Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Giữa biển khơi mênh mông, lá cờ Tổ quốc luôn tượng trưng cho hình hài đất nước, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, giúp ngư dân chúng tôi vững tin làm kinh tế, bám biển bảo vệ chủ quyền trước muôn vàn thử thách của sóng gió, của tàu nước ngoài luôn xua đuổi, cố tình đâm va.
Gần 30 năm lăn lộn với biển cả, tôi luôn giữ cho lá cờ Tổ quốc trên con tàu của mình nguyên vẹn hình hài. Mỗi chuyến ra khơi tôi và những người bạn thuyền chưa bao giờ thiếu vắng lá cờ Tổ quốc, luôn xem lá cờ Tổ quốc là linh hồn của chiếc tàu trong suốt quá trình bám biển. Đó không chỉ là dấu hiệu để các bạn tàu nhận ra nhau, giúp đỡ nhau mà còn là những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Ngoài lá cờ treo trên mũi tàu mỗi khi đi đánh bắt, chúng tôi còn mang thêm vài lá cờ để thay mỗi khi bị gió thổi rách hay nắng bạc màu. Tôi không nhớ đã thay bao nhiêu lá cờ, chỉ biết mỗi chuyến ra khơi kéo dài khoảng 1 tháng thì thay cũng vài lần. Lá cờ như người bạn đồng hành, vật không thể thiếu và luôn được treo ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất của con tàu. Nhiều ngư dân tại vùng biển Thọ Quang chúng tôi thường tự nhủ "tàu không cờ chẳng khác nào nhà không có nóc", và đó là tài sản lớn nhất đối với ngư dân, dù có đối mặt với hiểm nguy, chúng tôi cũng quyết bảo vệ tàu, bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ ngư trường.
Lão ngư Nguyễn Văn Cư chỉnh sửa lại quốc kỳ trước khi đi biển. Lá cờ đỏ sao vàng luôn được các ngư dân treo ở vị trí cao nhất.
Cho đến bây giờ, người dân Việt Nam nói chung, và những ngư dân ngư trường Thọ Quang chúng tôi không thể quên được hình ảnh người thuyền trưởng của tàu QNg 96382 dũng cảm lao vào cứu lá cờ Tổ quốc trước đám cháy do Trung Quốc gây ra. Đó là ngày 20/3/2013, tàu cá QNg 96382 khai thác hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc bắn cháy. Giữa lúc hoạn nạn, ngọn lửa bùng cao trên ca-bin, mọi người tập trung dập lửa cứu tàu, còn thuyền trưởng Bùi Văn Phải không ngại xông vào ngọn lửa, cuộn lá cờ vào ngực, tìm mọi cách bảo vệ cờ khỏi lửa táp. Được lai dắt trở về đất liền, con tàu chỉ còn trơ bộ khung, nhưng lá cờ Tổ quốc dù thủng lỗ chỗ, cháy sém một góc nhưng vẫn tung bay đầy kiêu hãnh trước sự tự hào của ngư dân…
Ngư dân mặc dù trình độ dân trí còn thấp, tuy nhiên tinh thần đoàn kết cùng nhau khai thác đánh bắt, hỗ trợ tương thân tương ái trong những lúc gặp khó khăn, tinh thần yêu dân tộc, Tổ quốc quá tuyệt vời. Chúng tôi mỗi khi đánh bắt các ngư trường ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đều có thói quen treo những lá cờ Tổ quốc ở những vị trí trang trọng, khu vực treo thường ở trên cao, vị trí này mọi người rất dễ dàng nhìn thấy. Truyền thống này được gìn giữ duy trì từ thời xa xưa cho tới nay.
Ngư dân Cao Văn Thư đang điều chỉnh lại vị trí treo lá Quốc kỳ.
Tôi gắn bó với nghề biển hàng chục năm nay, ngày xưa gia đình tôi đi đánh bắt nhiều nước khu vực các nước như: Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, Philippines,... chủ yếu đánh bắt cá ngừ đại dương và mực. Khi trở về đánh bắt ngư trường ở Việt Nam, tôi cảm thấy vui sướng và tự hào, bởi ngư dân trong nước vẫn có truyền thống treo cờ không những ngày lễ, Tết mà cả ngày thường. Mỗi lần đánh bắt nhìn thấy cờ đỏ sao vàng tung bay như vậy, tôi cảm thấy tự hào, hạnh phúc và xúc động.
Tôi thường xuyên đánh bắt trên vùng biển và tranh thủ thời gian ghé thăm các chiến sĩ trên đảo Phan Vinh, Đá Thị, Cô Lin, Song Tử Tây,...mỗi lần ghé thăm mang theo những con cá, ổ bánh mì gửi tặng cho các chiến sĩ, nơi các anh chiến sĩ ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Khánh Hòa. Tuy món quà không lớn, nhưng rất ý nghĩa nhằm động viên các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc.
Nhà báo Viết Niệm - Công Tâm (ghi)
Đã 18 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc kỳ diệu tại ASIAD 2006, tôi lại mỉm cười. Điều này tưởng như trái ngược nhưng lại đồng điệu với những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên khuôn mặt của tôi trên đất Qatar ngày ấy… Đến giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại khóc, tôi đã từng rất kiên cường cơ mà (?!). Nhưng trong thời khắc ấy, khi cầu mây Việt Nam có thể thắng Thái Lan, những giọt nước mắt cứ rơi một cách rất tự nhiên với niềm tự hào màu cờ sắc áo.
Hình ảnh lá cờ Tổ quốc luôn in đậm trong tâm trí tôi. Và cũng như mọi người dân Việt Nam, giai điệu Quốc ca đã ăn sâu vào tâm khảm. Những ai từng tới sân vận động Mỹ Đình xem một trận đấu của ĐT Bóng đá Việt Nam, thì đều cảm nhận rõ tình yêu, lòng tự hào dân tộc khi các khán đài "cuộn sóng" cùng hoà nhịp hát vang bài Quốc ca hùng tráng.
Với bản thân mình, trong những thời điểm khó khăn nhất của sự nghiệp, tôi luôn nghĩ về lá cờ Tổ quốc. Đó là niềm tin giúp tôi không lùi bước, tiến lên, quyết tâm mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Tôi biết ơn tất cả những trải nghiệm trên hành trình thể thao chuyên nghiệp 20 năm mình đã trải qua. Tôi tự hào hai tiếng Việt Nam! Tôi hiểu, để chúng tôi được sống trong hoà bình, được thoả mãn niềm đam mê khẳng định mình trên đấu trường quốc tế ngày nay; trước đó, thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh, đã chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Lá cờ Tổ quốc với truyền thống dân tộc giúp tôi luôn có niềm tin chiến thắng, cho dù đối thủ là ai, có mạnh cỡ nào đi chăng nữa. Ý nghĩ thua không bao giờ xuất hiện trong tôi từ trước và trong khi trận đấu diễn ra.
Trở lại với thời điểm ASIAD 2006, mọi thứ căng thẳng, nghẹt thở trong từng điểm và sự kiên trì, nhẫn nại, chính xác trong từng đường cầu đã giúp chúng tôi chiến thắng. Cảm xúc như chiếc lò xo bao lâu bị dồn nén có dịp bung tỏa, vỡ òa hạnh phúc. Khi giai điệu Quốc ca vang lên, lá cờ Tổ quốc được đặt ở vị trí cao nhất trên đấu trường châu lục, tôi đã không cầm được những giọt nước mắt, cảm giác thiêng liêng vô cùng.
Mọi vất vả, khổ cực trong tập luyện, ẩn ức trong thi đấu suốt 12 năm kể từ khi tôi bắt đầu theo nghiệp thể thao năm 1994 như gói gọn trong khoảnh khắc ấy. Hình ảnh những buổi tập, những gương mặt huấn luyện viên, đồng đội, những thất bại… lướt qua rất nhanh và dừng lại ở lá cờ đỏ sao vàng gắn với truyền thống, niềm tự hào Việt Nam!
Nhà báo Lê Minh Đức (ghi)
Lũng Cú - vùng đất địa đầu cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Nếu ai đó đã một lần đặt chân đến Hà Giang, đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, thăm cột cờ Lũng Cú, đỉnh "chóp nón" núi Rồng đầy kiêu hãnh, chắc hẳn không thể quên vẻ đẹp thiên nhiên của núi đá trập trùng, mây trời hòa quyện làm say mê lòng người. Ngày đêm, những chiến sĩ Biên phòng Lũng Cú quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ cột cờ Lũng Cú, giữ cho sắc cờ trên đỉnh núi Rồng lúc nào cũng đỏ tươi, bởi đó là hồn thiêng sông núi của Tổ quốc.
Trung tá Kim Xuân Giang - Đồn trưởng Đồn biên phòng là một biểu tượng của tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm.
"Những người lính luôn mang trong mình trách nhiệm nặng nề và cao cả – bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Dưới lá Quốc kỳ, phía trước và đằng sau đều là màu máu anh hùng kiêu hãnh, là dấu ấn của những thế hệ đi trước đã hy sinh để gìn giữ vùng trời bình yên của Việt Nam", Trung tá Kim Xuân Giang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú chia sẻ với Dân Việt.
Vị Đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú không chỉ là người đứng đầu, mà còn là hình mẫu của phẩm chất, dũng cảm và quyết tâm của những người lính nơi đây. Với đôi mắt sáng ngời và trái tim nóng bỏng yêu nước, đồn trưởng không chỉ thể hiện sự lãnh đạo tài tình mà còn là một người lính luôn sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách.
"Biết bao chiến sĩ đã hy sinh trong những trận mưa bom bão đạn, bao nhiêu đêm không ngủ vì nỗi lo canh giữ biên cương. Mỗi lần đứng trước cột cờ, chúng tôi không chỉ nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay mà còn cảm nhận sâu sắc những hy sinh âm thầm của đồng đội, những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ từng mét đất thiêng liêng", Trung tá Giang nói.
Làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nơi địa hình hiểm trở và khí hậu không dễ chịu, đồn trưởng Kim Xuân Giang không ngại gian khổ. Mỗi ngày trôi qua, anh cùng các đồng đội của mình phải đối mặt với đủ loại khó khăn, từ thiên tai đến tình hình an ninh phức tạp. Những buổi sáng sớm, anh thường đứng trước cột cờ, mắt dõi theo từng làn sóng của lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, trong lòng chứa đựng niềm tự hào và trách nhiệm nặng nề.
Dưới cột cờ, Trung tá Kim Xuân Giang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú cùng các chiến sĩ không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ, mà còn là những người bạn đồng hành cùng bà con dân tộc. Họ là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, không quản ngại ngày đêm hỗ trợ kịp thời khi có thiên tai, giúp đỡ những gia đình nghèo khó và gìn giữ sự ổn định xã hội. Từng hành động, từng lời nói của đồn trưởng đều thể hiện sự tận tụy, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của vùng đất này.
Nhà báo Nguyễn Quân (ghi)
Chứng kiến Lễ Thượng cờ Lăng Bác hàng trăm lần, tôi vẫn không khỏi xúc động khi ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc dần được kéo lên trong tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng, sáng 2/9.
Lễ Thượng cờ Lăng Bác thường bắt đầu vào lúc 6h sáng vào mùa hè và 6h30 sáng vào mùa đông tại Quảng trường Ba Đình. Đây là một trong nghi thức cấp quốc gia được thực hiện hàng ngày tại khu vực quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi Đội tiêu binh danh dự xuất phát từ phía sau Lăng, trang nghiêm diễu binh theo đội hình từ bên phải Lăng ra trước Cột cờ trong tiếng quân nhạc hào hùng của hành khúc "Tiến bước dưới quân kỳ", không ai bảo ai, người dân quanh khu vực, người tập thể dục, người tham gia giao thông đều dừng lại trước quảng trường. Trong phút chốc, cả không gian rộng lớn tĩnh lặng, trang nghiêm, chờ đợi khoảnh khắc lá cờ Tổ quốc được kéo lên.
