Khán giả tham gia tọa đàm “Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái” ngày 22/8 đã có cuộc gặp gỡ với 3 “người hùng” giữa đời thường. Cuộc hội ngộ của các anh giúp truyền cảm hứng sống đẹp đến với thanh thiếu niên.
Đó là anh Mai Lê Duy Quang (sinh năm 1980, ngụ tại Quảng Ngãi) và hai tài xế Phan Văn Tài, Trương Văn Thành (nhân viên lái xe Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Bình Dương), những người đã tham gia cứu nạn trong vụ tai nạn tại dốc cầu Phú Mỹ. Câu chuyện giải cứu người trong gang tấc giữa tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc được tái hiện chân thực thông qua lời kể của người trong cuộc. Các anh cũng mang đến nhiều chia sẻ xúc động về nghĩa cử tương thân tương ái, giúp đỡ người hoạn nạn của cá nhân mình.
Đó là chia sẻ của anh Mai Lê Duy Quang (sinh năm 1980, ngụ tại Quảng Ngãi) - người đã không quản ngại ngọn lửa đang cháy trong xe, lao vào cứu một tài xế thoát cửa tử.
Nhớ lại khoảnh khắc cứu người trong gang tấc, anh Quang kể: "Khi vô tình đi đến cầu, tôi nghe thấy tiếng động lớn và khói bụi. Lúc đó, tôi dừng lại thì mình thấy hiện trường rất ngổn ngang. Tôi chỉ nghĩ là chắc chắn sẽ có người bên trong và phải làm sao để cứu họ”.
Anh Quang cho biết, sau khi anh cứu được người đầu tiên thì lửa cũng bắt đầu cháy. Nhưng với linh tính của mình, anh vẫn tiếp tục tìm kiếm xem còn ai trong xe. Sau khi biết còn tài xế trong xe Volvo, anh nhanh chóng nhảy lên nóc xe để tìm cách cứu người. “Lửa bén lên, nhưng mà người vẫn chưa cứu được ra ngoài. Mặt tôi lúc đó cũng đã cảm nhận được sức nóng. May mắn lúc đó có một anh grap đến đưa bình xịt cứu hỏa, và cũng có vài người nữa đến hỗ trợ nên đã kịp thời cứu được người" - anh Quang nói.
Anh Quang cho biết thêm, ngay sau khi cứu người xong, anh cũng không có nhiều suy nghĩ trong đầu. Anh chỉ cảm thấy nhẹ nhõm. Anh Quang tâm sự: “Tài xế được cứu sau khi bình tĩnh trở lại đã cảm ơn tôi, sau đó anh ấy nói tay tôi đang chảy máu, lúc đó tôi mới biết. Sau đó, tôi băng lại và quay trở về công trường để tiếp tục việc làm của mình".
"Tối về, tôi coi clip, kèm theo bài hát, lúc đó mới rưng rưng nước mắt. Khoảnh khắc ấy tôi mới cảm nhận rõ ràng là mình đã làm được một điều có ý nghĩa. Tôi gửi clip cho con gái xem bởi mong muốn của tôi là sau này, khi con gái lớn lên sẽ hành động giúp người và là người có ích cho xã hội” - anh Quang cho biết thêm.
Tham gia trực tiếp vụ việc còn có hai tài xế Phan Văn Tài, Trương Văn Thành (nhân viên lái xe Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Bình Dương).
"Khi chứng kiến cảnh tượng trên, tôi liền tấp xe vào lề. Tôi cùng Thành lao xuống cứu người ngay. Sau đó, tôi liền nhảy lên xe phụ anh Quang để tìm cách giải cứu anh tài xế, rất may Thành mượn được chiếc kéo của người dân gần đó, chúng tôi lấy kéo cắt dây an toàn và đâm thủng túi khí để cứu anh tài xế. Cũng rất may là sau khi cứu người xong, ngọn lửa bùng lên dữ dội. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là phải cứu thật nhanh, mạng sống chỉ tính bằng giây!" - anh Tài chia sẻ.
