Vụ gian lận ở giải karate trẻ TPHCM: "Vết xước" trên tấm huy chương vàng karate
"Vết xước" trên tấm huy chương vàng karate
Lê Đức
Thứ năm, ngày 29/08/2024 07:02 AM (GMT+7)
Sau sự việc VĐV Nguyễn T.M bị ép bỏ trận chung kết Giải karate năng khiếu trẻ TP.HCM 2024, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM đã đề nghị đình chỉ HLV Nguyễn Thị Mộng Tâm và tổ trọng tài. Nhưng động thái đó không thể làm lành "vết xước" trong tâm hồn những đứa trẻ.
Không đồng ý, HLV của cháu Nguyễn T.M đã đến hỏi thì được HLV Mộng Tâm đã giải thích: "Đội Bình Thạnh họ ít huy chương, họ xin mình, mình nhiều rồi nên cho họ một cái". Câu trả lời đó của HLV Mộng Tâm "khiến ông Dương cảm thấy như bị ai đó lấy búa đập vào mặt!" (lời của ông Dương khi trả lời phỏng vấn SCTV - NV).
Thực tế, không chỉ ông Dương mà với tất cả các bậc phụ huynh có niềm đam mê thể thao, từng cho con mình theo tập thể thao từ khi còn nhỏ đều cảm thấy đó là một thùng nước lạnh giội vào bầu nhiệt huyết, tâm sức của họ.
Tôi là người rất yêu võ thuật, từng cho con trai mình ở lứa tuổi của bé Nguyễn T.M đi tập karate. Gia đình tôi khi cho con đi học võ đều không hề nghĩ tới những tấm huy chương. Chỉ mong sao con có môi trường rèn luyện sức khỏe để học tập tốt hơn; biết cách kiên nhẫn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; mạnh mẽ đối diện với những sai sót để hoàn thiện bản thân và tuyệt đối không bao giờ "ăn gian nói dối" đúng với tinh thần của võ thuật chân chính.
Chuyện đi thi đấu, gia đình tôi cũng coi như một trải nghiệm quý dành cho cháu. Để đạt được mục tiêu đó, bất kể nắng mưa, tôi đều cố gắng thu xếp công việc đưa con đến lớp học võ đúng giờ, rèn ý thức kỷ luật.
Đến ngày thi đấu, mẹ cháu còn "lo" hơn con, dậy từ sớm đưa con đi ăn, tới nhà thi đấu cổ vũ cho con, chờ quay lại những đoạn clip làm kỷ niệm. Ngày ấy, con tôi chỉ được HCĐ giải quận nhưng cả nhà đều vui lắm!
Học võ được khoảng 3 năm, con tôi không theo được và cháu xin nghỉ. Gia đình tôi tôn trọng cảm nhận của cháu và đồng ý. Trong suy nghĩ của tôi, 3 năm học võ đó đã giúp con rất nhiều, giúp cháu ưa vận động, có niềm đam mê thể thao, có nền tảng thể chất để có thể chơi được nhiều môn thể thao.
Nhiều lúc thấy thầy cô cũ xuất hiện trên truyền hình, cháu đều rất vui và nhắc lại những kỷ niệm đẹp, những bài học quý mà các thầy cô đã dạy.
Với những trải nghiệm của mình, khi nghe câu chuyện gia đình bé Nguyễn T.M tôi vô cùng khó chịu, cho cả ba bên. Gia đình bé Nguyễn T.M bức xúc là điều đương nhiên, nhưng còn bé VĐV quận Bình Thạnh được nhận HCV? Chắc hẳn gia đình cháu cũng phải trải qua những sự dằn vặt!
Sự thật là trận chung kết hạng -45kg nhóm tuổi 11-12 nữ Giải karate năng khiếu trẻ TP.HCM 2024 vẫn diễn ra và VĐV quận Bình Thạnh đã thắng tuyệt đối 11-3. Liên đoàn karate TP.HCM đã thành lập tổ trọng tài trung lập, dựa trên clip mà phụ huynh đưa lên mạng để chấm lại và kết luận: "Kết quả trận đấu với tỷ số VĐV đai xanh (Nguyễn T.M) là 3 điểm. VĐV đai đỏ là 11 điểm, chênh lệch 8 điểm. VĐV đai đỏ giành thắng cuộc đúng theo luật thi đấu. 10/10 tình huống phản ánh theo đơn là không chính xác".