Khoảnh khắc này, tôi và có lẽ tất cả mọi người có mặt đều chung cảm xúc thiêng liêng, tự hào về Tổ quốc, dân tộc, niềm xúc động trào dâng trong tim. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng đỏ thắm, tôi nghĩ về những anh hùng liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những vị lãnh đạo hết lòng vì dân, vì nước.
Nhà báo Tất Định (ghi)
Vượt qua gần 70 đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tranh tài tại Miss Grand International 2021 (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế), Nguyễn Thúc Thùy Tiên từng bật khóc vì xúc động khi giành ngôi vị cao nhất cuộc thi sắc đẹp này. Đây cũng là lần đầu tiên một cô gái Việt Nam mang về chiếc vương miện danh giá tại đấu trường nhan sắc Miss Grand International.
Hoa hậu Thuỳ Tiên luôn có cách thể hiện và lan tỏa hình ảnh của Việt Nam trong quá trình tham gia cuộc thi Miss Grand International 2021.
"Lá cờ Việt Nam có vị trí đặc biệt trong lòng tất cả người dân Việt Nam chứ không chỉ riêng tôi. Trước khi lên đường đến Thái Lan thi Miss Grand International 2021, tôi có chụp ảnh cùng lá cờ Việt Nam tại sân bay với niềm tự hào dân tộc.
Khi tham gia cuộc thi, lá cờ Việt Nam là động lực to lớn để tôi cố gắng, nỗ lực hơn. Tôi biết mình không chỉ đại diện cho bản thân vì khi đã đeo dải sash (dải băng đeo – PV) mang tên Việt Nam, tôi còn đại diện cho hình ảnh, con người Việt Nam. Nhiều thí sinh đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khi thi đấu chung họ gọi tôi bằng tên Việt Nam thay cho tên Thùy Tiên. Đó là điều tôi luôn ghi nhớ, cố gắng để mang đến hình ảnh, tính cách tốt đẹp của con người Việt Nam đến cuộc thi Miss Grand International 2021", Hoa hậu Thùy Tiên chia sẻ.
Theo người đẹp sinh năm 1998, tình yêu đối với đất nước, lá cờ Việt Nam được thể hiện sâu bên trong mỗi người. Riêng Hoa hậu Thùy Tiên, cô có cách thể hiện và lan tỏa hình ảnh của Việt Nam trong quá trình tham gia cuộc thi Miss Grand International 2021: "Tôi luôn cố gắng chia sẻ cho các thí sinh cùng thi đấu biết được những câu, từ của tiếng Việt; giới thiệu với họ ý nghĩa của những bộ trang phục Việt Nam… Trong phần thi National Costume (Trang phục dân tộc), tôi trình diễn bộ trang phục mang tên "Thiên thần áo xanh" được lấy cảm hứng từ màu áo bảo hộ của lực lượng tuyết đầu phòng chống dịch Covid-19 gồm: phần áo dài truyền thống, mấn và phần cánh kèm biểu tượng của ngành y ở phía sau…Ngoài trang phục, những phụ kiện, món đồ nhỏ dù chỉ để điểm xuyết tôi mang đi thi và sau khi đăng quang cũng đều mong muốn thể hiện nét đẹp của con người Việt Nam".
Hoa hậu Thùy Tiên cho hay: "Việt Nam ngày càng phát triển. So với khoảng 10 năm trước, những nơi tôi sống đã đổi thay, những tòa nhà cao tầng được xây dựng, thiết kế rất đẹp. Với sự phát triển trên mọi lĩnh vực, tôi tin rằng trong thời gian tới Việt Nam phát triển ngày càng vững mạnh khi các bạn trẻ bây giờ có tính sáng tạo, luôn tiên phong, dám nghĩ dám làm…".
