Nuôi tôm càng xanh toàn đực kiểu lạ, ông nông dân xứ dừa đổi vận, dân tình kéo đến học làm giàu
Nuôi tôm càng xanh toàn đực kiểu lạ, ông nông dân Bến Tre đổi đời, dân tình kéo đến xem
Trần Đáng
Thứ hai, ngày 08/07/2024 18:48 PM (GMT+7)
Với ông Nguyễn Văn Đoàn (xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), để tăng tỷ lệ tôm càng xanh loại 1, đơn giản phải bẻ bỏ càng trong quá trình nuôi tôm càng xanh toàn đực. Cách làm này giúp ông Đoàn đổi đời.
Theo ông Đoàn, trước khi nuôi tôm càng xanh toàn đực, ông đã từng trồng mía, lúa và nuôi tôm sú. Nhưng vì gắn bó với những cây trồng, vật nuôi này đã khiến ông Đoàn "lên bờ, xuống ruộng".
Chưa kịp để khách nghỉ ngơi sau chuyến đi dài, ông Đoàn lôi chúng tôi ra vườn dừa nơi ông có ao nuôi tôm càng xanh toàn đực bấm càng 3 giai đoạn. Khi đi, ông Đoàn không quên với tay lấy cái chài (công cụ bắt tôm, cá) treo sau hè.
Lẽo đẽo theo sau ông Đoàn, tôi chợt nhớ nghe đâu cách bấm càng để tôm càng xanh toàn đực đạt tỷ lệ loại 1 cao là ông Đoàn học từ các nhà khoa học của một trường đại học ở miền Tây Nam bộ. Trong quá trình nuôi tôm, ông Đoàn chỉ phát triển cách làm cho hiệu quả cao hơn.
Cụ thể, ông Đoàn phát hiện trong quá trình nuôi tôm cành xanh toàn đực ông bấm càng đôi khi không đúng kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao. Cuối cùng, ông Đoàn nghĩ ra cách không bấm mà cầm càng tôm cho tôm búng để tự gãy càng. Với cách làm này, ông Đoàn cho rằng tỷ lệ tôm đạt loại 1 cao hơn hẳn.
Sau cú ném chài, ông Đoàn lôi lên từ ao nuôi một mớ tôm càng xanh đang búng tanh tách. Vừa gỡ tôm ra khỏi chài, ông Đoàn vừa cho biết, hiện ông có 3ha trồng dừa hữu cơ, trong đó có 7.000m2 mặt nước. Tận dụng diện tích mặt nước này ông nuôi tôm càng xanh toàn đực.
"Trước đây, tôi nguyên cứu nuôi tôm càng xanh toàn đực bấm càng 2 giai đoạn. Cách làm này mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng từ 2021 đến nay, do nhu cầu thị trường đòi hỏi chất lượng tôm càng xanh cao hơn, nên tôi nghiên cứu tiếp nuôi tôm càng xanh toàn được bấm càng giai đoạn 3", ông Đoàn cười nói.
Theo đó, ở giai đoạn 1, khi tôm càng xanh nuôi được 3 tháng tuổi, ông Đoàn sẽ tách tôm đực, tôm cái ra. Lúc này, ông Đoàn sẽ bấm càng tôm đực. Ở giai đoạn này, tôm được dưỡng nuôi trên ao cạn có mái che. Sau đó, tôm mới đem thả ra ao vườn. Cách làm này giúp ông Đoàn quản lý được dịch bệnh, tăng cao tỷ lệ sống cho tôm.
Trong giai đoạn 2, tôm nuôi được khoảng 5 tháng tuổi, ông Đoàn lại tiếp tục bấm càng. Ông Đoàn sẽ tiếp tục bấm càng tôm lần 3, khi tôm nuôi đạt khoảng 7 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, tôm đã được đưa ra ao vườn nuôi, mật độ thả tôm tùy theo diện tích ao.
Khấm khá nhờ nuôi tôm càng xanh toàn đực
"Việc bấm càng tôm nhằm hạn chế tôm ăn thịt lẫn nhau tránh tình trạng hao hụt đầu con. Đồng thời, tôm ít phát triển càng, tỷ lệ tôm loại 1 đạt cao, giá tôm cao hơn do thương lái ưa thích", ông Đoàn cho biết lợi ích của việc bấm càng tôm trong quá trình nuôi tôm càng xanh toàn đực.
Theo tính toán của nông dân nuôi tôm càng xanh ở ĐBSCL, lợi nhuận bình quân nuôi tôm càng xanh đạt 50 - 70 triệu đồng/ha mặt nước. Nếu nuôi tôm càng xanh toàn đực như ông Đoàn, lợi nhuận sẽ cao hơn 1 - 1,5 lần, bởi giá tôm càng xanh nuôi kiểu này hơn vài chục ngàn đồng mỗi kg so với nuôi thường.
Theo ông Đoàn, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực kết hợp trồng dừa hữu cơ giúp ông có thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực cũng được nông dân các nơi trong ngoài tỉnh đến tham quan học hỏi và phản hồi đây là giải pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế tốt.
Nhờ nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi, năm 2017 ông Đoàn đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre với giải pháp "bấm càng tôm toàn đực". Ông Đoàn cũng được Trung ương HND VN tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" vào năm 2022. Ông Đoàn cũng được tôn vinh là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.