng nghề kết hợp du lịch - giáo dục trải nghiệm, du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân.

Ngoài ra, các sản phẩm của làng nghề, làng nghề truyền thống tại TP.HCM sẽ được hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, TP hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn để tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện tại, TP.HCM đang định hướng bảo tồn và phát triển 7 ngành nghề nông thôn và 5 làng nghề, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên thành phố vẫn chưa ghi nhận làng nghề, làng nghề truyền thống nào có sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% cơ sở sản xuất tham gia chuỗi được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, được sử dụng mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Trên 90% sản phẩm đạt chứng nhận về tiêu chuẩn OCOP cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Có từ 60% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được tham gia các hoạt động thương mại điện tử để phát triển thị trường tiêu thụ. Trên 90% sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thông qua công cụ trực tuyến, sử dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu sản phẩm.

Trên thực tế, Chương trình OCOP trên địa bàn TP.HCM đang mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm nông nghiệp tại Thành phố. Nếu tận dụng tốt chương trình này, các sản phẩm nghề nông thôn, làng nghề và làng nghề truyền thống tại TP.HCM sẽ có thêm cơ hội trên thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh những sản phẩm làng nghề đang bị cạnh tranh mạnh bởi những sản phẩm sản xuất công nghiệp.