Đề cập đến "trend" vẽ cờ Tổ quốc trước thềm Quốc khánh 2/9 năm nay, Miss Grand International 2021 cho biết: "Tôi nghĩ "trend "này khá hay. Tuy nhiên, tôi cho rằng, quan trọng khi làm theo "trend" cần xuất phát từ tình yêu nước và có sự nghiên cứu, tìm hiểu cho đúng với hình ảnh, kích thước lá cờ Việt Nam theo đúng quy định. Vì như vậy khi lá cờ Việt Nam hoàn thành sẽ trang trọng, trọn vẹn ý nghĩa hơn".
Nhà báo Mỵ Lương (ghi)
Đối với tôi, lá cờ Việt Nam là biểu tượng thiêng liêng của lòng tự hào dân tộc, là minh chứng cho lịch sử đấu tranh và sự hy sinh của bao thế hệ để bảo vệ và xây dựng đất nước. Mỗi khi nhìn thấy lá cờ tổ quốc, tôi cảm nhận được tinh thần kiên cường và bất khuất của dân tộc Việt Nam. Lá cờ không chỉ là biểu tượng của Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở tôi về trách nhiệm của mỗi người công dân trong việc gìn giữ và phát triển đất nước. Vì vậy, trong rất nhiều sự kiện, tôi luôn lưu lại những khoảnh khắc được chụp với lá cờ Tổ quốc!
Cô giáo Hà Ánh Phượng tự hào mỗi lần được đứng cạnh quốc kỳ Tổ quốc.
Tình yêu đối với đất nước được thể hiện qua nhiều cách khác nhau, từ những việc làm nhỏ nhặt hàng ngày như giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng sản phẩm trong nước, đến việc tham gia các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, tôi luôn cố gắng nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân để đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, đồng thời giữ vững lòng tự hào dân tộc và truyền cảm hứng này đến thế hệ trẻ.
Mỗi dịp Quốc khánh 2/9 là một cơ hội để tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự kiêu hãnh của người dân Việt Nam, niềm tự hào về những thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử. Đây cũng là dịp để tôi tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước, với niềm tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vươn ra tầm quốc tế và mang lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người dân.
Là một cô giáo vùng cao, tôi thể hiện tình yêu đất nước thông qua việc truyền dạy kiến thức và giá trị văn hóa cho học sinh, giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống và lòng tự hào dân tộc. Tôi luôn nỗ lực cải thiện môi trường học tập, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện, đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa để kết nối học sinh với cộng đồng, khơi dậy tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
Tôi cũng tham gia vào các dự án cộng đồng nhằm nâng cao đời sống và giáo dục cho trẻ em vùng cao, góp phần giảm thiểu khoảng cách giữa các vùng miền và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Đặc biệt, tôi luôn cố gắng truyền đạt cho học sinh niềm tự hào về lá cờ Tổ quốc.
Mỗi khi có dịp kết nối các lớp học toàn cầu, chúng tôi thường hát quốc ca và những bài hát mang đậm truyền thống dân tộc, tôi luôn chuẩn bị những lá cờ nhỏ cầm tay cho học sinh khi tham gia tiết học này, khi tham gia các sự kiện quốc tế có 3 thứ mà tôi luôn đem theo trong vali của mình là lá cờ Tổ quốc, áo dài, áo dân tộc Mường, lá cờ như một biểu tượng của sự đoàn kết và tinh thần vượt khó. Khi tôi vinh dự được nhận giải thưởng công chúa Thái Lan hay giải thưởng giáo viên toàn cầu, tôi và những người thân đều đã cùng nhau giương cao lá cờ Tổ quốc trong đêm chung kết. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ, không chỉ vì niềm tự hào của bản thân mà còn là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên đấu trường quốc tế".
Nhà báo Tào Nga (ghi)
Là người con của huyện Hải Hậu, dịp Quốc khánh 2/9 năm nay gia đình anh Đinh Văn Thuận ở xóm Nam Châu, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu có niềm vui nhân lên bội phần khi mà mới đây, anh Thuận được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và tôn vinh là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Dành vị trí trang trọng nhất để treo lá cờ Tổ quốc trước ngôi nhà của mình, anh Thuận phấn khởi cho biết: "Vào những ngày của Tết độc lập Quốc khánh 2/9, tôi cùng bà con nhân dân trong xã lại cùng nhau treo cờ Tổ quốc. Là một người nông dân, khi treo lá cờ Tổ quốc trước nhà tôi thấy tự hào về quê hương, đất nước mình và tự nhủ càng phải nỗ lực, phấn đấu cố gắng hơn nữa để xây dựng và cống hiến cho quê hương, xã hội nhiều hơn. Thực sự, khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện ngợp các con đường làng ngõ xóm và nhà mình cũng treo lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trong gió, tôi cảm thấy rất thiêng liêng và dâng lên niềm tự hào dân tộc sâu sắc".
