Những cánh cửa mới được sơn, sắc đỏ vẫn chói ngời dưới ánh đèn buổi tối.
Bọn trẻ thành phố, dù không ít lúc vô tâm, dù có đầy thứ khác làm chúng thích thú, dù có thể chúng chụp ảnh theo trend cờ đỏ sao vàng ngày Quốc khánh, nhưng việc các bạn ấy muốn ghi lại khoảnh khắc của mình với lá cờ làm biết bao người đi đường phải ngoảnh nhìn.
Tôi có dịp cùng nhóm bạn chạy xe từ Hà Nội vào Đà Nẵng hạ tuần tháng Tám. Dọc những tuyến quốc lộ, đôi khi chúng tôi cũng gặp các cửa hàng, các gia đình vẽ quốc kỳ lên cửa. Bắt đầu từ bức ảnh một bạn trẻ sơn cờ đỏ sao vàng lên mái nhà – mà có người bảo là ảnh photoshop, tôi không chắc lắm, nhưng cuối cùng đã thành một trào lưu.
Lá cờ ấy, biết bao người đã ngã xuống để có một Việt Nam yên bình như ngày nay. Nghĩ về người đi trước để tiếp tục giữ gìn giữ sự bình yên và tiếp tục dựng xây đất nước. Mà có khi các bạn trẻ cũng không nghĩ sâu như thế khi sơn cờ lên cửa, chỉ cần một cảm hứng yêu nước để có ý thức cộng đồng nhiều hơn, hành động tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy lá cờ Việt Nam ở nước ngoài khi còn là một phóng viên trẻ, trong một chuyến công tác đến trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneve. Ở đó, lá Quốc kỳ Việt Nam hiên ngang bay phấp phới cùng quốc kỳ của gần 200 nước khác.
Đấy là lúc bài học trong sách thành sự thật. Để lá cờ Việt Nam treo ở Liên Hợp Quốc như thế, chúng ta đã trải qua biết bao cuộc đấu tranh gian khó, mới có ngày những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên quảng trường Nhà hát Lớn 2/9/1945, trước cửa hầm De Castrie ở Điện Biên ngày 7/5/1954, hay ở dinh Độc Lập tại Sài Gòn ngày 30/4/1975...
Chuyến công tác ấy là vào thời gian Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ với Mỹ được vài năm, vừa gia nhập ASEAN và đang trên chặng đường đầu tiên hội nhập với thế giới. Lá cờ Việt Nam đã đi cùng lịch sử qua các cuộc kháng chiến của dân tộc, nhưng chưa nhiều dấu ấn trên trường quốc tế trong hòa bình.
Nhưng rất nhanh chóng, cờ đỏ sao vàng được kéo lên ngày càng nhiều trong những sự kiện. Đấy có thể là khi vang lên tiếng gõ búa để Việt Nam gia nhập WTO, khi Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế như APEC, ASEAN, khi Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an hay các tổ chức quốc tế khác, cùng Phái bộ gìn giữ hòa bình Việt Nam ở Châu Phi, khi vận động viên Việt Nam giành được huy chương ở các đấu trường thế giới, khi các em học sinh đi thi quốc tế…
Dù chỉ nhìn qua màn hình tivi, chắc hẳn nhiều người chúng ta đủ biết ơn và tự hào. Lá cờ Tổ quốc đánh dấu thành tựu mỗi lúc một lớn hơn của đất nước, khi vị thế Việt Nam ngày càng gia tăng trên thế giới.
Mỗi chuyến đi vùng sâu vùng xa, nhìn lá cờ đỏ sao vàng trước một đồn biên phòng, một cửa khẩu, một cột cờ vùng phên giậu đất nước, những cảm xúc đẹp đẽ cũng trở lại để nhắc nhở chúng ta về ý thức công dân.
Đồng nghiệp đi Trường Sa về kể, bạn đã chảy nước mắt mỗi lần tàu cập vào một hòn đảo hay nhà giàn trên hành trình, gặp gỡ các chiến sĩ và mỗi lần thực hiện lễ chào cờ trên tàu, trên đảo…
Không phải đến năm nay mới có trào lưu treo cờ Tổ Quốc. Những năm gần đây lá cờ đỏ sao vàng hiện diện nhiều hơn trên những nẻo đường tôi qua, từ Hà Giang tới Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… Bất kỳ ở nơi nào. Trong những đường phố, chung cư, ngõ xóm…
Anthony, một anh bạn người Úc nói với tôi rằng thật tuyệt khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng có mặt khắp nơi, nhất là dịp Quốc Khánh.
Sống ở Việt Nam đã gần 10 năm, anh thấy Việt Nam là một xã hội đồng nhất và yêu nước, rất đoàn kết, một sự đoàn kết đã bị pha loãng ở nhiều nước phương Tây. "Tình cảm mà người Việt Nam dành cho đất nước và lá cờ của mình là nguồn sức mạnh và tự hào dân tộc cho Việt Nam" – Anthony chia sẻ.
Vì thế, tôi nghĩ rằng hãy ủng hộ trào lưu sơn cờ lên cửa, lên mái nhà của các bạn trẻ. Không cần phải lo nó sẽ bạc màu hay sẽ có những ứng xử không đúng mực này khác.
Tất nhiên có thể có những người không tôn nghiêm, nhưng chắc phần lớn trước lá cờ Tổ Quốc, mọi người sẽ biết đúng sai. Lá cờ bạc màu thì sẽ có người sơn lại, hoặc thậm chí cả khi không sơn lại, đã có khoảng thời gian để nhiều người chiêm ngưỡng, trên mái nhà, trên cánh cửa, trong lòng mình.
20 năm trước, tôi có dịp đến Mỹ, đó là lúc đã 3 năm sau vụ khủng bố 11/9/2001. Lá cờ Mỹ được treo khắp nơi, chưa nói ở những tòa nhà cơ quan chính phủ, các tòa nhà thương mại, mà trước ban công, trên bãi cỏ từng ngôi nhà. James, một anh bạn làm cho một cơ quan chính phủ Mỹ, nói rằng anh đi công tác nước ngoài vài năm từ trước vụ 11/9, và khi trở về sau vụ khủng bố, chính anh rất ngạc nhiên khi thấy lá cờ Mỹ hiện diện khắp nơi.
Khi đó, người Mỹ phải có một biến cố rất lớn để họ thấy rằng cần phải thể hiện lòng yêu nước, tình đoàn kết của mình.
Còn Việt Nam, đất nước đã có quá nhiều biến cố trong lịch sử, chúng ta không cần có thêm một biến cố nào nữa. Những cuộc chiến tranh đã trải qua, những mất mát đã trải qua, những sự cố gần đây gây bất ổn an ninh trong nước – Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Tâm, Đắk Lắk, đã quá đủ để người Việt hiểu hòa bình quý giá chừng nào.
Lá cờ đỏ sao vàng đêm qua đã không hạ xuống trên Quảng trường Ba Đình, để tung bay từ những giờ phút đầu tiên của ngày Quốc khánh, như một biểu tượng cho đất nước mãi trường tồn.
Lá cờ trên tay những em nhỏ đi chơi cùng bố mẹ trong những ngày này, trên những ban công, những taxi, những màn hình quảng cáo.
Đấy chính là tình yêu đất nước trong mỗi chúng ta.