Joseph Krame, người bắt được mẫu vật này, đã tặng con tôm hùm quý hiếm của mình cho Trung tâm Khoa học Bờ biển (Seacoast Science Center) tại Rye, New Hampshire. Con tôm hùm được cho là "khỏe mạnh và ăn uống tốt” và hiện có thể tham quan công khai, theo Karen Provazza, một nhân viên của Trung tâm Khoa học Bờ biển, cho biết qua email với Live Science.
Tôm hùm thường có màu nâu đốm giúp chúng ngụy trang dưới đáy đại dương. Tuy nhiên, loài động vật giáp xác này có thể được tìm thấy với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng ít phổ biến hơn, bao gồm cam, xanh dương, và thậm chí có sự pha trộn giữa hai tông màu. Nguyên nhân của sự biến thể ở tôm hùm là do đột biến gen thay đổi một loại sắc tố mà chúng tiêu thụ.
Tất cả tôm hùm đều hấp thụ một sắc tố đỏ, gọi là astaxanthin, từ thực vật và các động vật giáp xác nhỏ mà chúng thường ăn. Chính sắc tố này làm cho tôm hùm có màu đỏ nổi bật sau khi nấu chín và tạo ra vẻ ngoài nâu đốm tự nhiên của chúng.
Vỏ của tôm hùm được cấu tạo từ nhiều lớp: đầu tiên là lớp da, sau đó là hai lớp vỏ. Sau khi tiêu hóa, sắc tố đỏ được lưu trữ trong lớp da. Sắc tố này sau đó di chuyển vào lớp vỏ dưới, nơi có màu xanh dương, do tương tác với các protein có trong vỏ làm xoắn sắc tố. Cuối cùng, khi sắc tố di chuyển vào lớp vỏ trên, nó tương tác với các protein khác để tạo ra sắc vàng.
Vì vậy, khi nhìn vào một con tôm hùm, thực tế chúng ta đang nhìn qua từng lớp của nó - một lớp màu vàng, một lớp màu xanh dương và một lớp màu đỏ. Điều này tạo ra vẻ ngoài nâu đốm của tôm hùm. Việc nấu chín tôm hùm làm phá vỡ các protein, trả lại sắc tố astaxanthin về màu đỏ đặc trưng của nó.
Sự biến thể trong màu sắc của tôm hùm đến từ các đột biến gen làm thay đổi cách sắc tố này tương tác với các protein trong lớp vỏ. Tôm hùm xanh dương mang đột biến sản xuất nhiều protein ở lớp vỏ dưới hơn, kéo nhiều sắc tố đỏ từ da vào lớp vỏ. Đột biến này xuất hiện với tỉ lệ khoảng 1 trong số 2 triệu con tôm hùm.
Tôm hùm "kẹo bông gòn" còn hiếm gặp hơn nữa - xảy ra với tỷ lệ khoảng 1 trên 100 triệu. Nguyên nhân chính xác của sự thay đổi màu sắc này hiện chưa được làm rõ, nhưng người ta cho rằng có điều gì đó đã làm rối loạn quá trình tạo màu bình thường, cho phép nhiều sắc tố đỏ astaxanthin được nhìn thấy qua lớp màu xanh dương. Kết quả là "sự pha trộn của các màu hồng và tím trên nền xanh dương, giống như chiếc kẹo bông gòn”, Provazza nói.
Ngoài DNA của tôm hùm, chế độ ăn uống cũng có thể thay đổi màu sắc lớp vỏ của nó. Cường độ các màu sắc trong tôm hùm với đột biến có xu hướng màu sắc nhất định sẽ phụ thuộc vào chế độ ăn uống của chúng. Ví dụ, nếu tôm hùm chủ yếu ăn cá mồi, chúng sẽ tiêu thụ ít astaxanthin hơn so với chế độ ăn uống của tôm hùm thông thường với cua và tôm giàu astaxanthin.
Vậy tại sao các biến thể màu sắc của tôm hùm lại hiếm đến vậy? Trước tiên, các đột biến cơ bản của các biến thể này xảy ra với tỷ lệ rất thấp. Thêm vào đó, tôm hùm có màu sắc sáng dễ bị lộ trên đáy đại dương, khiến chúng có nguy cơ bị săn mồi cao hơn, làm giảm cơ hội sống sót đủ lâu để truyền lại gen của chúng.
Con tôm hùm “kẹo bông gòn”, được ước tính từ 8 đến 10 tuổi, sẽ dành quãng thời gian còn lại tại Trung tâm Khoa học Bờ biển ở New Hampshire (Hoa Kỳ), được bảo vệ khỏi kẻ thù và các buổi nướng tôm hùm mùa hè tại New England. Nó hiện chung sống với một con tôm hùm “kẹo bông gòn” khác được bắt vào tháng 11 năm 2021.