Rõ ràng gia đình cháu VĐV quận Bình Thạnh cũng tốn nhiều tâm sức y như gia đình bé Nguyễn T.M nhưng giờ lại được trao một tấm HCV thiếu minh bạch! Bên thứ ba cũng vô cùng bức xúc chính là các võ sư chân chính, các thầy cô đã dạy con tôi như tôi đã chia sẻ ở trên.
Cựu tuyển thủ karate Việt Nam Bùi Việt Bằng – người từng giành 3 HCV SEA Games 22, 23, 24 liên tiếp và đang dồn tâm huyết "mài ngọc" cho karate Việt Nam trong vai trò HLV, Chủ nhiệm CLB Karate Việt Nhật bộc bạch: "Tôi không dám cho học sinh của mình tham gia nhiều vào các giải nằm trong hệ thống thi đấu tỉnh, thành, ngành vì biết chắc khi đó sẽ xảy ra "va chạm". Khi đó, các CLB như chúng tôi vốn không thuộc hệ thống sẽ luôn chịu thiệt. Theo đó, uy tín của chúng tôi với phụ huynh học sinh sẽ bị giảm về mọi mặt".
Trong câu chuyện kể trên của ông Nguyễn Mạnh Dương, người viết tin rằng đó không phải là câu chuyện duy nhất trong làng Thể thao Việt Nam. Chuyện chia huy chương tại các kỳ Hội khỏe phù đổng, Đại hội thể thao toàn quốc, giải vô địch quốc gia đã không còn là chuyện lạ. Tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến cảnh các võ sĩ bật khóc nức nở khi bị "ép" thua VĐV nước chủ nhà trên đấu trường SEA Games.
Không ít bậc phụ huynh rơi vào tình cảnh của ông Dương đã lựa chọn một cách khác nhẹ nhàng hơn, cho qua và khuyên con "coi như tặng bạn một tấm huy chương" như tặng một món đồ chơi vậy!
Nhưng tấm huy chương khi đã trải qua cả một quá trình tập luyện, thi đấu, là kết tinh công sức, tâm huyết của cả gia đình, thầy cô, không còn là món đồ chơi có thể mua được rất nhiều ở các cửa hàng.
Ở đây, ông Dương đã chọn cách đối đầu dù biết chắc con ông là cháu Nguyễn T.M sẽ bị tổn thương, thậm chí sẵn sàng nghỉ học võ sau sự việc này. "Tôi không thể để người lớn áp bức và giành giật huy chương của con tôi được. Nếu tôi để điều đó xảy ra thì sau này tôi nói sao con bé tin tôi được", ông Dương khẳng định khi trả lời SCTV.
Trong cuộc sống hàng ngày, tôi tin đa phần các phụ huynh, trong đó có chính HLV Nguyễn Thị Mộng Tâm và các trọng tài liên quan tới sự việc kể trên, đều dạy con cháu mình phải thành thật, trung thực. Và tôi không biết họ có còn tự tin dạy dỗ đạo đức cho con cháu mình sau những gì đã xảy ra (?!)
Điều đáng sợ là nếu những sự việc như này không được làm sáng tỏ, chấp nhận lời bao biện của HLV Mộng Tâm khi chỉ thừa nhận nói với gia đình VĐV "có đánh cũng thua" chứ không chịu nhận đã đề cập tới việc nhường huy chương, chắc chắn vết xước trong tâm hồn của trẻ thơ sẽ rất khó lành! Các em sẽ bị ám ảnh bởi câu chuyện về sự gian lận, lừa dối theo suốt cuộc đời và cả công việc sau này.
Trẻ con dễ khóc dễ cười. Khi người lớn chúng ta bắt con phải xin lỗi khi con sai, thì càng nên thành khẩn xin lỗi con trước công luận.
Chỉ có như vậy mới giúp các bé biến câu chuyện buồn đầu đời thành một bài học quý: Bài học biết thừa nhận sai lầm và xin lỗi!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.