Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan.
Cơ quan An ninh điều tra đề nghị truy tố 15 bị can. Trong đó, ông Lê Đức Thọ, cựu Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và Nhận hối lộ.
Theo cáo buộc, năm 2018, ông Lê Đức Thọ khi là Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, có thẩm quyền phê duyệt hạn mức, cấp giới hạn tín dụng và xem xét, phê duyệt hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. Cuối năm 2021, ông Thọ làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Từ năm 2019 đến 2021, ông Thọ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để nhận hối lộ và gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Cụ thể, trong việc Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, từ năm 2019 đến tháng 1/2020, ông Thọ đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) của Mai Thị Hồng Hạnh.
Ông Thọ cũng bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc Vietinbank chi nhánh Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%.
Theo kết luận, ông Thọ nhiều lần nhận tiền, tài sản có giá trị từ bà Mai Thị Hồng Hạnh, gồm 200.000 USD (4,5 tỷ đồng), một bộ golf (trị giá 1,1 tỷ đồng), một đồng hồ Patek Philippe (trị giá 421.000 USD - tương đương 9,855 tỷ đồng), một ôtô hiệu Mercedes Benz S450 (trị giá 6,669 tỷ đồng).
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật quy định hành vi nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ quyền hạn, đã sử dụng chức vụ quyền hạn như một công cụ để đổi lấy lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp.
Hành vi nhận hối lộ kéo theo hành vi đưa hối lộ, đó là sự thỏa thuận giữa người có chức vụ quyền hạn với người khác về việc họ sẽ nhận được lợi ích và đổi lại họ sẽ thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Bởi vậy, để có căn cứ xử lý ông Thọ về tội nhận hối lộ, cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh có sự thỏa thuận với đại diện doanh nghiệp về việc sẽ nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài lời khai nhận tội của các bị can, lời khai của người làm chứng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào các chứng cứ vật chất khác như thông tin cuộc gọi, tài khoản ngân hàng, tin nhắn và các tài liệu chứng cứ khác để chứng minh có việc thỏa thuận, có việc chuyển tiền và thực hiện các công việc theo yêu cầu của người đưa tiền để chứng minh hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự, hành vi nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người thực hiện hành vi này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng, bản thân có nhiều thành tích trong quá trình học tập, công tác...có thể được xem xét áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự để chuyển khung hình phạt sang khung liền kề nhẹ hơn hoặc khung thấp nhất của tội danh.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 358 Bộ luật hình sự, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi cũng có hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Bởi vậy, trong trường hợp bị kết tội về 2 tội danh, ông Thọ sẽ đối mặt với khung hình phạt rất nghiêm khắc.
Về bộ golf (trị giá 1,1 tỷ đồng), đồng hồ Patek Philippe (trị giá 421.000 USD - tương đương 9,855 tỷ đồng), một ôtô hiệu Mercedes Benz S450 (trị giá 6,669 tỷ đồng)…mà ông Lê Đức Thọ bị cáo buộc đã nhận hối lộ, ông Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tài sản này có nguồn gốc từ đâu, có phải là tiền đưa hối lộ hay không hoặc có nguồn gốc phạm tội khác hay không để xem xét giải quyết.
Số tài sản trên được xác định là vật chứng của vụ án. Việc xử lý vật chứng của vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 7 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP.
Cụ thể, theo quy định trên, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được sẽ bị tịch thu và tiêu hủy…
Như vậy, nếu các tài sản trên được xác định là do phạm tội mà có, sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước.