Một nông dân nuôi lươn dày đặc quy mô lớn nhất tỉnh Hòa Bình, nhiều người kéo đến xem

Xuân Tuấn Thứ tư, ngày 12/04/2023 18:45 PM (GMT+7)
Từng tán gia bại sản vì chăn nuôi, nhưng bây giờ anh Bùi Văn Công (xóm Miền Liên Kết, xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) đang sở hữu trại nuôi lươn dày đặc lớn nhất Hòa Bình. Chàng trai đất Mường này còn đang lên kế hoạch chế biến lươn thành sản phẩm ăn liền.
Bình luận 0

Nuôi lươn không bùn dày đặc nhàn nhã, thu nhập ổn định

Trong chuyến công tác về huyện Yên Thủy mới đây, tôi có may mắn được gặp anh Công, chủ trại nuôi lươn. Chàng trai đất Mường có quá khứ ngang dọc, từng tán gia bại sản vì chăn nuôi, giờ lại thành công nhờ nuôi lươn. Trại lươn của anh trở thành địa chỉ uy tín về cung cấp con giống cho bà con miền Bắc.

Hôm chúng tôi đến thăm, anh Công đang tiếp rất nhiều đoàn khách. Người đàn ông đất Mường có dáng người thấp đậm, rắn rỏi, cười nói rôm rả đón khách như những người thân trong nhà. Những người tìm đến trang trại của anh là nông dân ở các nơi. Ai có nhu cầu ở lại, anh cũng sẵn sàng dọn phòng, mời cơm với các món lươn đậm chất Mường.

“Vua” lươn ở xứ Mường - Ảnh 1.

Anh Công (phải) chăm sóc lươn nuôi trong bể xi măng của gia đình tại Bùi Văn Công (xóm Miền Liên Kết, xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình). Ảnh: X.T

Tính tình xởi lởi, dễ gần nên hầu như ai đến chỗ anh cũng hoan hỉ và tìm được phương án chăn nuôi mới cho mình. 

Trại nuôi lươn của anh nằm sâu trong xóm Miền Liên Kết, có mái tôn cứng, tường bao và hệ thống bạt rủ hiện đại. Hệ thống nước được anh đầu tư bài bản. Đường nước ra vào liên thông tự động. Từng bể lươn to rộng, tròn vành vạnh như cái giếng nối liền nhau kéo dài tít tắp.

Trong mỗi bể, cả mấy nghìn chú lươn to bằng chuôi dao, thân dài óng ánh xếp chồng lên nhau. Nhìn bể lươn không ai nghĩ rằng trị giá của nó lên tới nửa tỷ đồng. "Đám này được 3 lạng rồi, sắp được xuất. Giá bán hiện tại là 240.000 đồng/kg. Tính ra mỗi con lươn mang lại 80.000 đồng" - anh Công nói.

Trại của anh Công có 20 bể lươn thương phẩm. Ngoài ra còn có khu nuôi lươn sinh sản. "Của chìm, của nổi" của anh Công nằm cả ở các bể lươn. Chỉ cần nhìn đám lươn bơi lội trong bể, anh Công có thể nắm được sức khỏe của chúng. 

"Da lươn nuôi cứ sáng bóng, đến bữa đổ xô đến tranh ăn là mình kê cao gối mà ngủ. Bữa nào chúng bỏ ăn, hay hoạt động ít, da xám màu là coi chừng mất tiền triệu như chơi" - anh Công chia sẻ.

Chúng tôi nhìn những con lươn dày đặc, xếp chồng lên nhau mà không hiểu sao chúng vẫn sống và phát triển được. Anh Công lý giải, bí quyết nằm ở khâu cho ăn và điều chuyển nước trong bể.

“Vua” lươn ở xứ Mường - Ảnh 3.

Anh Công đã thành công đưa nghề nuôi lươn không bùn về xứ Mường. Trang trại nuôi lươn không bùn của anh Công có quy mô lớn nhất tỉnh Hòa Bình. Ảnh: X.T

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi công nhân xách 2 thùng thức ăn tới. Trong thùng là cả triệu con giun quế đỏ ỏn. Người công nhân múc từng bát thức ăn đổ vào bể. Thấy mùi thức ăn, đám lươn bò loạn xạ như bầy ong vỡ tổ. Mỗi bể anh Công đổ 3 bát, tương đương 3kg giun quế.

Anh Công cho biết giun quế tự nuôi nên thức ăn cho lươn luôn chủ động. Ngoài ra lươn còn ăn thịt gà, thịt trâu, thịt lợn… 

Với thời giá hiện tại, nuôi lươn đang mang lại thu nhập rất cao. Anh Công phân tích, mua 1 con giống mất khoảng 6.000 đồng, tiền thức ăn hết khoảng 20.000 đồng. Trừ tiền nước, tiền điện, công chăm sóc, mỗi con lươn có thể mang lại lợi nhuận 30.000 - 40.000 đồng/năm.

