Phú Long là xã vùng cao của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, với địa hình nhiều thung lũng, núi đá, vùng rừng núi rậm rạp, xưa kia bà con chủ yếu trồng cây ngô, sắn…hiệu quả kinh tế rất kém.
Clip: Vùng đất cằn ở Ninh Bình trồng nên loại cây nhiều sai quả, ăn thơm lừng
Hơn 10 năm nay, người dân ở đây đã chuyển sang trồng cây na. Từ những diện tích "khiêm tốn" ban đầu, đến nay theo thống kê, toàn xã Phú Long (huyện Nho Quan) có gần 200 ha trồng giống cây na dai.
Cận cảnh quả na dai trồng trên đất đá dốc ở xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Thượng.
Được biết, nhờ áp dụng phương pháp thụ phấn nhân tạo, cắt tỉa cành theo quy trình kỹ thuật, cây na ở Phú Long năm nay ra nhiều quả, sản lượng thu hoạch tại các vườn tăng lên đáng kể.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Thuật-Giám đốc Hợp tác xã sản xuất na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long phấn khởi: "Hợp tác xã chúng tôi hiện trồng khoảng 150 ha cây na, với 47 hộ dân tham gia. Vụ na năm nay được mùa, trúng cả giá nên các hội viên trong hợp tác xã ai nấy đều rất vui mừng".
Theo ông Thuật tính, diện tích 1 ha trồng 800 cây na dai, và cho thu hoạch 15kg quả, trong khi đó thương lái về tận vườn thu mua giá từ 40.000-50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người dân thu về hơn 300 triệu đồng/ha.
Hiện tại giá na dai được người dân Phú Long bán từ 40.000-50.000 đồng/kg. Ảnh: Vũ Thượng
Bà Vũ Thị Hương (xã Phú Long, huyện Nho Quan) cùng con gái đang tập trung thu hoạch quả na để kịp thương lái đến lấy chia sẻ: "Gia đình tôi trồng cây na dai được 7 năm, với diện tích 1 ha, sau khi chi trừ chi phí năm 2023 thu khoảng 300 triệu đồng".
Quan sát, bà Hương vừa cắt quả na, đồng thời kết hợp cắt tỉa các cành phía dưới. Được biết, việc cắt tỉa cành nhằm bỏ các cành quả còi cọc, cong vẹo, cây na bị cắt cành khiến dinh dưỡng bị ứ lại, dồn về thân sẽ cho chồi lộc, đơm hoa ngay trên thân cây, cho lứa quả thứ 2 ngay sau lứa 1.
Hướng về phía vườn na bên cạnh, phóng viên bắt gặp bà Hà (xã Phú Long) đang vận chuyển những quả na vừa thu hoạch được đến điểm tập kết, bà Hà nói: Năm ngoái gia đình tôi thu được 7 tấn quả na, giá bán từ 35.000-37.000 đồng/kg. Năm nay, thời tiết thuận lợi cây na sai quả cho năng suất cao, giá bán cao hơn nên mọi người rất phấn khởi".
Vùng đất mà người dân xã Phú Long (huyện Nho Quan) đang trồng cây na rất cằn cỗi, bên dưới cào lên chủ yếu là đá mạt, khiến việc canh tác cây màu gặp nhiều bất lợi và không năng suất.
Tuy nhiên, cây na ở Phú Long cho thu hoạch hàng chục năm mà vẫn mang lại năng suất cao, thậm chí có những cây thu đến 20 năm chưa phải trồng lại.
Ông Nguyễn Văn Thuật-Giám đốc Hợp tác xã sản xuất na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long cho biết: "Không chỉ thu hoạch na chính vụ, mà giờ đây bà con trong xã còn thu hoạch na trái vụ giúp tránh được tình trạng được mùa mất giá, nhưng giá lại cao hơn so với chính vụ".
Muốn na có chỗ đứng trên thị trường thì sản phẩm làm ra phải ngon và mang hương vị đặc trưng của vùng miền, điều này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật chăm sóc.
Điểm mấu chốt để na ra quả được to đều, thơm ngon là cắt tỉa cành sao cho hợp lý. Hầu hết cành cao sẽ bị cắt bỏ, chỉ để lại những cành ngang tầm với vị trí các cành cần được phân bố đều…
Theo ông Thuật, quả na mọc ở cành cao thường không ngọt và nhỏ. Hơn nữa, để cành vừa tầm với cũng giúp người nông dân dễ dàng thụ phấn cho cây.
Được biết, cây na đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của bà con nông dân xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, sản phẩm từ quả na Phú Long còn được công nhận xếp hạng OCOP 4 sao, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.