Bày tỏ niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của mình, chia sẻ với PV Dân Việt, anh Thuận cho biết: "Là một người nông dân Việt Nam, trong suốt nhiều năm qua, tôi luôn nỗ lực vươn lên, xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp mới và hiệu quả tại địa phương. Đặc biệt, là mô hình nuôi chim yến lấy tổ thành công đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nam Định".
Hiện nay, Nông dân Việt Nam xuất sắc Đinh Văn Thuận đang có 5 nhà nuôi yến, năng suất đạt 220kg tổ yến/năm, cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Năm 2023, gia đình anh có 2 sản phẩm gồm yến thô và yến tinh chế đạt chất lượng OCOP 3 sao.
Nông dân Việt Nam xuất sắc Đinh Văn Thuận ở xóm ở xóm Nam Châu, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định hướng dẫn công nhân sơ chế yến tinh. Ảnh: NV
Mô hình nuôi yến của Nông dân Việt Nam xuất sắc Đinh Văn Thuận đã mở ra hướng đi mới cho người dân các xã ven biển tại Nam Định. Cùng với chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi yến, anh Thuận còn hỗ trợ trên 30 hộ nuôi yến trong và ngoài tỉnh tiêu thụ tổ yến. Ngoài ra, cơ sở sản xuất yến sào Đinh Thuận của anh còn tập trung phát triển các dòng sản phẩm tiện lợi như yến chưng sẵn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cơ sở của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Nhà báo Thu Hà (ghi)
"Cờ in máu mang hồn nước" nên mỗi khi đứng trước cờ Tổ quốc, ai ai cũng đều cảm nhận được sự thiêng liêng của hồn thiêng sông núi. Lá cờ là hình ảnh của quốc gia, thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, không chỉ riêng tôi, mỗi người thợ làm nghề tại làng Từ Vân luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, miệt mài trong những đường kim, mũi chỉ, thêu tận tâm những lá cờ đỏ sao vàng" - ông Phục, người gắn bó với nghề làm cờ Tổ quốc gần nửa đời người nói.
Ông Phục vẫn quyết tâm theo nghề làm cờ đến cùng.
Vừa cặm cụi hoàn thiện những mũi thêu cuối cùng, ông Phục vừa tranh thủ chia sẻ về công việc của mình, ông cho biết, lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên khi may cờ phải thật khéo léo, cẩn thận.
"Nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp. Để hoàn thành một lá cờ đạt tiêu chuẩn phải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mỉ. Mỗi đường kim mũi chỉ chúng tôi đặt xuống đều chứa đựng niềm tự hào và trách nhiệm, góp phần tạo nên lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh", ông Phục chia sẻ với Dân Việt.
Dù mất nhiều thời gian và kỳ công là thế, nhưng thu nhập từ công việc này lại không cao. Nhưng ông Phục vẫn quyết tâm theo nghề đến cùng. Bởi đối với ông, việc tiếp tục gắn bó với nghề không chỉ là để kiếm kế sinh nhai mà còn là trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, giữ lấy màu cờ sắc áo của dân tộc.
"Khi bắt gặp những lá cờ do mình làm được treo khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, tôi thấy vô cùng xúc động và tự hào. Tôi muốn được gắn bó với nghề cho đến khi nào mắt nhắm, tay ngưng không thể làm nữa. Tôi cũng hy vọng con cháu tôi sau này vẫn sẽ lưu giữ được nghề truyền thống của làng mình, ông Phục bộc bạch.
Nhà báo Khổng Chí (ghi)