Còn anh Thành bày tỏ: “Tôi mong muốn sau vụ việc, mọi người hãy cẩn thận hơn khi tham gia giao thông, hãy chú ý và đảm bảo an toàn cho bản thân mình".
Tọa đàm “Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái” hướng tới việc tìm hiểu môi trường giáo dục kỹ năng sống trong trường học, gia đình và xã hội. Trong đó, các phương pháp giáo dục giúp hình thành nhân cách tốt đẹp, xây dựng thế hệ thanh thiếu niên với “Thân khỏe mạnh - Trí tích cực - Tâm yêu thương” được đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ tại tọa đàm với phóng viên, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, đại diện Ban tổ chức nhấn mạnh: “Tọa đàm Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái hướng đến câu chuyện thời sự hơn về giáo dục kỹ năng sống tại Việt Nam cho các bạn trẻ. Tọa đàm nhằm trao đổi, bàn luận về thực trạng giáo dục kỹ năng sống hiện nay tại Việt Nam, từ đó đi tìm các xu hướng và chương trình giáo dục kỹ năng sống phù hợp cho thế hệ gen Z, giúp các bạn trẻ học cách yêu thương và vun bồi lòng nhân ái, phát triển nhân cách tốt hơn, bởi đôi khi do nhịp sống quá tất bật, hối hả mà đâu đó vẫn còn một số bạn trẻ còn thờ ơ, vô cảm với người khác”.
Các nhân vật khách mời đến giao lưu lần này ngoài những chuyên gia trong lĩnh vực kỹ năng sống như bà Chế Ngọc Bảo Trân - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục NQH, chị Hà Nguyễn Hoài Ny - Phó Giám đốc Công ty Kỹ năng sống NQH, diễn giả Kim Sao Nhua - chuyên gia tâm lý và chăm sóc sức khỏe toàn diện…, còn có nhiều người nổi tiếng như ca sĩ Ngọc Ánh, thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương.
Nói về tầm quan trọng của kĩ năng sống cho trẻ, bà Chế Ngọc Bảo Trân - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục NQH – đơn vị đồng tổ chức cho biết: “ Mọi người cũng đã biết môn kỹ năng sống là một phần không thể thiếu để giáo dục các em có thể thích nghi tốt với đời sống cũng như phần nào giúp và hỗ trợ các em học tập tốt. Với tình trạng xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, đặc biệt là sự xâm nhập của nền văn hóa phương Tây, cùng sự phát triển của mạng internet, thông tin số nhanh như vũ bão thì việc giáo dục kỹ năng sống ngày càng cấp thiết nhằm để bồi dưỡng cho mầm non, thế hệ trẻ Việt Nam một cách toàn diện”.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 4 do Báo Thanh Niên phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức. Tính đến ngày 20.8.2024, cuộc thi đã nhận được 250 bài dự thi của các tác giả trên cả nước. Trong đó, các địa phương như Hà Nội (20,4%), TP.HCM (14,4%), Phú Yên (5,6%) là những tỉnh thành có số lượng người tham gia đông đảo nhất. Độ tuổi của các tác giả vô cùng đa dạng, nhỏ nhất chỉ 12 tuổi và lớn nhất đã 84 tuổi. Qua ngòi bút và góc máy của mình, các tác giả đã giới thiệu nhiều tấm gương người tốt việc tốt, những dự án cộng đồng mang tính nhân văn, truyền cảm hứng sống đẹp, góp thêm nhiều "bông hoa" cho "vườn hoa" tươi thắm của lòng nhân.
Ban tổ chức đã chọn lọc và giới thiệu 76 bài viết hay đăng trên Báo Thanh Niên. Hiện cuộc thi vẫn tiếp tục nhận bài dự thi đến hết ngày 30/9/2024. Các tác giả có thể tiếp tục gửi bài dự thi theo nhiều thể loại như ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, ảnh… Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 400 triệu đồng.