Vô tư dừng xe tạo dáng trước camera giao thông ở Hà Nội
Những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện clip kèm thông tin về việc nhiều người dừng xe tạo dáng để được camera giao thông ghi hình, tại khu vực trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Theo nội dung clip, vào buổi tối, nhiều nam nữ thanh niên khi đi qua đoạn đường này đều dừng lại trước ống kính camera giao thông để được ghi lại hình ảnh. Đáng nói, khu vực này nằm dưới lòng đường, rất dễ xảy ra tai nạn khi nhiều phương tiện dừng đỗ.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, khu vực xảy ra tình trạng trên là đường Triệu Quốc Đạt, thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (cổng phụ Bệnh viện Phụ sản Trung ương).
Theo vị này, hiện nay có một ứng dụng tên là "iHanoi app". Người dân có thể truy cập vào ứng dụng này, rồi vào mục camera giao thông để xem được hình ảnh từ các camera giao thông đó. Nhiều bạn trẻ hiện nay có trào lưu tạo dáng trước camera giao thông rồi vào ứng dụng này để cắt lại hình ảnh.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc nhiều người tập trung đông dưới lòng đường tạo dáng chụp ảnh trước camera giao thông rất dễ gây nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Quận sẽ giao lực lượng chức năng kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn, trật tự tại khu vực nêu trên.
Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, nhiều người có những hành động chiếm dụng lòng đường để chụp ảnh, quay video nhằm mục đích đăng tải lên mạng xã hội.
Việc này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như mỹ quan đô thị.
Theo luật sư Thơ, nhiều người không nắm rõ những hành động này là vi phạm pháp luật, cũng không ít trường hợp cố tình để quay video, chụp ảnh đánh bóng bản thân.
Vì vậy, cần có những hình phạt thích đáng đối với từng trường hợp cụ thể nhằm tạo sức răn đe trước khi xảy ra sự cố đáng tiếc.
Việc tự ý chiếm dụng đường giao thông để thực hiện biểu diễn, chụp ảnh quay video, tùy vào mức độ ảnh hưởng đến xã hội mà cơ quan công an có thể xử phạt đối với các hành vi như gây rối trật tự công cộng hay hành vi tập trung đông người trái phép gây cản trở giao thông.
Trường hợp hành vi được xác định rất nghiêm trọng, đến mức phải xử lý hình sự, người vi phạm sẽ bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự.
Điều này quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Còn trường hợp hành vi được xác định chưa đến mức bị xử hình sự, người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt có thể bị phạt từ 100 đến 200 nghìn đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Trong khi đó, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho rằng, hành vi của các bạn trẻ trong clip có thể chỉ vì mục đích tạo clip để đăng tải lên mạng xã hội.
Nhưng nếu việc này tiếp diễn nhiều lần hoặc việc dừng xe giữa đường tạo dáng gây cản trở giao thông hoặc gây tai nạn giao thông, hậu quả nghiêm trọng xảy ra, hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng; tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ.
Nói về hành vi gây rối trật tự công cộng, bà Dung cho biết, đây là hành vi làm cho trật tự công cộng không còn đi vào nề nếp, quy củ. Làm cho các quy tắc chuẩn mực sinh hoạt nơi công cộng bị rối lên và có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân, cản trở hoạt động giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động học tập, làm việc, vui chơi giải trí…
Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng như cản trở giao thông đường bộ, dừng đỗ xe sai quy định trên đường giao thông hoặc có hành vi khác vi phạm giao thông được bộ mà gây hậu quả ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự.
"Vì vậy trong mọi hành động cần suy nghĩ thấu đáo, đừng vì sự nổi tiếng ảo trên mạng xã hội mà làm ảnh hưởng đến người khác và có thể tự đẩy mình vướng vào lao lý" – bà Dung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, anh Ngô Long (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hành động dừng xe tạo dáng trước camera giao thông của các bạn trẻ có thể xuất phát từ sự vô tư nhưng lại tiềm ẩn nguy hiểm.
Thực tế, đã có nhiều hành động tương tự bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí là xử hình sự. Bởi vậy, mong các bạn hãy rút kinh nghiệm trước khi những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.