Có cơ ngơi bạc tỷ nhờ vốn vay ưu đãi
Ông Đoàn Ngọc Cẩm – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hòa Vang cho biết: "Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Hòa Vang đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Qua đó đã tạo cơ hội cho nhiều hộ dân đổi đời và vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình".
Đến thăm mô hình trang trại kinh tế tổng hợp của ông Trần Tuấn (50 tuổi, trú thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô và tâm huyết của ông dành cho nơi đây.
Ông Tuấn bộc bạch: "Trước đây tôi làm đủ thứ nghề để mưu sinh, nhưng với tình yêu dành cho nông nghiệp, tôi quyết định dốc hết vốn liếng và vay thêm vốn NHCSXH huyện Hòa Vang 150 triệu đồng vào năm 2021 để đầu tư xây dựng trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi heo, bò, gà, cá... với tổng diện tích 3ha.
Vừa làm vừa học hỏi, tôi thích cây gì là trồng cây đó, đến nay vườn đã có hơn 2.000 cây ăn quả các loại như: bưởi, xoài, mít, ổi, mận, chuối, sầu riêng, cau.... Trong đó, tôi trồng 500 cây bưởi, 200 cây mít, 300 cây xoài và chăn nuôi đàn heo rừng khoảng 50 con, đàn bò 15 con".
Sau thời gian phát triển trang trại, ông Tuấn nhận thấy thổ nhưỡng địa phương rất thuận lợi để vườn cây ăn quả sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu miền Trung khắc nghiệt và nhiều mưa bão, ông đã chủ động trồng hơn 1.000 cây cau để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bởi cau là cây trồng lâu năm có khả năng chịu hạn tốt và không sợ ngã đổ khi có mưa bão. Đồng thời giá cau hiện nay đang được thương lái thu mua khá cao. Ông Tuấn ước tính sau 5 năm nữa, vườn cau hơn 2.000 gốc có thể đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ông dự định trồng thêm nhiều cây mít để vừa mở rộng quy mô vườn cây ăn quả, vừa trồng cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao. Ngoài trang trại trồng cây ăn quả và chăn nuôi, ông Tuấn còn có nguồn thu nhập từ trồng 50ha keo lá tràm.
Ông Tuấn hào hứng nói: "Trong thời điểm gia đình tôi đang khó khăn, thì nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tiếp sức kịp thời để tôi đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại. Hiện trang trại còn sơ khai nên tôi chưa có lợi nhuận nhiều, bình quân thu nhập đạt hơn 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và 3 lao động thời vụ tại địa phương. Tôi dự định sẽ vay thêm vốn để đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp thành khu du lịch sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp".
Tiếp tục tiếp vốn cho các đối tượng chính sách
Đi dạo một vòng quanh khu vườn được trồng kín bưởi da xanh của ông Phan Văn Hữu (61 tuổi, trú thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), chúng tôi thấy được công sức ông Hữu đã đổ vào mảnh vườn này, cây lá xanh mướt, hàng trăm cây bưởi da xanh cây nào cũng sum suê, trái to, nhỏ các lứa khác nhau.
Ông Hữu chia sẻ: "Khu vườn này trước kia tôi trồng hồ tiêu nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, nên từ năm 2018 tôi chuyển sang trồng bưởi da xanh và nuôi gà thả vườn. Do thiếu vốn nên quy mô trang trại vẫn còn đơn sơ, tạm bợ. Đến năm 2023, kinh tế gia đình tôi thực sự phất lên từ khi được vay vốn 100 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư phát triển vườn bưởi".
Sản phẩm bưởi da xanh Hòa Ninh được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và được UBND TP.Đà Nẵng công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2021. Để tránh điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa", ông Hữu không trồng bưởi theo cách truyền thống mà học hỏi kỹ thuật trồng bưởi chuyền để thu trái quanh năm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Hữu cho hay, hiện ông đang trồng hơn 250 gốc bưởi da xanh theo phương pháp hữu cơ và cho trái quanh năm. Trung bình cứ 3-4 tháng ông sẽ xuất bán một đợt bưởi với giá 50.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng.
Đặc biệt vào các dịp rằm, lễ, Tết thì nhu cầu thị trường tăng cao, giá bưởi da xanh cũng tăng lên 70.000-100.000 đồng/kg và bán rất chạy, thậm chí không đủ hàng cung ứng cho thị trường.
Hiện nay, trên diện tích hơn 1ha, ông chủ yếu trồng bưởi da xanh và thu lãi 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn trồng thêm mít, chuối, cam, đu đủ, ổi, nuôi gà, cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Vào những dịp cao điểm, ông Hữu thuê thêm 2-3 lao động địa phương để cắt tỉa cành, bao trái, bón phân... với mức lương 300.000 đồng/người/ngày.
"Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà tôi vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập. Tôi mong muốn sắp tới NHCSXH huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục tạo điều kiện để tôi vay thêm vốn chính sách, đầu tư mở rộng thêm 2ha cây ăn quả các loại, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững", ông Hữu tâm sự.
"Vốn tín dụng chính sách thực sự đã trở thành công cụ hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, không chỉ bởi sự ưu đãi về lãi suất cho vay, thủ tục vay vốn nhanh chóng mà còn tạo khả năng tiếp cận vốn thuận tiện giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, giải quyết việc làm....
Qua đó, đã tạo được hiệu quả trong việc cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần ổn định xã hội, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện Hòa Vang...", ông Đoàn Ngọc Cẩm – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang nhấn mạnh.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoà Vang đã giải ngân cho vay được 4.340 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tại địa phương với doanh số đạt 208.185 triệu đồng, doanh số thu nợ cho vay quay vòng đạt 132.565 triệu đồng, tổng dư nợ đạt 938.796 triệu đồng, với gần 17.200 hộ còn dư nợ; tăng trưởng 8,74% so đầu năm. Gắn liền với việc tăng trưởng dư nợ cho vay, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng lên, nợ quá hạn còn 29 triệu đồng chiếm tỷ lệ 0,003%; nợ khoanh còn 59 triệu đồng chiếm tỷ lệ 0,006% trên tổng dư nợ.