Nuôi cá to bự, nuôi nhím lạ mắt, 100 người vừa đến nhà ông nông dân Ninh Bình để xem
Nuôi cá to bự, nuôi nhím lạ mắt, 100 người vừa đến nhà ông nông dân Ninh Bình để xem
Vũ Thượng
Thứ sáu, ngày 22/03/2024 14:06 PM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tổ chức cho hơn 100 cán bộ, hội viên, nông dân các xã, phường, thị trấn của huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Hoa Lư và thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi cá nước ngọt và mô hình nuôi con nhím tại xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn.
Cụ thể, đoàn cán bộ, hội viên nông dân Ninh Bình đã đến thăm mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình ông Bùi Đức Thịnh (thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn).
Ngày 21/3, Đoàn cán bộ, hội viên nông dân Ninh Bình thăm quan mô hình nuôi cá hộ ông Bùi Đức Thịnh (thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn), là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023". Ảnh: Hội Nông dân Ninh Bình.
Hộ ông Thịnh nhờ áp dụng chuyển đổi số trong nuôi cá nước ngọt và trồng cây ăn quả trên diện tích 2,6 ha để hàng năm doanh thu gần 4 tỷ đồng.
Ông Bùi Đức Thịnh trở thành 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".
Nhằm tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông Thịnh lựa chọn áp dụng chuyển đổi số, thay đổi tư duy nuôi cá nước ngọt theo kiểu truyền thống trước kia.
Ao nuôi cá hộ ông Thịnh được thiết kế theo kiểu ao nổi, láng xi măng, với đầy đủ hệ thống máy bơm, sục khí, đẩy nước, máy bắn thức ăn…tất cả được kết nối với hệ thống điều khiển tự động, có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh.
Theo ông Thịnh, áp dụng chuyển đổi số hay số hóa vào nuôi con cá ở đây là việc sử dụng máng ăn nuôi cá tự động. Cụ thể, chỉ cần một cái điện thoại thông minh và cài đặt phần mềm là có thể ngồi từ xa điều khiển cho đàn cá ăn đúng giờ, đúng số lượng…tiết kiệm thời gian lao động.
Trung bình cứ 7-9 tháng, gia đình ông Thịnh thu hoạch 1 lứa cá. Ảnh: VT.
Ngoài ra, dưới ao nuôi cá còn lắp đặt thêm hệ thống tạo Oxy cho đàn cá, khi thu hoạch cá có máy cẩu, tời tiện giảm được nhiều thời gian, công sức.
Trung bình cứ 7-9 tháng, gia đình ông Thịnh thu hoạch 1 lứa cá (chủ yếu là trắm, chép, mè,…), sản lượng gần 70 tấn, giá bán 60.000 đồng/kg. Vì thế đem lại doanh thu cho gia đình gần 4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 700-800 triệu đồng/năm.
Nuôi con nhím ít dịch bệnh, bán giá cao
Cùng ngày đoàn các bộ, hội viên nông dân tỉnh Ninh Bình còn tới thăm mô hình nuôi nhím hộ ông Đinh Văn Hồng (thôn Đá Hàn xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn).
Ông Hồng chia sẻ với cán bộ, hội viên nông dân: "Nuôi con nhím rất dễ và nhàn. Thức ăn dễ tìm, khâu chăm sóc và theo dõi cũng không khó, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp".
Ngoài ra, hệ thống chuồng nuôi xây dựng đơn giản, nền xi măng, cố định lồng nuôi bằng khung sắt.
Nếu được chăm sóc tốt, cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ, nhím rất mau lớn và sinh sản nhiều. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, 1 nhím đực có thể phối cặp với từ 2 đến 3 nhím cái vẫn cho sinh sản tốt.
Với đàn nhím hộ ông Hồng đang có gần 50 cặp bố mẹ, mỗi cặp đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 2 đến 3 con. Qua đó, mỗi năm hộ ông Hồng có khoảng 200 con nhím để bán ra thị trường.
Hiện, với giá con nhím thương phẩm giao động khoảng 300.000 đồng/kg hơi. Sau khi trừ các chi phí, ông Hồng thu về từ 200 - 250 triệu đồng/năm nhờ nuôi nhím.
Qua chuyến tham quan trực tiếp giúp cán bộ, hội viên nông dân các cấp trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức trong hoạt động thực tiễn về các mô hình mới, các mô hình dễ thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, phù hợp với điều kiện tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.