TP Bảo Lộc đang tập trung xây dựng nhãn hiệu “Hoa Lan Bảo Lộc” để đưa loài hoa này trở thành thương hiệu đặc trưng của vùng đất B’Lao.
Bảo Lộc được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây là điều kiện thuận lợi, thích hợp để loài hoa phong lan sinh trưởng và phát triển.
Anh Vũ Đức Nghi bên vườn lan rừng công nghệ cao 1 ha tại xã Lộc Thanh (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)
Bảo Lộc cũng là vùng đất sản sinh ra nhiều giống hoa lan rừng quý hiếm trong tự nhiên như hoa lan giả hạc (lan phi điệp), lan rừng trầm tím, hoa lan hoàng thảo cam, thủy tiên trắng…
Để nói về giá trị của các loài hoa, thì phong lan khó có đối thủ và được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loài hoa”. Ông Trịnh Văn Sĩ - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh, Chủ tịch Hội Hoa lan TP Bảo Lộc, cho biết: “Từ việc trồng để thưởng thức, khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào trồng hoa lan theo hướng kinh doanh phát triển mạnh và được lan tỏa khắp thành phố.
Phong trào trồng hoa lan đã dần phát triển thành nghề trồng hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện nay, TP Bảo Lộc đang có khoảng 200 hộ dân trồng hoa phong lan, chủ yếu là các giống lan rừng đã được thuần chủng, lai tạo, có nhiều giống lan quý, hiếm, với tổng diện tích khoảng 40 ha.
Ngoài ra, tại Bảo Lộc còn có nhiều giống phong lan nhập ngoại. Trong đó, có nhiều mô hình hoa lan được đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Tại Hội thi Hoa lan Bảo Lộc năm 2024 có hơn 1.000 tác phẩm hoa lan tham gia trưng bày và dự thi
Cũng theo ông Sĩ, hiện nay, toàn TP Bảo Lộc đang có khoảng 300 loài phong lan các loại; trong đó, có hơn 150 loài được trồng kinh doanh.
Hoa lan Bảo Lộc không chỉ được xuất bán khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, mà còn được xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới. Đặc biệt, các tác phẩm nghệ thuật từ lan rừng của các nghệ nhân tại Bảo Lộc còn thường xuyên đoạt giải cao tại các cuộc thi hoa lan trong phạm vi toàn quốc.
Anh Nguyễn Ngọc Khánh - Chủ vườn lan Khánh Nguyễn (xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc), cho biết: “Với niềm đam mê hoa lan rừng từ nhỏ cùng với cơ duyên đã giúp tôi xây dựng nên vườn hoa phong lan hơn 5 sào nổi tiếng khắp cả nước.
Để có được những giò lan đẹp, quý, người nghệ nhân chăm sóc phải thật rành về dòng hoa lan và phải thật sự yêu thích lan rừng thì mới tạo nên những cực phẩm. Bởi vì, chăm sóc cây hoa lan giống như chăm sóc một đứa con của chính mình, từ lúc vừa sinh ra cho tới khi trưởng thành, trải qua rất nhiều giai đoạn, thay đổi mà ta cần phải nắm bắt và chú ý chi tiết hàng ngày.
Tôi còn xây dựng mô hình cấy mô để nhân rộng các giống lan quý, hiếm cùng chia sẻ, trao đổi với các nhà vườn trong và ngoài địa phương”.
Chính những xáo trộn của cái gọi là “lan đột biến” đã khiến không ít người trồng lan bị ảnh hưởng và phần nào tác động tiêu cực chung đến nghề trồng lan ở Bảo Lộc. Vì vậy, khi được cấp nhãn hiệu bảo hộ là cơ sở quan trọng để nghề trồng lan phát triển bền vững, tránh bị lợi dụng.
Ông Trịnh Văn Sĩ - Chủ tịch Hội Hoa lan TP Bảo Lộc
Tác phẩm hoa lan rừng Hoàng phi hạc của anh Nguyễn Ngọc Khánh (xã Lộc Nga) đoạt giải Nhất tại Hội thi Hoa lan TP Bảo Lộc năm 2024
Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, từ chính sự phát triển và những giá trị mà hoa lan đã và đang mang lại, thành phố đang tiến hành tạo lập, quản lý nhãn hiệu tập thể “Hoa lan Bảo Lộc”. Ngày 31/7, vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định cho phép thành lập Hội Hoa lan Bảo Lộc.
“Sự ra đời của Hội Hoa lan TP Bảo Lộc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động và phong trào phát triển hoa lan của thành phố cả về quy mô và chất lượng.
Các hội viên sẽ được học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng phát triển, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hoa lan đem lại hiệu quả kinh tế cao”, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Văn Phương cho biết thêm.
Vườn lan rừng của ông Trịnh Văn Sĩ tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng luôn thu hút khách đến tham quan và mua phong lan.
Là một trong những chủ vườn lan nổi tiếng tại TP Bảo Lộc, sau gần 6 năm đầu tư, mở rộng diện tích, hiện vườn hoa lan công nghệ cao của anh Vũ Đức Nghi (xã Lộc Thanh) đã rộng tới 1 ha, trồng trên 300 loài với trên 10.000 chậu và giò lan, cả giống bản địa và những giống mới ngoại nhập.
Vườn lan tiền tỉ của anh Nghi được đầu tư hệ thống máy điều hòa nhiệt độ, tưới phun tự động; trồng trên giá thể là dớn và vỏ thông nhập khẩu.
“Quan trọng nhất là điều tiết độ ẩm, khí hậu trong vườn để lan bung nụ và khoe sắc đúng vào dịp Tết đến, xuân về mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường và thị hiếu của người chơi. Đã trồng lan kinh doanh thì sản phẩm mình tạo ra là để phục vụ người tiêu dùng, nên phải có giá cả hợp lý.
Hiện nay, mỗi tháng, tôi xuất vườn cả ngàn chậu hoặc giò lan các loại đi khắp cả nước. Trong đó, nhiều loài hoa được ưa chuộng như hawaii tím, trầm rồng đỏ, thủy tiên trắng, giả hạc chớp Mỹ, hoàng hậu trăm hoa, Dendro…”, anh Nghi chia sẻ.
Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Tôn Thiện Đồng cho biết: Hiện tại, thành phố đang tập trung xây dựng Đề án để Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm hoa lan của địa phương thông qua việc tạo lập và phát triển nhãn hiệu tập thể “Hoa lan Bảo Lộc”.
Đây được xác định là nhiệm vụ hết sức cấp bách và cần thiết mà địa phương đang triển khai. Qua đó, góp phần bảo vệ giá trị, danh tiếng, giúp minh bạch hóa thị trường, nguồn gốc xuất xứ các loại hoa lan trở thành sản phẩm đặc trưng, mang điểm nhấn riêng của Bảo Lộc.
Khi được cấp nhãn hiệu thì nhắc đến Bảo Lộc không chỉ là thủ phủ của trà, tơ lụa mà còn là xứ sở của hoa lan. Từ đó, nghề trồng hoa lan sẽ được phát triển thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người trồng hoa lan để có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hàng năm, Bảo Lộc sẽ tổ chức Hội thi hoa lan vào các dịp đầu xuân nhằm quảng bá, giới thiệu các loài, các giống hoa lan bản địa, các giống lan mới lai tạo, các loài lan được trồng tại Bảo Lộc nói riêng và Lâm Đồng nói chung.
Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo nghệ nhân, nhà vườn hoa lan trên địa bàn thành phố và các địa phương trong, ngoài tỉnh cùng giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại hoa lan có giá trị kinh tế cao.