Theo ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục trong tỉnh Bình Thuận đã hoàn chuẩn bị chu đáo để đón các em học sinh đến trường trong năm học mới 2024-2025.
Tại buổi kiểm tra cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới, Ban giám hiệu Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, năm học 2024 – 2025, trường có tổng số 1.004 học sinh/23 lớp, tăng hơn so với năm học trước 70 học sinh/2 lớp.
Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã chủ động rà soát, sửa chữa bàn ghế bố trí đủ số bàn ghế cho 23 phòng học. Bên cạnh đó nhà trường đặt mua sách giáo khoa, sách cho giáo viên tham khảo và nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng...
Bên cạnh đó, nhà trường đã tham mưu cho Sở GDĐT danh mục thiết bị tối thiểu để đấu thầu mua sắm và trang bị cho đơn vị, đặt mua thiết bị, hóa chất cần thiết cho các tiết thực hành bộ môn.
Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã La Gi), ban giám hiệu nhà trường cho biết, năm học 2024 – 2025, nhà trường đón 1.620 học sinh/39 lớp. Cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Tất cả các phòng đều được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị dạy học… Đặc biệt, năm học 2023 - 2024, tỉ lệ học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ đậu tốt nghiệp đạt 100%. Việc này đã ghi dấu mốc 5 năm liên tục nhà trường đạt thành tích này.
Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng trong công tác chuẩn bị của các trường và sự quan tâm vào cuộc lãnh đạo chỉ đạo của Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cũng đề nghị Sở GDĐT phối hợp cùng các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương và các trường học tiếp tục rà soát lại để có phương án bổ sung đảm bảo cơ sở vật chất, sẵn sàng cho năm học mới.
Cùng với đó, có phương án, tính toán cụ thể để lập kế hoạch điều động, luân chuyển đội ngũ giáo viên sao cho bảo đảm hài hòa với nhu cầu chung, đáp ứng được yêu cầu dạy học nhưng vẫn phải đáp ứng được tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh cá nhân của từng giáo viên.
Khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, tăng cường huy động, bố trí nguồn lực để bổ sung thêm các thiết bị dạy học còn thiếu. Khẩn trương khảo sát, đầu tư, xây dựng trường học đạt theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia và có tính lâu dài.
Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng lưu ý các trường phải chú ý đến công tác vệ sinh môi trường, cảnh quang xung quanh trường học, đặc biệt là khu vực nhà vệ sinh cho học sinh; tăng cường phát động trồng hoa, cây xanh trong khuôn viên nhà trường nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, văn minh…
Theo bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có 531 trường công lập/574 trường với hơn 300.000 học sinh. Về chuẩn bị cơ sở vật chất năm học mới, Sở GDĐT đã chỉ đạo các trường học trực thuộc phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học.
Trong đó, ưu tiên các hạng mục công trình như: phòng học, phòng học bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm sáng - xanh - sạch - đẹp, đảm bảo các điều kiện dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Toàn, năm học 2024-2025, Sở GDĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có sao cho phù hợp để ổn định biên chế trường lớp đầu năm cho các cấp học.
Trường hợp thiếu giáo viên, Sở GDĐT sẽ thực hiện hợp đồng, thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo tinh thần Công văn số 2202/SNV-TDĐT&VTLT ngày 5/9/2023 của Sở Nội vụ về việc triển khai Công văn số 4692/BNV-TCBC ngày 21/8/2023 của Bộ Nội vụ).
Theo UBND huyện Tánh Linh (Bình Thuận), năm nay huyện đã triển khai thực hiện nâng cấp sửa chữa các hạng mục công trình cho 49 trường học trên địa bàn huyện trước khi bước vào năm học mới, với tổng kinh phí khoảng 18 tỷ đồng.
Hiện nay, công tác sửa chữa ở các trường đã hoàn thành để phục vụ năm học mới. Bên cạnh đó, huyện Tánh Linh cũng mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các đơn vị trường học trên địa bàn huyện gồm tivi và máy vi tính với tổng dự toán 3 tỷ đồng, đảm bảo đáp ứng đúng theo nhu cầu dạy và học.
Còn tại huyện Hàm Thuận Bắc, tình hình cơ sở vật chất các trường đến nay ổn định, đảm bảo 100% số lớp học 2 buổi/ngày đối với cấp mầm non và tiểu học.
Cấp mầm non có 218 phòng học; cấp tiểu học có 621 phòng học và cấp THCS có 269 phòng học. Trong đó, có 26 phòng học được xây mới, gồm cấp mầm non 10 phòng và cấp tiểu học 16 phòng.
Về thiết bị dạy học các trường cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Được biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Thuận Bắc đang thực hiện quy trình mua sắm thiết bị dạy học cấp mầm non và lớp 4, lớp 8 cho các trường.
Riêng UBND huyện Hàm Thuận Bắc ưu tiên 3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2024 để mua sắm bàn ghế cho học sinh. Về sách giáo khoa, 100% trường học đảm bảo đủ sách giáo khoa cho tất cả học sinh học tập trong năm học mới.
Cùng với đó, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Trường THCS Nguyễn Du (huyện Đức Linh) vừa hoàn thành 2 công trình hành lang cổng trường và mái che sân tập thể dục nhằm tránh nắng, tránh mưa cho học sinh và kịp đưa vào sử dụng cho khai giảng năm học mới 2024 - 2025.
Đây cũng là 2 tiêu chí quan trọng để nhà trường hoàn thành mô hình "Cơ sở giáo dục điển hình" về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" giai đoạn 2022 - 2025 được các cấp phát động và kỳ vọng.
Hiện nay các trường đã tổ chức thực hiện vệ sinh trường, lớp, khuôn viên trường học sạch sẽ, thông thoáng để đón học sinh. Cùng với đó, chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng về mọi mặt cho Lễ khai giảng năm học mới với tâm thế tự tin, phấn khởi bước vào năm học mới.
An toàn giao thông dịp đầu năm học mới
Nhằm chuẩn bị năm học 2024 – 2025, và hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh.
Để đảm bảo ATGT cho học sinh đến trường, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp thực hiện nghiêm Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Công an tỉnh về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương, đơn vị liên quan sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi phạm của học sinh, việc học sinh gửi xe ở khu vực cổng trường để có biện pháp tuyên truyền, xử lý phù hợp, hiệu quả.
Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón học sinh vi phạm trật tự ATGT tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết đình chỉ không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.
Lực lượng Công an toàn tỉnh cũng sẽ tập trung điều tra đối với các vụ TNGT liên quan đến học sinh. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với không gian mạng, kịp thời đề nghị ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin tác động tiêu cực đến học sinh.
Thường xuyên rà soát, kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục những bất cập về ATGT, triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT khu vực trước cổng trường học. Chủ động theo dõi, phát hiện, kịp thời kiến nghị khắc phục các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" TNGT và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông tại các khu vực trường học.
Triển khai các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông, tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông khoa học, hợp lý tại các khu vực trường học. Kế hoạch xác định, trưởng công an các địa phương, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh trên tuyến, địa bàn phụ trách.