"Bà đỡ" mát tay cho đàn lươn đẻ

Nuôi lươn thương phẩm hốt bạc là vậy, nhưng làm cho con lươn sinh sản để bán giống mới mang lại lợi nhuận cao. 

Mấy năm đầu, anh Công phải bỏ tiền ra mua giống với giá cao. Vốn là người ham học hỏi, anh liền khăn gói vào miền Nam để nhận chuyển giao công nghệ nhân giống lươn. Chuyến đi này của anh cũng phải trả cái giá tương đối cao, gần 200 triệu đồng.

Khi làm chủ được quy trình cho lươn sinh sản, lợi nhuận theo đó cũng sinh sôi nhiều hơn. Hiện anh đang có 500 con lươn sinh sản, mỗi năm cung cấp ra thị trường vài chục vạn con giống.

Nuôi lươn có lịch sử nhiều năm, đặc biệt là ở miền Nam, bà con nông dân đã nuôi rất thành công. Ở miền Bắc có cái khó là lươn phát triển chậm vào mùa đông. Trời lạnh dưới 15 độ là chúng dừng ăn và không sinh sản. 

Nắm được điều đó, thay vì để chuồng trại thông thốc gió lùa, mùa đông anh Công quây bạt giúp tăng nhiệt độ trong chuồng. Anh còn nghiên cứu đưa ra "thực đơn" hợp lý cho lươn sinh sản, ăn vào ngày đông .

So với các con vật nuôi khác như lợn, gà, bò, trâu, lươn thuộc diện siêu đẻ. Theo anh Công, cứ 20 ngày chúng lại đẻ một lần, mỗi lần 700 trứng. Khi đó anh gom trứng lại rồi khử khuẩn, đưa vào lò ấp. Mối lứa ấp, số lượng con thu được khoảng 40-50%. Nuôi phôi khoảng 3 tháng, xuất bán với giá từ 5.000-6.000 đồng/con. Như vậy, mỗi con lươn mẹ một năm cho ra đời khoảng 4.000 con lươn con, tương đương 23 triệu đồng.

Nghe anh Công nói, nuôi lươn đang là nghề hốt bạc, nhưng để có được thành công như ngày hôm nay anh đã trải qua không ít lận đận.

Anh Công (sinh năm 1978), mười mấy tuổi đầu đã nghỉ học theo các bô lão đi buôn gỗ. Hành trình kiếm miếng ăn từ rừng mà "dưng dưng nước mắt", anh đã nhiều phen va chạm với những thành phần bất hảo.

Năm 2015, anh giã từ sự nghiệp buôn gỗ về quê làm nông nghiệp. Cũng trong năm đó anh lấy vợ rồi sinh con. Ở quê chỉ có đồng ruộng và đất đồi, con cái ra đời, anh phải tính làm gì để kiếm ra tiền nuôi chúng. Anh nhảy vào trồng 1,5ha bưởi, nuôi lợn, nuôi gà, giun quế.

Vốn là trai Mường nên anh chịu thương chịu khó, hết ở chuồng lợn lại lên đồi chăm cây. Làm quần quật đêm hôm, năm này qua năm khác, cuối cùng anh thu được cả "đống nợ" vì đúng lúc giá lợn xuống đáy, giá cám thì tăng cao. 

Niềm hy vọng cuối cùng của anh là đồi bưởi, khi anh trồng cây giá bán 35.000 đồng/quả, nhưng đến lúc vườn được thu hoạch thì bán 10.000 đồng 3 quả mà không có người mua. Thất bại nối tiếp thất bại khiến anh rơi vào cảnh nợ nần.

Trong lúc khó khăn nhất, anh quyết định đi lang thang khắp miền để xem bà con nông dân làm ăn kiểu gì. Như một duyên phận, anh gặp được những đại gia nuôi lươn ở miền Nam. Anh Công đánh liều đi vay tiền và đầu tư nuôi lươn, từ đó dần có thu nhập ổn định. Nhờ trại lươn mà giờ anh đã trả hết nợ, gây dựng được cơ nghiệp cho riêng mình.

Hiện anh Bùi Văn Công đang hoàn thiện hồ sơ để sản phẩm lươn đông lạnh được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình. Anh đã liên kết với 17 hộ dân nuôi lươn không bùn khác, lo lươn giống và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Anh Công còn đang lên kế hoạch chế biến sản phẩm súp lươn và miến lươn đóng gói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem